• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tình hình hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2020
Sở Công Thương khảo sát, làm việc với UBND huyện Thạnh Phú về tình hình CCN.

Tình hình hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2020

(Cập nhật: 24/11/2020)
Nhằm nắm lại tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Bến Tre đã tiến hành khảo sát tình hình thực tế của các CCN trên địa bàn, ông Trần Văn Đấu - Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thành phố

Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020 sẽ có 12 CCN, với tổng diện tích 442,3 ha (tính luôn diện tích dự kiến mở rộng). Đến nay, có 10 CCN được thành lập với tổng diện tích 347,3ha, 09 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 337,3 ha (trong đó diện tích đất công nghiệp 243,45 ha, đã cho thuê 66,38 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 27,27% diện tích đất công nghiệp); có 04 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động. Các CCN có 22 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 4.882,7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 5.700 lao động.

Bên cạnh những mặt đạt được thì tình hình phát triển các CCN vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế: phần lớn các CCN chưa giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp thuê để hoạt động sản xuất; giá đền bù giải phóng mặt bằng cao; nền địa chất tại Bến Tre yếu (đất phù sa bồi lắp) dẫn đến suất đầu tư hạ tầng tương đối lớn; hạ tầng ngoài hàng rào các CCN (giao thông, điện, nước,…) phần lớn chưa có hoặc yếu kém (do đa số CCN nằm ở vùng kinh tế khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn) nên giảm tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư, khó kêu gọi đầu tư; một số CCN đã quy hoạch còn bộc lộ nhiều hạn chế như: vị trí quy hoạch CCN nằm gần khu đô thị, khu dân cư, xa vùng nguyên liệu, hoặc chưa phù hợp với nguyện vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp,... cần phải di dời sang vị trí mới gây tốn kém, lãng phí; một số CCN được giao cho các nhà đầu tư khai thác nhưng không đủ năng lực dẫn đến tiến độ triển khai dự án bị chậm trễ, ảnh hưởng đến việc mời gọi đầu tư; hầu hết các CCN đã đi vào hoạt động đều chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ khẩn trương tiến hành giải phóng mặt bằng, thu hút, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng và thứ cấp nhằm góp phần lấp đầy các CCN đã thành lập, quy hoạch, đồng thời, dự kiến thành lập mới 04 CCN, với diện tích 295ha, mở rộng các CCN có điều kiện phát triển thuận lợi với diện tích khoảng 239ha.

Để có thể phát triển các CCN theo đúng định hướng thì cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp:

 
- Phối hợp rà soát, điều chỉnh các CCN phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. Đảm bảo nhu cầu diện tích, mặt bằng sạch nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư. Đồng thời, kiên quyết di dời các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn vào CCN, góp phần lấp đầy các CCN.

- Phát triển công nghiệp bền vững là động lực để thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, tạo sức lan tỏa phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ nhanh và bền vững. Do đó, nhà nước cần quan tâm, tập trung nguồn lực và cơ chế tài chính phù hợp cho đầu tư hạ tầng CCN, tạo quỹ đất sạch để bố trí lại sản xuất công nghiệp địa phương và thu hút đầu tư, tạo năng lực sản xuất mới.

- Quy hoạch và xây dựng lộ trình hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào tại các CCN: hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc và hệ thống xử lý nước thải tập trung; khả năng và lợi thế trong việc thu hút đầu tư thứ cấp.

- Triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng CCN; xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư vào CCN trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư hạ tầng, đầu tư thứ cấp vào các CCN. Tuy nhiên, thu hút đầu tư ngày càng có sự chọn lọc kỹ hơn, ưu tiên thu hút các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao; hạn chế tối đa, dần đi đến chấm dứt thu hút các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường và thâm dụng lao động. 

- Các ngành có liên quan phối hợp với địa phương nghiên cứu điều chỉnh giá đất theo từng thời điểm phù hợp, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đạt hiệu quả tốt nhất.

- Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng theo tiến độ của dự án, nhất là các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng CCN, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN.

- Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đề xuất các giải pháp để đảm bảo môi trường của các CCN, giám sát việc chấp hành chủ trương, pháp luật về đầu tư, xây dựng, chỉ đạo quản lý việc quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động của các CCN theo đúng quy định của pháp luật.

- Các sở, ngành có liên quan phối hợp địa phương xây dựng hoàn thiện phương án phát triển CCN để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh, đảm bảo tiếp tục phát triển các CCN có hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới./.
 
 Nguồn:P. QLCN - SCT