• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Thực trạng và phương hướng thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Ông Lê Văn Khê – Giám đốc Sở Công Thương trình bày tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật BVQLNTD (Nguồn: QLTM)

Thực trạng và phương hướng thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bến Tre

(Cập nhật: 19/06/2019)

Vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) đã được đề cập khá nhiều và được coi là một trong những vấn đề quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng và phát triển bền vững của đất nước ta. 

Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác BVQLNTD, hàng năm Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, Mặt trận Tổ quốc, các Sở, ngành, đoàn thể tỉnh đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, triển khai công tác BVQLNTD trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 6559/KH-UBND để triển khai Chương trình phát triển các hoạt động BVQLNTD giai đoạn 2016 – 2020 và cụ thể hóa hàng năm để chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện; gần đây Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 40-CTr/TU ngày 05/4/2019 về việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác BVQLNTD để chỉ đạo, triển khai rộng rãi đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh cụ thể hóa, triển khai thực hiện Chương trình hành động. Đây là sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với công tác BVQLNTD.

Để triển khai công tác BVQLNTD trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương, Hội BVQLNTD đã triển khai một số nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVQLNTD (đã tổ chức 170 hội nghị, hội thảo, với 14.115 đại biểu tham dự; 02 cuộc tọa đàm; viết 186 bài và 116 tin, các đài truyền thanh xã, phường phát trực tiếp khoảng 1.477 lượt thông tin các quy định về BVQLNTD), công tác hướng dẫn, tư vấn, hòa giải và giải quyết yêu cầu BVQLNTD (đã tiếp nhận tư vấn, hoà giải là 228 vụ khiếu nại và phản ánh khiếu nại của người tiêu dùng), kiểm tra kiểm soát thị trường (đã thực hiện kiểm tra 10.697 vụ, lập biên bản vi phạm 10.173 vụ, tổng số tiền xử phạt 62,857 tỷ đồng), kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban Quản lý chợ,…..Qua đó, người tiêu dùng ngày càng nâng cao sự hiểu biết của mình trong việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ phục vụ tiêu dùng; biết bảo vệ quyền và lợi chính đáng khi bị xâm phạm; Đồng thời, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đối với người tiêu dùng cũng được nâng lên; công tác tư vấn và hòa giải các khiếu nại cho người tiêu dùng thực hiện có hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được về công tác BVQLNTD thì cũng còn một số hạn chế: công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường mặc dù được tiến hành thường xuyên, liên tục nhưng các vụ vi phạm có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng và mức độ. Công tác kiểm tra, kiểm soát chuyên về BVQLNTD chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, tình trạng khá phổ biến hiện nay là người tiêu dùng chưa quan tâm đến việc mua hàng phải kiểm tra, xem xét hàng hóa trước khi nhận hàng, mua hàng không lấy hóa đơn,... nên xảy ra tình trạng khi mua hàng về sử dụng mới phát hiện hàng quá hạn hoặc bị lỗi. Một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng chưa có ý thức trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp cho người tiêu dùng. Mặc dù, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo và đã tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, nhưng đối với công tác BVQLNTD vẫn chưa được các ngành, các cấp và các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Một số đơn vị vẫn xem đó là nhiệm vụ của ngành công thương hoặc của Hội BVQLNTD mà không nghĩ rằng đó là công tác của toàn thể các cấp, các ngành và của toàn xã hội; một số lĩnh vực bị “bỏ ngỏ” đã làm hạn chế kết quả thực hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Trên cơ sở thực trạng về công tác Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa qua trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương dự kiến phương hướng trong thời gian tới:

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 40-CTr/TU ngày 05/4/2019 của Tỉnh ủy Bến Tre về việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác BVQLNTD.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật BVQLNTD và các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là tuyên truyền về 08 quyền của người tiêu dùng để giúp người tiêu dùng biết các quyền của mình theo quy định của pháp luật nhằm chủ động bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm hại; phổ biến rộng rãi đến các đối tượng, tài liệu tuyên truyền đến từng tổ nhân dân tự quản, khu phố, bằng nhiều hình thức sinh động, dễ hiểu.

Phối hợp với các cơ quan tăng cường thời lượng phát sóng, nêu các vụ vi phạm để mọi người biết, từ đó phòng ngừa có hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc Hội thảo, tọa đàm, phóng sự, gặp mặt đối thoại với người tiêu dùng, doanh nghiệp để trao đổi ý kiến về vấn đề cần quan tâm xung quanh quyền của người của tiêu dùng và BVQLNTD.

Thực hiện tốt công tác tư vấn, hòa giải, giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn; kiểm soát hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định.

Tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cơ sở sản xuất kinh doanh về BVQLNTD, đo lường, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu,...

Thực hiện tốt nhiệm vụ của các Ban Quản lý chợ trong công tác BVQLNTD, bởi vì việc trao đổi hàng hóa trên địa bàn tỉnh phần lớn thông qua mạng lưới chợ, nhất là tại khu vực nông thôn.

Nguồn: QLTM-SCT