• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Vang danh bánh tráng Mỹ Lồng

Vang danh bánh tráng Mỹ Lồng

(Cập nhật: 21/12/2018)

Chúng tôi về xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre để hòa nhập vào không khí rộn ràng lao động khẩn trương của hàng chục lò bánh tráng truyền thống có tự trăm năm.

Vừa trở bề cho các vĩ bánh đang phơi dưới nhiệt độ khá nóng vì nắng gắt, ông Võ Quang Tâm, 60 tuổi ngụ ấp Nghĩa Huấn nói vui: “ Cái tên Mỹ Lồng có tự trăm năm gắn với làng nghề bánh tráng. Bây giờ đổi thành xã Mỹ Thạnh nhưng nhiều du khách và người dân bản xứ vẫn cứ quen dùng câu tục ngữ xa xưa là “….Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc...”.

Năm nay người dân làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng vui mừng “ kép” bởi giá cả bán tăng cao từ 10 đến 15% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, làng nghề này cùng với làng nghề bánh phồng Sơn Đốc (nay là xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm) vừa được vinh danh là di sản phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vui, niềm tự hào của người dân 2 làng nghề truyền thống trên quê hương Đồng Khởi.

Bà Lê Thị Tú, ngụ ấp Nghĩa Huấn nói với vẻ tự hào: “ Cái nghề này thăng trầm lắm. Có lúc tưởng chừng như bị xóa sổ rồi nhưng nhờ sự kiên trì vượt khó của hàng trăm lò bánh quyết giữ gìn cho bằng được cái nghề ông bà truyền lại giờ mới có được cuộc sống ổn định như ngày nay. Giờ có thêm danh hiệu di sản quốc tế. Bà con ai nấy hãnh diện và vui mừng quá. Năm nay ăn tết “ sung” cho mà coi”.

Nếu như Vĩnh Long có bánh tráng “ Cù Lao Mây”, bánh tráng “ Nhà Thờ”, Tây Ninh có bánh tráng phơi sương Trãng Bàng thì Bến Tre tự hào với bánh tráng Mỹ Lồng bởi vị ngon, ngọt, béo, đầm thấm không lẫn vào đâu được.

Chị Trần Thị Thoa, ngụ ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh cho biết: “Tôi làm nghề sản xuất bánh tráng đã hơn 30 năm với 4 loại sản phẩm truyền thống gồm : Bánh tráng dừa; bánh đặc biệt có sữa, trứng gà, dừa; bánh có dừa không sữa và bánh có sữa không dừa. Năm nay thương lái đến đặt hàng nhiều quá, phải làm cả ban đêm mới có đủ bánh giao. Xóm này nhộn nhịp cả đêm. Cực nhưng vui vì tăng thêm thu nhập”

Xã Mỹ Thạnh hiện có trên 140 lò bánh tráng cung cấp sản phẩm tới các tỉnh, thành phố trong cả nước; kể cả xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia… Nhiều chủ cơ sở sản xuất bánh tráng lâu năm cho biết, khó nhất là khâu chọn nguyên liệu, trước tiên phải chọn gạo “đặc chủng”. Đa số lò sản xuất chọn giống gạo Tài nguyên trồng tại Trà Vinh vì với loại gạo này bánh không bị gãy nát, co cuộn khi phơi nắng. Tùy theo loại hàng người sản xuất sẽ pha trộn vào bột các chất phụ trợ như dừa, sữa, mè, đường, lòng đỏ hột gà… Một số cơ sở sản xuất theo “đơn đặt hàng” trộn thêm vào bột lạp xưởng, tôm khô, gừng… Để bánh không bị dính khuôn, bột pha phải đúng và đủ, giúp dễ dàng trong việc lật trở khi phơi. Người tráng bánh phải quen tay thì bánh thành phẩm mới tròn, độ dày mỏng đều nhau. Pha bột và tráng bánh khéo tay vừa tiết kiệm được bột, bánh lại tròn, đẹp. Thông thường sau khi bánh ra khỏi lò phải tráng phơi trên vĩ bằng lá dừa nước khoảng 8 đến 10 tiếng.

Giá bán hiện nay bình quân từ 40.000 đến 60.000 đồng/chục tùy chất lượng, kích cỡ. Mỗi lao động làm bánh thu nhập từ 200.000 đến 250.000 đồng/ngày tùy tay nghề. Theo tính toán của nhiều “nghệ nhân” tráng bánh, mỗi lò tráng cần từ 3 đến 5 lao động. Cứ 10kg bột gạo pha trộn 1 kg nước cốt dừa sản xuất được khoảng 220 cái bánh tráng. Hiện nhiều cơ sở đã sử dụng máy pha trộn bột để tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất…

Xuân về, tết đến, về Bến Tre thấy thương lắm những chiếc bánh tráng Mỹ Lồng đã và đang có mặt khắp nơi kể cả việc xuyên biên giới phục vụ “ thượng đế” khắp các châu lục với niềm tự hào là sản phẩm đặc trưng của xứ dừa Đồng Khởi.

Nguồn: T.T. Liêm