• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
  • text_none_author
  • 24/07/2014
  • 59

Tình hình giá cả thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2014 của tỉnh Bến Tre

(Cập nhật: 24/07/2014)

Tình hình giá cả thị trường trong tỉnh

Giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2014 không có biến động lớn, chỉ số giá tiêu dùng tăng từ 0,01% - 0,67% so tháng trước. Riêng tháng 3 giảm 1,22% so tháng 02/2014. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,33% so tháng trước, tăng giá nhất là nhóm hàng dịch vụ ăn uống (tăng 0,65%), các nhóm hàng may mặc, giày dép, vật liệu xây dựng, nhà ở, thiết bị đồ dùng, thuốc và dịch vụ y tế… tăng nhẹ (0,07% - 0,39%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 13.263 tỉ đồng, đạt 47,17% so kế hoạch, tăng 12,04% so cùng kỳ.

Theo VASEP, giá tôm nguyên liệu trên thị trường trong 2 tuần qua đã tăng trở lại trung bình 10.000 - 15.000 đồng/kg. Theo đó, tôm sú loại 20 con/kg được thương lái mua 255.000 - 260.000 đồng/kg; loại 30 con/kg khoảng 225.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá 100.000 đồng/kg, loại 90 con/kg giá 103.000 đồng/kg và 80 con/kg là 110.000 đồng/kg.

Từ tháng 3-2014 đến nay, thị trường xuất khẩu cá tra có dấu hiệu hồi phục, giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh và dao động ở mức từ 24.500 - 26.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi lãi từ 1.500 - 2.600 đồng/kg. Mặc dù vậy, sản lượng cá tra thu hoạch chỉ đạt 148.000 tấn, bằng 94,5% so cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu khiến người dân không mặn mà trong đầu tư nuôi cá tra nguyên liệu, phục vụ chế biến xuất khẩu do giá cá nguyên liệu không ổn định. Người nuôi dè dặt trong việc đầu tư khôi phục sản xuất, từ đó dẫn đến việc thiếu cá tra nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu vào những tháng cuối năm, nhất là trong dịp lễ Giáng sinh, tết Dương lịch ở các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ.

Giá cả dừa trái biến động thất thường, do lệ thuộc thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá các sản phẩm dừa, đặc biệt là cơm dừa nạo sấy trên thị trường thế giới luôn biến động. Giá dừa khô tại tỉnh đã tăng mạnh trở lại hơn tuần qua. Hiện dừa khô loại 1 (1,2 - 1,3 kg mỗi quả) có giá 115.000 đồng/12 quả; dừa mua xô từ 85.000 - 90.000 đồng/12 quả, giá cơm dừa trắng ổn định ở mức từ 17-17,5 ngàn đồng/kg.

Sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2014 đạt 3.555 tỷ đồng, tăng 29,11% so với cùng kỳ năm trước, do hầu hết các sản phẩm chủ yếu đều tăng trưởng khá đặc biệt là thủy sản chế biến và thức ăn chăn nuôi (tương đương tăng 801,5 tỷ đồng) và đạt 44,44% kế hoạch năm (6 tháng năm 2013 tăng 18,3% so cùng kỳ 2012).

Trong 6 tháng đầu năm 2014, sản lượng các sản phẩm chủ yếu của ngành có sự tăng giảm không đều so với cùng kỳ năm trước; một số sản phẩm tăng khá như: Thủy sản đông lạnh tăng 48,45%; Bột cá tăng 43,14%; Bộ dây điện xe ô tô tăng 28,3%; May mặc tăng 50,44%; Chỉ xơ dừa tăng 14,57%; Sữa dừa tăng 12,67%; giá trị cơ khí thực hiện tăng 17% nhờ giữ thị trường tiêu thụ, có thêm doanh nghiệp vào hoạt động, các đơn vị mới vào hoạt động có sản lượng ngày càng tăng; Thức ăn gia súc tăng 74,65%; than thiêu kết tăng 35,32%; Thức ăn thủy sản tăng 40% nhờ có thị trường tiêu thụ tốt. Tuy nhiên cũng có một số sản phẩm chủ yếu giảm so với cùng kỳ là: Thuốc trị bệnh giảm 4,83%; đường cát giảm 0,55%.

Một số sản phẩm chủ yếu thực hiện đạt trên 50% kế hoạch năm như: Bánh kẹo các loại 54,17%; Thức ăn gia súc 53%; Giá trị cơ khí thực hiện 53,18%; Than hoạt tính 52,22%; Bộ dây điện xe ô tô 50,71%; Cơm dừa nạo sấy 50,29%. Những sản phẩm chủ yếu thực hiện đạt khá là: Thuốc lá điếu 49,62%; Thủy sản đông lạnh 49,15%, Chỉ xơ dừa 48,91%; Thuốc trị bệnh 48; thức ăn thủy sản 48,25%; … Đáng chú ý là Than thiêu kết, may mặc tuy tăng trưởng khá nhưng mức thực hiện kế hoạch đạt thấp.

Xuất nhập khẩu

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 282,134 triệu USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ và đạt 47,02% so với kế hoạch năm. Trong đó:

- Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản: ước đạt 32,558 triệu USD, tăng 2,77% so với cùng kỳ, do sản lượng xuất khẩu tăng ít 0,28% và giá xuất khẩu tăng 2,48%  nên chỉ đạt 39,23% kế hoạch năm và chiếm 11,54% tổng kim ngạch xuất khẩu.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản: ước đạt 20,934 triệu USD, tăng 35,94% so với cùng kỳ, nhờ sản lượng tăng 22,2% và giá xuất khẩu tăng 0,81%  nên đạt 69,78% kế hoạch năm và chiếm 7,42% tổng kim ngạch xuất khẩu.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp: ước đạt 228,642 triệu USD, tăng 21,47% so với cùng kỳ, đạt 46,95% kế hoạch năm và chiếm 81,04% tổng kim ngạch xuất khẩu khẩu (các sản phẩm từ dừa 91,435 triệu USD, tăng 62,5% so với cùng kỳ).

Một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: thủy hải sản tăng 0,28%, cơm dừa nạo sấy tăng 53,72%, chỉ xơ dừa tăng 39,06%, than hoạt tính tăng 28,22%, sữa dừa tăng 8,38%, hàng may mặc tăng 7,31%, bộ dây điện ô tô tăng 12,94%;…Bên cạnh đó, một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như gạo giảm 37,06%, than gáo dừa giảm 7,5%. Riêng mặt hàng tôm đông lạnh xuất khẩu giảm mạnh, 6 tháng đầu năm chỉ xuất khẩu được 23 tấn.

Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 119,900 triệu USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ và đạt 53,29% so với kế hoạch. Hàng nhập khẩu chủ yếu là dược phẩm, nguyên liệu dược phẩm, nguyên phụ liệu ngành may, nguyên liệu sản xuất bộ dây điện xe ô tô, lưới bảo hộ lao động,…

Một số thông tin dự báo tình hình thị trường tháng 7 và năm 2014.

Theo thống kê của Trung tâm thương mại thế giới (ITC), 4 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu (NK) tôm Việt Nam vào Nhật Bản tăng 31,9% về giá trị nhưng khối lượng giảm 40,2% so với cùng kỳ năm 2013. Quy định kiểm tra OTC là nguyên nhân chính dẫn tới giảm lượng tôm xuất khẩu (XK) sang Nhật Bản.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu về cung cấp tôm cho thị trường này. Trong khi, NK từ hai thị trường được cho là “tiềm năng” vào Nhật Bản là Ấn Độ và Indonesia lại giảm mạnh cả về khối lượng lẫn giá trị.

Tôm sú chính là ưu thế của Việt Nam so với các nhà cung cấp khác cho Nhật Bản bởi Việt Nam hiện là nước sản xuất tôm sú lớn nhất trên thế giới với sản lượng ổn định. Giá tôm sú trên thị trường thế giới nói chung và trên thị trường Nhật Bản nói riêng vẫn ở mức cao là cơ sở chính giúp giá trị XK tôm Việt Nam trên thị trường Nhật Bản duy trì tăng trưởng mạnh. XK tôm sang Nhật Bản mang lại trên 700 triệu USD mỗi năm và sẽ tăng trưởng cao hơn trong năm 2014 nếu vấn đề sử dụng kháng sinh Oxytetracycline (OTC) trong nuôi tôm được kiểm soát tốt hơn và lợi thế tôm sú được tận dụng tối đa.

Nhập khẩu tôm từ Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ cũng giảm mạnh cả về khối lượng lẫn giá trị trong 4 tháng đầu năm nay. Trong đó, NK từ Thái Lan giảm 41,8% về khối lượng, 34,7% về giá trị, từ Indonesia giảm 40,9% về khối lượng và 9,8% về giá trị và NK từ Ấn Độ giảm 39,3% về khối lượng và 17,5% về giá trị.

Tôm sú chính là ưu thế của Việt Nam so với các nhà cung cấp khác bởi Việt Nam hiện là nước sản xuất tôm sú lớn nhất trên thế giới với sản lượng ổn định.

Giá tôm sú trên thị trường thế giới nói chung và trên thị trường Nhật Bản nói riêng vẫn ở mức cao là cơ sở chính giúp giá trị xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam trên thị trường Nhật Bản duy trì tăng trưởng mạnh. Trong khi, giá tôm chân trắng đang có chiều hướng giảm bởi nguồn cung loại tôm này gia tăng nhờ sản xuất tại nhiều nước cải thiện hơn sau “cơn bão” EMS (Hội chứng tôm chết sớm).

Trong khi thời gian qua, các hoạt động liên quan đến kinh doanh mặt hàng cá tra lại trải qua nhiều xáo trộn. Hoạt động nuôi, chế biến trong nước phục hồi thấp, những rào cản kỹ thuật ở thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và EU đang được dựng lên là những điểm không thuận lợi cho xuất khẩu cá tra năm 2014.

Đặc biệt, thị trường Nga vẫn tiếp tục đóng chặt cửa đối với cá tra Việt Nam. Hiện những doanh nghiệp được xuất khẩu thủy sản vào thị trường này cũng chỉ được phép xuất khẩu các mặt hàng hải sản, thủy sản khô chứ không có cá tra.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cạnh tranh nhau về giá khiến giá cá ba sa xuất khẩu giảm. Mặt khác, hai thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU cũng đã đưa ra nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn và môi trường ngày càng khắt khe. Nhiều vùng nuôi cá tra bộc lộ những mâu thuẫn chưa được giải quyết.

VASEP dự báo do sản xuất tôm chân trắng tiếp tục mở rộng nhanh chóng và vượt xa ngoài quy hoạch nên tăng trưởng XK tôm từ quý III-2014 sẽ chững lại vì nguồn cung tăng và giá tôm giảm trên các thị trường. Dự báo XK tôm năm 2014 sẽ đạt khoảng 3,5 tỉ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm nay, tổng XK cá tra sang các thị trường trên thế giới đạt giá trị 682 triệu USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2013. Trong 8 thị trường NK cá tra hàng đầu của Việt Nam gồm có EU, Mỹ, ASEAN, Brazil, Mexico, Trung Quốc và Hong Kong, Colombia, Arap Xeut thì chỉ có EU và Mỹ là giảm NK cá tra, các thị trường còn lại đều tăng trưởng dương. EU và Mỹ là 2 thị trường NK chủ lực cá tra Việt Nam chiếm 39,3% tổng giá trị XK cá tra đang có xu hướng sụt giảm trong những tháng qua và dự kiến có khả năng sẽ hồi phục vào cuối năm. 

Theo nhận định của một số thương lái thu mua dừa khô, giá dừa sẽ ổn định ở mức cao và có khả năng tăng nhẹ trong thời gian tới do việc tiêu thụ đã thuận lợi trở lại, thêm vào đó là dừa sắp bước vào mùa nghịch, sản lượng sẽ giảm đi.

Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2014 vẫn là một năm thắng lợi của ngành thủy sản, trong đó chủ yếu dựa vào mặt hàng tôm. Các thị trường NK thủy sản lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, EU đều khá khả quan.

VASEP nhận định, trước những căng thẳng trên biển Đông hiện nay, mặc dù DN của hai nước có thái độ e dè hơn nhưng hoạt động thương mại của DN thủy sản với đối tác Trung Quốc vẫn bình thường. Năm 2014 có thể sẽ tiếp tục là một năm “thu hoạch” của Việt Nam trong XK thủy sản sang thị trường này, nếu như Trung Quốc không có bất cứ động thái “tiêu cực” nào, đặc biệt là đối với mặt hàng tôm bởi Trung Quốc là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của Hội chứng tôm chết sớm (EMS) khiến sản lượng tôm nuôi của nước này giảm mạnh.

Theo VASEP, ở thị trường EU, trong các mặt hàng thủy sản, tôm cũng là mặt hàng có giá trị XK lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam hiện là nhà cung cấp tôm lớn thứ ba cho EU sau Ấn Độ và Ecuador. Dự kiến, năm 2014, thuế NK tôm chế biến của Thái Lan vào EU đã tăng từ 7% lên 20%. Năm 2015, mức thuế áp cho tôm nguyên liệu Thái Lan NK vào EU sẽ tăng từ 4,2% lên 12%. Sản lượng tôm chân trắng tăng mạnh cùng với thế mạnh về tôm sú, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng hơn nữa thị trường tôm EU trong năm nay và năm tới. Đặc biệt là trong tình hình thị trường hiện nay khi Nhật Bản vướng rào cản kháng sinh Oxytetracycline và Mỹ có thể tăng thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam.

Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ tôm hàng đầu của Việt Nam, theo VASEP, XK tôm Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5, đặc biệt XK sang thị trường Mỹ nhanh chóng vượt xa Nhật Bản và EU. Tính chung 5 tháng đầu năm, Mỹ dẫn đầu về NK tôm của Việt Nam với 445 triệu USD, tăng 128,6% so với cùng kỳ năm 2013. XK tôm sang thị trường này liên tục được đẩy mạnh kể từ đầu năm khiến Mỹ chiếm tới 30,4% tổng giá trị XK tôm của cả nước. Năm 2013 cũng là một năm thành công đối với tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ tuy nhiên, thị trường này mới chiếm 22,5% và còn đứng sau Nhật Bản với tỷ trọng 27%.

Việt Nam hiện là nhà cung cấp tôm lớn thứ 4 cho Mỹ. Năm 2014, Việt Nam đẩy mạnh XK tôm chân trắng sang thị trường này. Nguồn cung tôm chân trắng từ Thái Lan thiếu hụt là yếu tố chính tạo thuận lợi cho Việt Nam gia tăng XK tôm chân trắng sang Mỹ. Dự báo, XK tôm sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng bởi XK Thái Lan sang Mỹ ngày càng khó khăn./.

Nguồn: P. KHTC