• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Thị trường dừa Bến Tre dần ổn định lại sau giãn cách xã hội
Ảnh Hộ kinh doanh thu mua dừa của chị Duyên tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, Bến Tre

Thị trường dừa Bến Tre dần ổn định lại sau giãn cách xã hội

(Cập nhật: 19/11/2021)
Dưới sự ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID – 19, giá dừa khô Bến Tre giảm nhẹ trong thời gian toàn tỉnh thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, với mức giá dao động từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/chục. Tuy nhiên, hiện nay mức giá đã dần ổn định trở lại, khoảng 80.000 đồng đến 95.000 đồng/chục (Giá cả tùy theo từng vùng, thời điểm và dừa lớn hay nhỏ).

Nhiều hộ dân trồng dừa tại xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày Nam vui mừng vì giá dừa tăng trở lại sau những tháng chịu tác động dư âm của hạn mặn và đợt giãn cách xã hội ngay sau đó. Bà Nguyễn Thị Trinh, ngụ tại ấp An Hóa Đông, xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày Nam cho hay: “Do hạn mặn kéo dài trước đó nên dừa cho ít quả, quả dừa lại còi cọc, kém sức sống, dẫn đến việc bị mất giá. Đến cuối tháng 7, Bến Tre bắt đầu bị ảnh hưởng từ dịch bệnh SARS-CoV-2 (COVID – 19), giá dừa vẫn bấp bênh, chỉ khoảng 50.000 – 65.000 đồng/chục.  Cứ tưởng qua dịch giá dừa vẫn vậy, nhưng không ngờ tăng lên được 80.000 – 85.000  đồng/chục.”. Bà Trinh cũng cho biết thêm, trong thời gian giãn cách xã hội, không những giá dừa rất thấp mà còn không có ai thu mua, thu nhập của gia đình bị giảm sút, mùa dịch cũng không thể đi làm, khiến cuộc sống của các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Chị Duyên – Chủ hộ kinh doanh thu mua dừa tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, sở dĩ giá dừa thấp như thế là vì trong mùa dịch, vựa dừa vẫn hoạt động bình thường nhưng thủ tục, hồ sơ để xuất đi các tỉnh khác tương đối khó khăn; mức giá các doanh nghiệp thu mua vào từ vựa lại không cao; dừa của người dân trong tỉnh không có người thu mua nhưng dừa xuất khẩu đi nước ngoài lại bị thiếu vì dừa của địa phương không đạt tiêu chuẩn; bên cạnh đó, dù vựa dừa có thu mua giá cao thì thương lái cũng lợi dụng tình hình dịch bệnh ép giá, mua của người nông dân ở mức giá rất thấp, điều đó cũng là hiển nhiên vì thương lái cũng phải bỏ ra chi phí thu gom và chịu rủi ro có thể bị lây bệnh trong tình hình dịch COVID-19 khá phức tạp như thế. Chị Duyên cũng chia sẻ, tùy vào mối quan hệ buôn bán của chủ vựa dừa mà trong mùa dịch hộ kinh doanh có thể hoạt động hay không, cụ thể, vựa dừa của chị trong thời gian giãn cách xã hội vẫn xuất đi Hà Nội, Hưng Yên, thỉnh thoảng xuất ra Quy Nhơn (Bình Định) do nhu cầu của người dân ở đó, có lúc mức giá dừa xiêm xanh không giảm mà còn tăng do thị trường Hà Nội cần nhiều.

Dưới đây là mức giá các doanh nghiệp thu mua dừa từ Vựa / Nhà máy tại các thời điểm trước và sau giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16:
Bảng tổng hợp giá dừa theo từng khu vực, thời điểm trên địa bàn tỉnh Bến Tre
                                                                                                           ĐVT: đồng/chục
   
 
Theo số liệu được tổng hợp từ Bản tin giá dừa – Hiệp hội Dừa Bến Tre
Mức giá này là mức giá các doanh nghiệp thu mua tại Vựa / Nhà máy;
Mức giá này là giá mua xô, mức giá mua dừa loại I cao hơn 5000 – 10.000 đồng/chục.

Hiện nay, giá dừa khô tăng khá mạnh nên người dân rất phấn khởi, thu nhập của họ được cải thiện đáng kể sau thời gian giá dừa khô khá thấp và không bán được dừa. Các hộ dân đồng loạt bón phân, chăm sóc vườn dừa để chuẩn bị cho hạn mặn sắp tới.

Bên cạnh đó, giá dừa hiện nay tăng mạnh là do các doanh nghiệp, nhà máy đã hoạt động trở lại, họ cần nguồn nguyên liệu kịp thời để sản xuất, cung ứng kịp các sản phẩm mà trước đó chưa thể hoàn thành do dịch bệnh. Mặt khác, Tết Nguyên đán cận kề, thị trường cần nguồn nguyên liệu từ dừa để sản xuất bánh kẹo phục vụ dịp Tết. Hơn nữa, hiện nay một số doanh nghiệp của tỉnh đã khá thành công trong việc sản xuất các sản phẩm từ dừa, chuyển dần từ xuất khẩu sản phẩm dừa thô sang xuất khẩu các thành phẩm có giá trị sử dụng cao. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân quả dừa Bến Tre ngày càng được giá.
Nguồn: TT.KC&XT – SCT