• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Đánh giá tác động của dịch Covid-19 với ngành công nghiệp và những khuyến nghị chính sách
Ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), phát biểu tại hội thảo

Đánh giá tác động của dịch Covid-19 với ngành công nghiệp và những khuyến nghị chính sách

(Cập nhật: 12/04/2021)
Nhằm hoàn thiện báo cáo, đề xuất khuyến nghị chính sách và giải pháp phục hồi ngành công nghiệp hậu Covid-19, ngày 8/4 tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo công bố và lấy ý kiến “Báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với một số ngành công nghiệp chính của Việt Nam, đề xuất khuyến nghị chính sách và gải pháp cho phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19”.


Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) - cho biết, nhằm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong một số lĩnh vực gồm dệt may, da giày và điện tử tại Việt Nam, làm cơ sở để đưa ra các khuyến nghị chính sách và giải pháp nhằm phục hồi và phát triển doanh nghiệp (DN) thời kỳ hậu Covid-19, với sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường các thể chế cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng" do Chính phủ Australia tài trợ trong năm 2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã thực hiện “Báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với một số ngành công nghiệp chính của Việt Nam, đề xuất khuyến nghị chính sách và giải pháp cho phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19”.

Theo đó, báo cáo tập trung đánh giá các nội dung như: Tổng quan của đại dịch Covid-19 tới hoạt động công nghiệp và thương mại của Việt Nam nói chung và tác động đến các lĩnh vực dệt may, da giày và điện tử nói riêng; các biện pháp giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 tại một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam; kiểm soát hoạt động mua bán sáp nhập trong một số lĩnh vực của nền kinh tế và một số biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát M&A theo hướng tạo môi trường cạnh tranh, cơ hội thuận lợi cho DN phục hồi hậu Covid-19; khuyến nghị chính sách và giải pháp cho phục hồi và phát triển các ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19.

Báo cáo nghiên cứu tập trung vào các ngành công nghiệp chính bao gồm: ngành dệt may, da giày, điện tử. Đây là ngành hàng bị tác động rõ rệt với dịch bệnh Covid-19 kể cả từ nguồn cung vật liệu cho đến cả thị trường đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là ngành sử dụng nhiều lao động, nhất là lao động nữ. Cụ thể, trong ngành dệt may, lao động nữ chiếm hơn 70% tổng số lao động.

“Kết quả báo cáo là đầu vào quan trọng hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030; Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021 - 2030 và góp phần triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19” - ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nội dung và kết quả nghiên cứu cũng là nguồn dữ liệu hỗ trợ Bộ Công Thương triển khai hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, tăng cường kiểm soát hoạt động mua bán, sáp nhập thời kỳ hậu Covid-19, nhằm duy trì môi trường cạnh tranh và tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sau thời kỳ Covid-19.

TS. Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - đánh giá rất cao báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tại hội nghị. Đây là một báo cáo có ý nghĩa thực tiễn cao, song TS. Phan Đức Hiếu cho rằng, trong báo cáo đã đưa ra các giải pháp sắp tới, nhưng cần phân loại ra các giải pháp ngắn hạn và dài hạn, nhằm chia sẻ và hỗ trợ trực tiếp cho các DN.

 

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký, Trưởng đại diện Hiệp hội Dệt may tại TP. Hồ Chí Minh - đánh giá rất cao báo cáo tổng quan tất cả các ngành công nghiệp bị tác động trong đại dịch, để đưa ra các kiến nghị giúp cho DN nghiệp phát triển. Nhưng riêng đối với ngành dệt may, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ tiếp tục đàm phán các FTAs và hoàn thiện các điều khoản của FTAs, có những chính sách thu hút, cấp phép dự án dệt nhuộm, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách cho lao động nữ…

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đánh giá cao những kiến nghị, đồng thời tiếp thu và nghi nhận tất cả ý kiến đóng góp từ phía DN, chuyên gia, với mục tiêu hoàn thiện báo cáo để làm cơ sở xây dựng các chính sách, đặc biệt là những chính sách liên quan đến ngành Công Thương.

Nguồn: Congthuong.vn