• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Xúc tiến sản phẩm nông, thủy sản Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn tham quan các gian hàng nông sản. (Nguồn: Bentre.gov.vn)

Xúc tiến sản phẩm nông, thủy sản Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo

(Cập nhật: 18/10/2022)
​Hội nghị xúc tiến sản phẩm nông, thủy sản Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo sẽ diễn ra vào ngày 19/10 tại Hà Nội, bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp và trưng bày một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại khu vực diễn ra hội nghị. Chủ trì hội nghị gồm lãnh đạo Bộ Ngoại giao và lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre. 


Hội nghị dự kiến thu hút khoảng 200 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia. Các đại biểu quốc tế gồm có: Đại sứ/Đại biện, Tham tán/phụ trách kinh tế, thương mại các nước Hồi giáo và các nước có cộng đồng Hồi giáo lớn tại Hà Nội (trực tiếp); Đại sứ/Đại biện, Tham tán/phụ trách kinh tế, thương mại các nước Hồi giáo không thường trú tại Việt Nam (trực tuyến); các doanh nghiệp, hiệp hội tại các nước Hồi giáo (trực tiếp và trực tuyến).

Hội nghị Xúc tiến hàng nông, thủy sản của tỉnh Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thông tin, yêu cầu đối với hàng nông, thủy sản xuất khẩu vào các quốc gia Hồi giáo. Tìm kiếm cơ hội để hỗ trợ kết nối giữa các Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre với các Hiệp hội Doanh nghiệp các nước Hồi giáo, thúc đẩy quan hệ đầu tư - thương mại - du lịch - nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở cùng có lợi. Tăng cường công tác thông tin, quảng bá, giới thiệu hình ảnh của tỉnh thông qua kênh ngoại giao thu hút cộng đồng doanh nghiệp Hồi giáo vào Việt Nam và Bến Tre…

Hội nghị có hai phiên thảo luận, phiên thứ nhất sẽ giới thiệu chung về tình hình xuất khẩu nông, thủy sản chủ lực của tỉnh, các định hướng lớn của địa phương trong công tác xúc tiến thương mại đầu tư và du lịch.

Phiên thứ hai sẽ dành nhiều thời gian hơn để các doanh nghiệp Bến Tre xúc tiến quảng bá với Hiệp hội Doanh nghiệp của các quốc gia Hồi giáo, đồng thời làm rõ hơn một số vấn đề mà hai bên có quan tâm như phương thức đặt hàng, vận chuyển, thanh toán... Ngoài ra, tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng sẽ được cung cấp nhiều thông tin về thị trường, văn hóa, quy định thương mại, tập quán kinh doanh, tiêu dùng... để có thể tham gia sâu vào thị trường các quốc gia đầy tiềm năng này.

Tiềm năng thu hút

Những năm qua, Bến Tre đã góp phần vào sự tăng trưởng ngoạn mục của kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam, đồng thời, tỉnh cũng có những nỗ lực để ngày càng cải thiện các chỉ số về sản lượng và giá trị. Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng đều hàng năm, tổng giai đoạn 2016-2021 đạt 6,53 tỷ USD, trong đó thị trường các nước Hồi giáo đạt khoảng 153,61 triệu USD và tập trung vào các nhóm hàng nông, thủy sản có thế mạnh của địa phương nhất là sản phẩm từ dừa và thủy sản.

Bến Tre sở hữu vùng nguyên liệu với diện tích hơn 77.000 ha trồng dừa, chiếm 1/3 diện tích trồng dừa của cả nước. Cung cấp cho thị trường các sản phẩm nước dừa trái tươi, nước dừa đóng lon, sữa dừa, dầu dừa, than hoạt tính, mỹ phẩm, đồ uống và các sản phẩm từ vỏ xơ dừa. Các sản phẩm từ dừa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất; đã đạt các bộ tiêu chuẩn ISO 22000:2005, BRC, Kosher, Halal, HACCP và đã xuất khẩu thành công sang các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt như Mỹ, Úc, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Bên cạnh cây dừa, tỉnh còn nổi tiếng với nhiều loại cây ăn trái khác có chất lượng và sự khác biệt trong hương vị như: sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn. Những loại trái cây này đã xuất khẩu ổn định sang nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, Bến Tre còn được bao bọc bởi 4 con sông lớn (4 trong 9 nhánh sông Cửu Long chảy qua), cùng với 65km bờ biển đã tạo ra hơn 46.000 ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng lớn, năng suất cao như tôm, cá tra, nghêu…

Với khu vực địa lý được trải dài từ Trung Đông - Châu Phi đến Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á với hơn 50 quốc gia Hồi giáo có quy mô chiếm xấp xỉ ¼ dân số thế giới, dự kiến chiếm đến 30% dân số thế giới vào năm 2024 và các rào cản thương mại không quá khắt khe sẽ là điều kiện thuận lợi để các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam đẩy mạnh vào thị trường đầy tiềm năng này.

Theo báo cáo gần đây của Diễn đàn Halal Thế giới (WHS) công bố, giá trị trao đổi thương mại toàn cầu của các quốc gia Hồi giáo có quy mô xấp xỉ 2.000 tỷ USD mỗi năm. Nếu tính riêng cho nhóm hàng thực phẩm, theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), quy mô thị trường này đạt khoảng 1.400 tỷ USD năm 2020, dự báo sẽ tăng trưởng lên 1.900 USD vào năm 2024 và có thể lên đến 15.000 tỷ USD vào năm 2050.

Nguồn: Bentre.gov.vn