• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403

Giá thịt lợn lên 200.000 đồng/kg, doanh nghiệp trung gian nói gì?

(Cập nhật: 20/04/2020)
Giá lợn hơi xuất chuồng được một số công ty lớn niêm yết khoảng 70.000 đồng/kg, nhưng trên thị trường, một số loại thịt lợn như ba chỉ, sườn... có giá lên tới 200.000 đồng.
 

Khó mua lợn giá 70.000 đồng/kg


Nhiều người tiêu dùng đang hồ nghi khâu trung gian trong chuỗi giá trị thịt lợn lãi lớn. Thậm chí, thịt lợn trên thị trường đang bị thổi giá.

Trao đổi với PV NNVN về vấn đề này, ông Võ Việt Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội (SHF Group), đơn vị chuyên giết mổ, chế biến thịt lợn cung ứng cho các chuỗi siêu thị trên địa bàn thủ đô, khẳng định: “Các doanh nghiệp trung gian như chúng tôi đang bị oan”.

Theo ông Dũng, mặc dù 15 công ty chăn nuôi lớn của Việt Nam cam kết bán lợn hơi với giá 70.000 đồng/kg, tuy nhiên rất khó để mua lợn giá rẻ như vậy trên thị trường. Một tuần trở lại đây, phần lớn công ty phải mua lợn hơi với giá 85.000 đồng/kg.

Vị giám đốc này chia sẻ, một con lợn từ trang trại về đến lò mổ phải mất chi phí vận chuyển, chi phí kiểm dịch và chi phí hao hụt (lợn giảm trọng trong quá trình vận chuyển). Tiếp đến là lợn hơi sau khi giết mổ, trung bình con lợn 100kg sẽ cho ra 75 – 78kg lợn móc hàm (hao hụt trung bình từ 22 – 25%).

Từ lợn móc hàm đến khâu pha lóc thành vài chục tiểu phần khác nhau. Mỗi con lợn chỉ thu được 4kg sườn; khoảng 8kg thịt ba chỉ và 1kg thịt vai đầu giòn. Đây là các sản phẩm đắt nhất (giá từ 180.000 – 190.000 đồng).

Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm từ lợn chúng tôi phải... bán rẻ như cho. Ví dụ, mỡ bèo nhèo có giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg; mỡ pha lóc có giá 40 – 50 nghìn đồng/kg. Vậy nên, giá thịt lợn bình quân không cao như mọi người vẫn nghĩ.

“Tôi đã đề xuất với ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương về việc xây dựng biểu giá chi tiết từng loại thịt lợn. Ở đó sẽ thể hiện cụ thể biểu giá chi tiết từ lợn hơi đến lợn móc hàm, đến pha lóc, mỗi tiểu phần (loại thịt) chiếm bao nhiêu % trong một con lợn, tương ứng với từng mức giá nhất định.

Từ đó, chúng ta sẽ xây dựng được khung giá thịt lợn sát với thực tiễn. Ví dụ, khi giá lợn hơi ở mức 70.000 đồng, thì giá từng loại thịt lợn là bao nhiêu; giá lợn hơi ở mức 80.000 đồng, thì giá thịt lợn trên thị trường như thế nào...”, ông Võ Việt Dũng nói.


Cần xây dựng khung giá thịt lợn chi tiết


Giám đốc SHF Group khẳng định: “Chỉ khi có biểu giá thịt lợn, thì chúng ta mới kiểm soát được giá bán trên thị trường. Đây cũng là cơ sở để xác định phần trăm lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi giá trị thịt lợn; tránh tình trạng mâu thuẫn lợi ích giữa nhóm sản xuất, nhóm phân phối và nhóm tiêu dùng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Dũng khẳng định chủ trương của Chính phủ và Bộ NN-PTNT kêu gọi các doanh nghiệp lớn của ngành chăn nuôi đưa giá lợn hơi xuống dưới 70.000 đồng không chỉ có giá trị kinh tế mà có cả giá trị nhân văn. Bởi đây là thời điểm xã hội và cả nước gồng mình để cùng nhau đoàn kết phòng, chống dịch Covid-19.

Qua đó, Chính phủ rất cần sự chia sẻ của các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thiết yếu, giảm gánh nặng chi tiêu của người dân. Bản thân Công ty Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cũng tham gia đồng hành cùng TP Hà Nội để bình ổn giá. Thậm chí chúng tôi cam kết cung ứng thịt lợn không lợi nhuận để hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch của Thủ tướng Chính phủ.

“Tuy nhiên, chúng tôi được biết, một số siêu thị công bố bán thịt lợn không lợi nhuận, nhưng nếu so sánh với giá thịt lợn mà chúng tôi cung ứng cho họ, thì mức chênh lệch vẫn khá cao”, ông Dũng nói.

Theo Giám đốc SHF Group, trong bối cảnh nguồn cung thịt lợn thiếu hụt như hiện nay, nếu so với Trung Quốc (giá lợn hơi neo rất lâu ở mức 130 – 140 nghìn đồng/kg), thì giá lợn hơi của Việt Nam giữ ở mức 90.000 đồng/kg vẫn là nỗ lực đáng ghi nhận và có thể chấp nhận được rồi.

Nguồn: NNVN