• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Rèn luyện phong cách “Nói đi đôi với làm” của đoàn viên, thanh niên qua câu chuyện Bác Hồ bỏ thuốc lá
Bản Di chúc ngắn gọn với những lời căn dặn kĩ càng việc nước, việc Đảng, việc dân trong đó Bác vẫn dành một phần nói về thanh niên và vai trò của thanh niên.

Rèn luyện phong cách “Nói đi đôi với làm” của đoàn viên, thanh niên qua câu chuyện Bác Hồ bỏ thuốc lá

(Cập nhật: 08/05/2020)

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lúc sinh thời đã luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên cần phải “nói đi đôi với làm”. Chính bản thân Người đã luôn mẫu mực thực hành điều đó. Câu chuyện “Bác Hồ bỏ thuốc lá” là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho tác phong đạo đức “nói đi đôi với làm” của Người. Câu chuyện được kể lại như sau:


Cuộc đời của Hồ Chí Minh là một mẫu mực về tự rèn luyện. Từ thời thiếu niên đến lúc trở thành Chủ tịch nước, Bác không ngừng đấu tranh hoàn thiện mình, Bác luôn kiên trì rèn luyện, lâu dần thành nếp sống, thành thói quen. Bác nói thật chí lý: “Việc gì trong đời sống cũng khó khǎn cả, vì chưa thành thói quen, khi đã có thói quen thì việc gì cũng không khó”. Sự uyên thâm và vĩ đại của Bác chính là nhờ ý chí rèn luyện trở thành thói quen đó của Bác.

Bác Hồ tự nhận mình có thói quen xấu là hút thuốc lá. Việc hút thuốc lá liên quan tới hoạt động cách mạng của Bác trong những năm 20 của thế kỷ XX khi Bác mang tên Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Vũ Kỳ, nguyên Thư ký riêng của Bác Hồ, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được Bác Hồ tâm sự: Những năm ở Pháp, Bác là một thanh niên kháng Pháp nên luôn bị mật thám Pháp theo dõi ở khắp mọi nơi. Người biết bị theo dõi mà không dám quay đầu lại để nhìn. Để có thể quan sát được sự theo dõi, Bác nghĩ ra cách hút thuốc. Mỗi lần như vậy, đi qua thùng đựng rác ven đường cách khoảng ba bước chân, Bác dừng lại châm thuốc hút, rồi quay lại thùng rác để vứt que diêm, như vậy là Bác có dịp quan sát xung quanh, liệu cách đối phó với kẻ theo dõi. Do giả vờ hút thuốc mãi mà đã trở thành thói quen của Bác.

Nǎm 1966, do sức khỏe giảm sút, bác sĩ đề nghị Bác bỏ thuốc, Bác có kế hoạch quyết tâm bỏ dần. Bác nói: “Bác hút thuốc từ lúc còn trẻ nay đã thành thói quen, bây giờ bỏ thì tốt nhưng không dễ, các chú phải giúp Bác bỏ tật xấu này”.

Rồi Bác tự đề ra chương trình bỏ thuốc dần dần. Lúc đầu là giảm số lượng điếu hút trong ngày. Khi thèm hút thuốc Bác làm một việc gì đó để thu hút sự chú ý, tập trung. Tuổi đã già phải làm như vậy thật quá vất vả. Tập một thói quen, bỏ một thói quen không dễ chút nào. Phải có một nghị lực phi thường mới làm được. Bác bảo đồng chí giúp việc để cho Bác một vỏ lọ Pênixilin ở nơi làm việc và phòng nghỉ. Hút chừng nửa điếu Bác dụi đi để vào lọ đó. Sau hút lại nửa điếu để dành. Anh em can bảo thuốc lá hút dở không có lợi, Bác bảo: “Nhưng hút để có cữ”. Với cách làm đó, Bác đã giảm từ cả bao xuống còn ba, bốn điếu một ngày. Cứ như vậy Bác hút thưa dần đến bỏ hẳn.

Đối với mỗi người để thực hiện tốt việc nói đi đôi với làm là cũng phải rèn luyện, khổ luyện mới có được; phải có ý chí quyết tâm từ bỏ cái chưa tốt của bản thân, nhất là cái xấu, sự cám dỗ đời thường của cá nhân.

Để nói đi đôi với làm, còn cần có sự cố gắng, bền bỉ và quyết tâm của mỗi người bởi bất kỳ công việc nào, nhiệm vụ gì, dù lớn hay nhỏ, khó hay dễ, phức tạp hay giản đơn, nhưng nếu không ra sức phấn đấu thì cũng khó thành công được. Hiệu quả của nói đi đôi với làm thể hiện bằng kết quả công việc, với những sản phẩm cụ thể.

Trong Di chúc trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Để chống việc nói một đằng, làm một nẻo, mỗi cán bộ Đoàn, cán bộ, đảng viên cần phải xác định rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong tổ chức. Bám sát điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, đi sâu, đi sát vào trong quần chúng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, nhu cầu của thanh niên, lý luận phải gắn liền với thực tiễn để đề ra những quyết sách đúng đắn, hiệu quả trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Đồng thời mỗi cán bộ Đoàn, cán bộ Hội cần không ngừng tu dưỡng rèn luyện theo những nội dung sau:

Một là, phải là người gương mẫu đi đầu. Mỗi cán bộ phải thực sự trở thành tấm gương sáng cho đoàn viên, hội viên, thanh niên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách, đạo đức”. Điều này càng đòi hỏi mỗi cán bộ Đoàn, cán bộ Hội từ việc nhỏ đến lớn, từ việc riêng đến việc chung, từ trong cuộc sống đến công việc thường ngày luôn luôn phải nỗ lực thực hiện tốt phương châm “nói đi đôi với làm, nêu gương bằng hành động”, và “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh… phải thật thà nhúng tay vào việc”.

Hai là, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thường xuyên nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từng bước đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đi vào đời sống cá nhân thành những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.

Ba là, nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, kiên quyết thực hiện đúng phương châm “nói đi đôi với làm”, đã nói phải làm, đã làm phải chịu. Không được hứa mà không làm, chống chủ nghĩa cá nhân trong chính con người mình, xây dựng phong cách “nói đi đôi với làm” cũng là góp phần xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Bốn là, luôn rèn luyện cho mình có cái tâm, cái đức trong sáng. Bác nói: “… Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. “Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”. “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. Người dạy “nói và làm là tự bản thân mỗi người, bản thân người được nói để người khác nghe theo thì phải là con người lòng dạ trong sáng, phải chính tâm, phải thật sự là tấm gương”.

Năm là, thường xuyên bồi đắp lý lưởng cách mạng, giáo dục lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ Đoàn, cán bộ Hội các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cán bộ Đoàn, cán bộ Hội. Trong đánh giá lấy hiệu quả thực tế của công tác và sự tín nhiệm của đoàn viên, thanh niên làm thước đo chủ yếu.

Sáu là, các hoạt động phong trào cách mạng, phong trào Đoàn phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, lan tỏa; tích cực tham gia các hoạt động cùng với đoàn viên, hội viên, thanh niên và nhân dân để tạo sự gắn kết, nắm bắt tâm tư tình cảm, nguyện vọng chính đáng của thanh niên và nhân dân, nhất là với tình hình thiên tai hạn mặn kéo dài và dịch bệnh Covid - 19. Hơn bao giờ hết, phải hết sức bình tĩnh, kiên định để có sự sáng suốt trong tham mưu và hành động, tranh thủ vận động các nguồn lực chăm lo đời sống của nhân dân, cùng nhân dân vượt qua khó khăn. Đồng thời, tiếp tục đeo bám và tham mưu các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương Đồng Khởi, tham mưu thực hiện Đề án nâng cao nhận thức và năng lực xây dựng Bến Tre xanh giai đoạn 2020-2025, góp phần xây dựng Bến Tre là địa phương xanh, sạch, đáng sống.

Nguồn: Bentre.gov.vn