• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Cây sa sâm Việt - Dược liệu quý Việt Nam
Đại biểu dự và chia sẻ tại hội thảo khoa học. (Nguồn: Báo Đồng Khởi)

Cây sa sâm Việt - Dược liệu quý Việt Nam

(Cập nhật: 09/06/2020)

BDK.VN - Hội thảo báo cáo nghiên cứu khoa học, với chủ đề “Cây sa sâm Việt - Dược liệu quý Việt Nam” do Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (GDSKCĐVN), Tập đoàn dược mỹ phẩm Sa Sâm Việt (SAVIGr) và Viện Nghiên cứu phát triển ứng dụng tài nguyên dược liệu Việt Nam (iRDA-VMR) tổ chức vừa diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.


Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt lớn cho thành công của quá trình nghiên cứu, nhằm nâng cao vị thế của cây Sa Sâm Việt - loại thảo dược quý được trồng tại vùng đất cát biển huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Đồng thời, nâng tầm giá trị dược liệu của Việt Nam.

Ông Đặng Thuần Phong - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Hồng Quân - Chủ tịch Hội GDSKCĐVN; PGS.TS Nguyễn Thị Chính - Phó chủ tịch VACHE; Thầy thuốc nhân dân, GS.TS. Lê Ngọc Trọng - Phó chủ tịch Hội GDSKCĐVN, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; TS. Nguyễn Thiện Trưởng - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Thường trực VACHE, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS. Hồ Bá Do - Giảng viên cao cấp, Học viện Quân y, Phó chủ tịch Hội Y học cổ truyền Việt Nam, Phó viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Văn Rư - Giảng viên cao cấp, Trưởng bộ môn Hóa sinh Đại học Dược Hà Nội cùng đông đảo khách mời là các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, lãnh đạo trung ương, địa phương tham dự.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Chính - Trưởng ban tổ chức hội thảo nhấn mạnh: “Mục đích của hội thảo lần này cần làm rõ tiềm năng to lớn của cây Sa Sâm Việt trong tự nhiên. Phải tạo được những công nghệ nuôi trồng ở quy mô lớn và phân tích các hoạt tính sinh học, dược lý của nó cũng như chế biến những sản phẩm từ cây sa sâm một cách khoa học để ứng dụng vào đời sống, góp phần phục vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng”.

Ông Phù Tường Nguyên Dũng - Tổng giám đốc SAVIGr đã giới thiệu lịch sử hình thành, quá trình nghiên cứu trồng sa sâm trên đất cát biển duy nhất tại Việt Nam và những thành tựu đã đạt được của SAVIGr.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là một nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong việc phối hợp cùng các dược liệu khác để bào chế sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, phục vụ cộng đồng. Các sản phẩm mang thương hiệu Sa Sâm Việt có thành phần dược liệu quý, và đều được công nhận là sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Trong khuôn khổ của hội thảo, Thạc sĩ Ngô Quốc Luật - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ứng dụng tài nguyên dược liệu Việt Nam đã báo cáo dự án nghiên cứu Sa Sâm Việt. Giới thiệu các hoạt chất, kết quả phân tích và định lượng hàm lượng đạt được của từng hoạt chất trong Sa Sâm Việt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lần đầu tiên tại Việt Nam đã nghiên cứu tìm ra được các nhóm hoạt chất sinh học có dược tính cao từ cây Sa Sâm Việt. Cụ thể, Polyphenol (290,9mg GAE/g cao chiết), Flavonoid (85,47mg QE/g cao chiết); Saponin (10,8 - 12,4%) và tổng các loại muối khoáng 135,9mg/g có trong dược liệu Sa Sâm Việt.

Tại phiên thảo luận, hội đồng khoa học và các đại biểu khách mời đã trao đổi, thảo luận, giải đáp và đánh giá về những thành tựu mà Tập đoàn SAVIGr đã đạt được; đồng thời định hướng nghiên cứu phát triển tiếp theo cho vùng nguyên liệu này trong tương lai.

Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh - thành viên Hội đồng khoa học chia sẻ mong muốn thời gian tới Tập đoàn SAVIGr có thể quan tâm nghiên cứu sản phẩm từ cây sa sâm dành cho trẻ em Việt Nam, nhất là giai đoạn đầu đời.

Thay mặt cho lãnh đạo tỉnh, ông Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ bày tỏ sự vui mừng và tự hào khi dự án nghiên cứu của doanh nghiệp tỉnh vinh dự được tổ chức hội thảo quốc gia. Ông mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo nhà nước, để cây Sa Sâm Việt có những bước tiến xa hơn nữa trong tương lai.

Thành công của dự án không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh dược liệu quý của Việt Nam mà dự án nghiên cứu đã sử dụng nguồn lao động tại chỗ, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân. Đây là vấn đề được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm và khuyến khích. Bên cạnh đó, mô hình trồng sâm trên cát biển góp phần cải tạo và phủ xanh vùng đất trống ven biển, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.

Nguồn: Báo Đồng Khởi