• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Diễn đàn Mekong Connect 2020: Đưa sản phẩm – dịch vụ Đồng bằng sông Cửu Long vào chuỗi giá trị toàn cầu
Lễ ký kết của đại diện 4 đơn vị về phối hợp trưng bày, kết nối thương mại

Diễn đàn Mekong Connect 2020: Đưa sản phẩm – dịch vụ Đồng bằng sông Cửu Long vào chuỗi giá trị toàn cầu

(Cập nhật: 22/12/2020)
Ngày 11/12/2020, tại Nhà văn hóa Lao động - thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, diễn đàn Mekong Connect 2020 với chủ đề "Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu"  đã thu hút đông đảo thành phần tham dự.

Tiếp nối thành công của diễn đàn Mekong Connect diễn ra hàng năm, diễn đàn Mekong Connect lần thứ 5 năm 2020 do mạng lưới liên kết của An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và Cần Thơ phối hợp với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao thực hiện, ông Lê Quốc Phong – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chủ trì; Diễn đàn năm nay có sự góp mặt của hơn 800 đại biểu đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các nhà quản lý của 4 tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), các doanh nhân, doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã nông nghiệp,... và nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Quốc Phong cho biết: Diễn đàn lần này đã chọn chủ đề "Đưa sản phẩm, dịch vụ đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL) vào chuỗi giá trị toàn cầu" với mục tiêu tìm ra giải pháp để hàng Việt Nam không chỉ chinh phục người Việt Nam mà còn chinh phục được thị trường quốc tế. Đồng bằng Sông Cửu Long, trước mắt là các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và Cần Thơ muốn phát triển thì sản phẩm, dịch vụ của vùng không thể chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn phải hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển và thế giới phẳng như hiện nay và nhấn mạnh "Diễn đàn Mekong Connect 2020, ngoài nhiệm vụ kết nối kinh tế, còn là điểm sáng trong thực hiện liên kết để phát triển nhanh và bền vững trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19".

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nêu tóm tắt báo cáo thường niên về kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nêu bật 5 nhóm thách thức lớn nhất mà Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải trải qua trong lịch sử hình thành và phát triển, nêu 15 khuyến nghị trong nỗ lực xây dựng và triển khai mô hình phát triển mới với mục tiêu trọng tâm là nâng cao năng lực cạnh tranh cho vùng để phát triển bền vững. Báo cáo đã nhấn mạnh: “Đồng bằng Sông Cửu Long cần dũng khí và trí tuệ để chuyển sang mô hình phát triển mới, đưa sản phẩm dịch vụ vào chuỗi giá trị”.

Diễn đàn diễn ra với các nội dung thiết thực, cần thiết và đem lại những giá trị thực tế đối với các đơn vị, thành phần tham dự. Chương trình diễn ra với nhiều nội dung, một trong những chủ đề chính của phiên thảo luận xoay quanh các lợi ích và cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) mang lại đối với các sản phẩm nông nghiệp và quá trình phát triển của đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.

Các diễn giả trong phiên thảo luận đã chỉ ra việc hàng rào thuế quan được giảm bớt thì các hàng rào kỹ thuật khác lại được dựng lên. Đây là những thách thức mới đối với hàng hóa và dịch vụ Việt Nam muốn vào thị trường EU. Theo bà Bùi Kim Thùy - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ "Kiểm dịch động thực vật, thuế chống phá giá, thuế chống lẩn tránh, các biện pháp tự vệ lại là những rào cản được đẩy lên, thay thế cho các mức thuế hạ của FTA"; Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Eurocham cho biết “Thị trường EU đòi hỏi các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và các sản phẩm lưu thông trên thị trường 450 triệu dân này phải đáp ứng tiêu chuẩn của khối về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, vệ sinh và phát triển bền vững. Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiến xa hơn và củng cố vị trí, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng thực phẩm".

Theo bà Phạm Chi Lan – chuyên gia kinh tế: “Những hiệp định thương mại khác tạo những cơ hội mới cho Việt Nam trong bối cảnh mới. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới đang chao đảo, mọi người đang xem xét và sắp xếp lại các chuỗi cung ứng. Cùng với đó là việc thay đổi và củng cố các mối quan hệ và đối tác. Việt Nam sẽ có các cơ hội để lấp vào những chỗ trống của các sự thay đổi. Đối với nông nghiệp, sự thiếu hụt của lương thực trên toàn cầu sẽ tạo ra những cơ hội nhất định cho Việt Nam, tuy nhiên những thách thức vẫn còn ở đó. Thị trường EU đặt ra tiêu chuẩn và chất lượng cao và doanh nghiệp Việt có khả năng bị lãng quên trong thị trường lớn này nếu không nỗ lực hơn nữa”.

Tại diễn đàn, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập cho 13 doanh nghiệp và tổ chức lễ ký kết của đại diện 4 đơn vị ABCD (An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và Cần Thơ) về phối hợp trưng bày, kết nối thương mại các sản phẩm của các tỉnh ABCD Mekong với chương trình SKC - Khởi nghiệp Đổi mới và Sáng tạo của TT BSA./.
Nguồn: P.KHTCTH - SCT