• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc năm 1961.

Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ

(Cập nhật: 05/08/2020)

Cán bộ và công tác cán bộ, cùng với đó là chính sách cán bộ, có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong những di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta là những lời dạy, những chỉ dẫn của Người về vị trí, vai trò của cán bộ, về chính sách cán bộ nói chung, đặc biệt là về công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, lựa chọn, sử dụng cán bộ. Bài viết khái quát những thành quả trong việc kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta từ đổi mới (năm 1986) đến nay.


Trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng nói chung, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới nói riêng, Đảng Cộng sản Việt Nam rất chú trọng kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ. Bởi lẽ, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc nếu không có đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn, nghiệp vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân thì không thể đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ rõ, để đặt chính sách cho đúng”(1).

1. Về vị trí, vai trò của cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2). Cán bộ tốt hay kém phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Do vậy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc hết sức quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, khi còn hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn chuẩn bị cho việc thành lập Đảng. Người cho rằng: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(3). Công việc gốc tức là công việc quan trọng nhất, cơ bản nhất, căn cơ nhất của Đảng. Người chỉ rõ: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”(4). Đảng phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách toàn diện: huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận.v.v…

Kế thừa và phát triển tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và đào tạo, huấn luyện cán bộ, trong quá trình đổi mới, Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm tới cán bộ và công tác  đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư Trung ương, Bộ Chính trị qua các nhiệm kỳ Đại hội ĐBTQ của Đảng, các học viện, nhà trường của Đảng trong thời kỳ đổi mới đã thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, tăng cường kỷ cương, kỷ luật học tập, đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập,v.v... đào tạo, bồi dưỡng hàng chục vạn cán bộ các cấp khác nhau cho hệ thống chính trị. Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, kết luận về cán bộ, công tác cán bộ. Điển hình như Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (tháng 6/1997); Báo cáo của Bộ Chính trị trình Hội nghị Trung ương lần thứ chín khóa X; Kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ chín khóa X về tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Trung ương lần thứ ba khóa VIII (tháng 12/2008); Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay (tháng 01/2012); Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (tháng 10/2016) cho phù hợp tình hình thực tiễn mới. Đến nay, trong toàn Đảng có hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gồm 6 đơn vị hợp thành, 63 Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 11 trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các bộ, ban, ngành và hàng trăm trung tâm chính trị cấp huyện để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là đảng viên cho hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng việc xây dựng và ban hành hệ thống văn bản pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Điển hình như: Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025”; Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 10/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 01/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 101/ 2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 36/2018/ TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18/9/2018 về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2019 phê duyệt Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030”; Quyết định số 1659/ QĐ-TTg ngày 19/11/2019 phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030”.v.v...

2. Về vai trò và yêu cầu đối với người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm tới nội dung, chương trình, phương pháp mà còn đặc biệt quan tâm tới đội ngũ những người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không phải ai cũng huấn luyện được. Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội”(5). Nghĩa là, người đi  đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng cần phải được đào tạo, bồi dưỡng, phải am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ. Hơn nữa, người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải là mẫu hình lý tưởng của người cán bộ cách mạng “Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”(6). Đồng thời, Người còn yêu cầu người làm công tác  đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải học suốt đời, phấn đấu, rèn luyện suốt đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Lênin khuyên chúng ta: “học, học nữa, học mãi”. Mỗi người đều phải ghi nhớ và thực hành điều đó, những người huấn luyện lại càng phải ghi nhớ hơn ai hết. Người huấn luyện nào tự cho mình là biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”(7).

Đối với người học, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: lý luận phải liên hệ với thực tế”(8). Theo Người là phải chống giáo điều ngay trong học tập chủ nghĩa Mác-Lênin. Đồng thời, Người luôn phê phán kiểu học thuộc lòng “học sách vở Mác-Lênin nhưng không học tinh thần Mác-Lênin”(9). Đó là học theo kiểu “mượn những lời của Mác, Lênin dễ làm cho người ta lầm lẫn”(10). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là “phải học tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”(11), “Học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm”(12). Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên “học tập lý luận thì nhằm mục đích để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc để tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với đảng”(13). Như vậy, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin không phải vì chủ nghĩa Mác-Lênin, cũng không phải vì học tập thuần tuý, càng không phải học tập vì mục đích cá nhân nhằm có cái để mặc cả với đảng, với tổ chức. Học tập trước hết là để làm việc, làm người, rồi mới làm cán bộ và phụng sự Tổ quốc, dân tộc, nhân dân, giai cấp và nhân loại.

Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể để đào tạo đội ngũ giảng viên các học viện, nhà trường của Đảng, Nhà nước để nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm công tác  đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, Nhà nước ta, ví dụ như Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương; Đề án 911 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.v.v... Đồng thời, bản thân đội ngũ những người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện về mọi mặt. Do vậy, đến nay, đội ngũ giảng viên, cán bộ làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các học viện, nhà trường của Đảng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, có học hàm, học vị là phó giáo sư, giáo sư ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đến năm 2019 đã có 8 cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có chức danh giáo sư, 113 người có chức danh phó giáo sư, 301 người có học vị tiến sĩ và tiến sĩ khoa học; 253 người có học vị thạc sĩ, 181 người có trình độ đại học (14).

Đối với cán bộ được cử đi học thì Đảng ban hành nghị quyết tăng cường chống bệnh “lười học tập lý luận” như Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XII đã nêu. Trong tất cả các kỳ Đại hội ĐBTQ thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm chú trọng xây dựng Đảng về chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đổi mới công tác tư tưởng, lý luận; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng; thực hiện nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng(15).

3. Về đánh giá, lựa chọn, sử dụng và chính sách cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng vấn đề đánh giá, lựa chọn, sử dụng và chính sách cán bộ. Người căn dặn, trước hết, Đảng phải biết rõ cán bộ để đánh giá đúng cán bộ. Muốn biết rõ cán bộ thì phải thường xuyên xem xét, đánh giá cán bộ để phát hiện, “tìm thấy nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”(16). Thứ hai, Đảng phải cân nhắc cán bộ cho đúng “Khi cất nhắc cán bộ cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng không, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà không dùng đúng tài của họ, cũng không được việc”(17). Thứ ba, phải khéo dùng cán bộ. Thứ tư, phải phân phối cán bộ cho đúng. Thứ năm, phải giúp cán bộ cho đúng. Thứ sáu, phải giữ gìn cán bộ(18). Đối với chính sách cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Hiểu biết cán bộ, Khéo dùng cán bộ, Cất nhắc cán bộ, Thương yêu cán bộ, Phê bình cán bộ”(19).

Kế thừa, phát triển những tư tưởng cốt lõi này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thể chế hóa, cụ thể hóa các nguyên tắc về: quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ; quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa đức và tài; giữa kế thừa và phát triển; giữa sự quản lý thống nhất của Đảng với phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân và tập thể; giữa phân cấp, phân quyền và kiểm tra, giám sát, kiểm soát để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong Đảng và hệ thống chính trị”(20). Trên cơ sở đó, công tác cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tại Đại hội ĐBTQ lần thứ XII, Đảng ta chỉ rõ:

Một là, “nhiều chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ được thể chế, cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn”(21).

Hai là, “thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, được dư luận đồng tình, có tác dụng, hiệu quả”(22).

Ba là, “công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ về cơ bản đã thực hiện theo quy hoạch”(23).

Bốn là, “tiến hành xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước”(24).

Năm là, “quy định và thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh có tác dụng tốt”(25).

Sáu là, “việc thực hiện chính sách cán bộ trong hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm”(26).

Cùng với đánh giá những ưu điểm trên, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XII của Đảng rất khách quan, thẳng thắn chỉ ra trong những năm qua, việc đổi mới công tác cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh chưa có đột phá lớn, thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, “đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”(27).

Thứ hai, “tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp,... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”(28).

Thứ ba, “đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược chưa được tập trung xây dựng. Chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, tư vấn cấp chiến lược”(29).

Thứ tư, “công tác quy hoạch ở một số nơi còn khép kín, chưa bảo đảm sự liên thông, gắn kết. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo và cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, việc luân chuyển bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương thực hiện chưa đạt yêu cầu”(30). Do đó, cần phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá, lựa chọn, sử dụng cán bộ và chính sách cán bộ.

4. Xây dựng Đảng về đạo đức

Từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên tầm quan trọng đặc biệt của đạo đức cách mạng - là gốc, là nền tảng cách mạng của người cán bộ cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”(31). Người nhấn mạnh: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(32).

Do vậy, trong công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý xây dựng Đảng về đạo đức. Người đề ra những chuẩn mực của đạo đức cách mạng là: Trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trung với nước là trung thành với lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, của Đảng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nước ở đây với ý nghĩa là nước của nhân dân, của toàn dân tộc chứ không phải của riêng ai, và chính mỗi người dân là những người chủ chân chính của đất nước. Vì vậy, trung với nước yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải quán triệt tinh thần: “lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng… Nghĩa là, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng, tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc.

Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau”(33).

Hiếu với dân là không chỉ yêu thương cha mẹ mình, “mà còn phải yêu thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều phải biết thương cha mẹ”(34). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Có người nói: người cộng sản là vô tình, là bất hiếu. Con làm cách mạng có khi phải bỏ cả bố mẹ. Cái đó có không? Có”, nhưng “Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến giày vò. Mình không những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa“. Người cho rằng: “Phải hiểu chữ hiếu của cách mạng rộng rãi như vậy”(35).

Cần, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”(36); “Cần không phải là làm xổi. Nếu làm cố chết, cố sống trong một ngày, một tuần hay một tháng, đến nỗi sinh ốm đau phải bỏ việc. Như vậy không phải là cần. Cần là luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, cả năm cả đời. Nhưng không làm quá trớn. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình để làm việc cho lâu dài”(37). Kiệm, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Cần với

Kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. Cần mà không Kiệm, “thì làm chừng nào xào chừng ấy” cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào chảy hết chừng ấy, không lại hoàn không. Kiệm mà không Cần, thì không tăng thêm, không phát triển được. Mà vật gì cũng không tiến tức phải thoái. Cũng như cái thùng chỉ đựng một ít nước, không tiếp tục đổ thêm vào, lâu ngày chắc nước đó sẽ hao bớt dần, cho đến khi khô kiệt”(38).

Liêm, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “là trong sạch, không tham lam”(39). “Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm. Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Kiệm mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất Liêm. Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút hoặc trộm của công làm của tư”(40).

Chính, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn tức là tà. Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn...

Làm việc Chính, là người Thiện

Làm việc Tà, là người Ác.

Siêng năng (cần), tằn tiện (kiệm), trong sạch (liêm), chính là thiện.

Lười biếng, xa xỉ, tham lam, là tà, là ác”(41).

Xuất phát từ thực tiễn đất nước, kế thừa tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Đại hội ĐBTQ lần thứ XII, Đảng ta đã coi xây dựng Đảng về đạo đức là một nội dung quan trong của công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng. Những chuẩn mực đạo đức của người đảng viên đã được Đảng cụ thể hóa trong Điều lệ và Quy định về Những điều đảng viên không được làm. Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành một số văn bản như: Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 về “Tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016  về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.v.v...

Trong những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành hai Nghị quyết rất quan trọng về xây dựng Đảng: Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết  Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm rèn luyện đạo đức của Đảng nói chung, đạo đức của cán bộ, đảng viên nói riêng. Đảng ta nhận thức rất rõ, thực hành đạo đức cách mạng là yếu tố quan trọng làm nên sức mạnh của Đảng, tạo ra sự hấp dẫn, sự lôi cuốn đối với quần chúng nhân dân và làm cho Đảng trở thành một đảng chân chính, vĩ đại. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, khi Đảng trở thành một đảng cầm quyền duy nhất thì vấn đề xây dựng và thực hành đạo đức cách mạng của Đảng càng trở nên quan trọng, cấp thiết. Có thể nói, xây dựng Đảng về đạo đức là một sự bổ sung, phát triển lý luận về xây dựng đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của nước ta. Điều này phù hợp với yêu cầu xây dựng Đảng trong tình hình mới và phản ánh đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với “kẻ địch thứ nhất rất nguy hiểm là chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc” thì “kẻ địch thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài.

Loại địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia”(42). Lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam rất “Coi trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên”(43). Tuy nhiên, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XI, Đại hội ĐBTQ lần thứ XII của Đảng đã đánh giá: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị các phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước”(44). Trước tình hình đó, Đảng ta đề ra nhiệm vụ tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng. Tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”(45).

Để thực hiện được mục tiêu trên, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XII của Đảng đề ra một số giải pháp cụ thể:

Một là, coi việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Để thực hiện mục tiêu này, Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XII đã ra Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này.

Hai là, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm. Kiên quyết miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức hoặc buộc từ chức đối với những cán bộ, đảng viên làm việc kém hiệu quả, vi phạm đạo đức người đảng viên, không được nhân dân tín nhiệm, có phiếu tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Ba là, xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Bốn là, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên(46).

Năm là, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình, phải có lòng tự trọng, tự biết xấu hổ khi vi phạm những chuẩn mực đạo đức cách mạng. Đồng thời phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật Đảng, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong đời sống xã hội và trong sinh hoạt Đảng. Điều quan trọng là mỗi cán bộ, đảng viên phải biết vận dụng cụ thể, sáng tạo những chuẩn mực đạo đức cách mạng vào công việc của mình và thực hành không mệt mỏi.

Như vậy, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn mới. Quá trình này đã đạt những thành quả rất quan trọng; tuy nhiên, bối cảnh và tình hình hiện nay đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

-----------------------------------------------

Ghi chú:

(1), (2), (3), (4), (16), (17), (18), (19), (31), (33), (34), (36), (37), (38), (39), (40), (41) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.1995, tr.269, tr.240, tr.269, tr.273, tr.274, tr.274, tr.274-275, tr.277, tr.252-253, tr.250-251, tr.640, tr.632, tr.634, tr.636, tr.640, tr.643.

(5), (6), (7), (10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr. 356, tr.356, tr. 356, tr.247.

(8), (11), (13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr. 496, tr.497, tr.498.(9), (12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.292, tr.292.

(14) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - 70 năm truyền thống, Nxb Lý luận Chính trị, H.2019, tr.203.

(15), (20), (21), (22), (23), (24), (25), (26), (27), (28), (29), (30), (43), (44), (45), (46) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.199-202, tr.205-206, tr.188, tr.188, tr.188-189, tr.189, tr.194, tr.194, tr.194, tr.194-195, tr.187, tr.185, tr.202, tr.202-203.

(32) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG-ST, H.1995, tr.283,

(35) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, H. 2000, tr. 60.

(42) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG-ST, H.1996, tr.287.

 GS.TS Trần Văn Phòng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:tcnn.vn