• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tình hình hoạt động của cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Giồng Trôm trong thời gian qua và phương hướng phát triển trong thời gian tới
Quang cảnh buổi làm việc. (Nguồn: QLCN)

Tình hình hoạt động của cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Giồng Trôm trong thời gian qua và phương hướng phát triển trong thời gian tới

(Cập nhật: 27/11/2020)
Nhằm phục vụ tốt nhất cho việc xây dựng Phương án phát triển CCN toàn tỉnh, ngày 20/11/2020, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Giồng Trôm về tình hình hoạt động của cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn trong thời gian qua và phương hướng phát triển trong thời gian tới, ông Trần Văn Đấu - Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn.

Hiện tại, huyện có CCN Phong Nẫm với diện tích 74,3 ha nằm trong Quy hoạch phát triển CCN của tỉnh, bao gồm các ngành nghề: chế biến các sản phẩm từ dừa, trái cây, may mặc, mây, tre, nứa, vật liệu xây dựng và các ngành nghề khác tùy theo nhu cầu phát triển của địa phương, nhà đầu tư.

Giai đoạn 1: UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2178/QĐ-UBND ngày 16/9/2016 về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Cụm CN-TTCN Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, với tổng mức đầu tư dự án là 332 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Quyết định số 40/2005/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng chính phủ; ngân sách tỉnh và huy động các nguồn vốn khác. Tổng vốn đầu tư hạ tầng đến nay khoảng 123,5 tỷ đồng, đạt 37,20 % so với tổng mức đầu tư dự án.

CCN đã đầu tư xây dựng đường giao thông trục chính trong cụm với chiều dài 990m, rộng 4m và cầu 30/4 dài 36,7m, mặt cầu rộng 3,5m; hệ thống điện 03 pha 22KV, hệ thống viễn thông, internet, nước máy được cung cấp phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của doanh nghiệp; đầu tư xây dựng thêm cầu 30/4 mới (sát cầu 30/4 cũ) nằm trên đường trục chính trong cụm, tải trọng 40 feet (25 tấn); triển khai đạt 50% khối lượng công trình đầu tư xây dựng mở rộng đường trục chính D1 trong CCN đạt theo chuẩn quy hoạch. CCN hiện có 06 dự án đăng ký đầu tư, diện tích cho thuê là 26,45 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1.722,41 tỷ đồng, trong đó có 03 dự án đã đi vào hoạt động, bình quân mỗi năm giá trị sản xuất đạt hơn 400 tỷ đồng, đóng góp 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp chung của huyện, giải quyết việc làm cho khoảng 1.150 lao động.

Giai đoạn 2: đã quy hoạch chi tiết với diện tích 34,08 ha, trong đó đất sản xuất xây dựng nhà máy xí nghiệp là 25,56 ha, đất mặt nước, công trình khác (giao thông, lộ giới, công viên cây xanh,…) là 8,52 ha. Vốn dự kiến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là 549 tỷ đồng. 

Bên cạnh những kết quả đạt được thì vần còn tồn tại những mặt hạn chế như: công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do giá đất thị trường khu vực cụm tăng cao; nguồn ngân sách của huyện còn nhiều hạn chế nên việc đầu tư hạ tầng trong CCN chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu cho các doanh nghiệp đầu tư trong cụm về giao thông, cầu tàu hệ thống xử lý nước thải tập trung,…

Trong thời gian tới để cụ thể hóa chủ trương đầu tư phát triển các CCN tập trung của tỉnh, huyện, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế một cách căn bản, nâng cao tỷ trọng sản xuất công nghiệp – xây dựng – dịch vụ, huyện Giồng Trôm sẽ xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng, chủ yếu là hệ thống xử lý nước thải tập trung và hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư lấp đầy CCN hiện có, đồng thời, quy hoạch phát triển 02 CCN mới: Thạnh Phú Đông và Thị trấn Giồng Trôm, mỗi CCN sẽ có diện tích khoảng 75ha.

Kết thúc buổi làm việc, ông Trần Văn Đấu – Phó Giám đốc Sở Công Thương cũng đề nghị huyện cân đối vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung CCN Phong Nẫm theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 15/05/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; đối với việc phát triển các CCN mới cần phải xin ý kiến của các ngành về sự phù hợp với các quy hoạch có liên quan và đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030; đồng thời, có tờ trình gửi Sở Công Thương, trong đó thể hiện các thông tin cơ bản: tên gọi, vị trí, diện tích, ngành nghề dự kiến thu hút đầu từ, tiến độ thực hiện, việc bố trí nguồn vốn triển khai đầu tư các CCN,... để Sở bổ sung vào Phương án phát triển CCN và tích hợp vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Nguồn: QLCN-SCT