• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

(Cập nhật: 27/08/2020)

Công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.


Thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và định hướng là một trong những ngành ưu tiên phát triển và được ưu đãi đầu tư. Số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngày càng được cải thiện rõ rệt. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phần nào đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn nhiều bất cập,…

Ngày 06/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút, đón dòng vốn đầu tư và làn sóng dịch chuyển sản xuất của các công ty đa quốc gia, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%. Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết đã đề ra 07 giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ:
1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển, đồng thời xây dựng và triển khai các chính sách hiệu quả cho các ngành công nghiệp vật liệu và phát triển thị trường cho các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững.
2. Đảm bảo và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương đầu tư các nguồn lực để triển khai các chính sách, chương trình, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển.
3. Giải pháp về tài chính, tín dụng: Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng; Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
4. Phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu,...
5. Phát triển và bảo vệ thị trường: thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường ngoài nước. Đồng thời, tìm kiếm, mở rộng các thị trường ngoài nước trên cơ sở tận dụng các hiệp định FTA đã ký kết, triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; tích cực tháo gỡ các rào cản, chống các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh; phát triển các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại.
6. Nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu,...
7. Thông tin truyền thông, thống kê và cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia.
 
                                                                                          Nguồn: P.QLCN-SCT