• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Quan điểm tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

Quan điểm tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

(Cập nhật: 24/04/2020)

Với một khát vọng cháy bỏng, trí tuệ sáng suốt, mẫn tiệp, sáng tạo, tầm nhìn vượt thời đại, kết đọng trong những giá trị nhân văn cao đẹp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh là XYZ đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, tác phẩm đặc biệt đã nêu một trong những nội dung hết sức quan trọng trong di sản quý báu của Hồ Chí Minh là tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng, một vấn đề vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn sâu sắc về vấn đề xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân và ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng hiện nay.

 

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, không chỉ có chương đầu tiên có tiêu đề: “Phê bình và sửa chữa”, mà xuyên suốt cả tác phẩm Người đã phân tích một cách sâu sắc có căn cứ khoa học trên nhiều khía cạnh về phê bình và tự phê bình nhằm “Sửa đổi lối làm việc” của Đảng. Quan niệm về phê bình và tự phê bình của Hồ Chí Minh là “Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình”, “Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình” . Tự phê bình và phê bình không phải là vấn đề mới mẻ nhưng vì có rất nhiều người chưa nhận thức đúng về nó, nên đã tiến hành sai, và vì vậy công việc tự phê bình và phê bình đã không có chất lượng, thậm chí, còn phản tác dụng, khi phê bình phải nêu cả ưu điểm và khuyết điểm.

Trong quan hệ giữa tự phê bình và phê bình thì phải tiến hành tự phê bình mình trước, phê bình người sau. Đây vừa là phương pháp, vừa là nghệ thuật trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và Người kết luận “Trong công tác, trong tranh đấu, trong huấn luyện, các đảng viên các cán bộ cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình. Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi” . Coi trọng tự phê bình là nhằm phát huy yếu tố tự giác ở mỗi người. Tự vấn, tự phán xét mình, nhìn nhận lại những ưu điểm, khuyết điểm của mình phải là một nhu cầu tự thân để sửa chữa hướng tới hoàn thiện mình. Đặc biệt đối với cán bộ đảng viên thực hiện được điều này để nêu gương đối với đồng chí và quần chúng nhân dân là rất tốt.

Hồ Chí Minh cũng chỉ ra hậu quả của việc không kịp thời thực hiện tự phê bình và phê bình là: “Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh” . Từ đó, Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên “mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như con người cần không khí, không có không khí con người sẽ chết, không có tự phê bình và phê bình Đảng khó lòng mà tồn tại. Chủ tich Hồ Chí Minh khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” .

Theo Người, Đảng muốn vững mạnh, được nhân dân tin tưởng gắn bó thì Đảng không được che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để rèn rũa cán bộ và đảng viên. Đảng yếu kém vì trong Đảng vẫn có nhiều đảng viên kém tính Đảng mắc nhiều thứ bệnh. Người đã chỉ rõ những thứ bệnh mà đảng viên kém tính Đảng hay mắc phải đó như: bệnh ba hoa, bệnh chủ quan, bệnh địa phương, bệnh ham danh vị, bệnh thiếu kỷ luật, bệnh cẩu thả, bệnh xa quần chúng, bệnh hình thức, bệnh ích kỷ, bệnh hủ hóa, bệnh thiếu ngăn nắp, bệnh lười biếng... Cán bộ đảng viên mắc phải một bệnh trong những bệnh đó sẽ dẫn đến hỏng việc. Vì vậy, trong Đảng phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy. Mục đích tiến hành phê bình, theo Hồ Chí Minh, “phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết thống nhất nội bộ”, “phê bình không phải để công kích, để nói xấu, để chửi rủa” . Như vậy, mục đích của phê bình hoàn toàn mang tính nhân văn, làm cho con người ta tốt hơn, hoàn thiện hơn, công việc tốt hơn, nội bộ đoàn kết hơn.

Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Thông qua tự phê bình và phê bình mà Đảng ngày càng phát triển vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Trong công cuộc đổi mới phát triển đất nước, nhận định về đạo đức của cán bộ đảng viên, Đảng ta chỉ ra bên cạnh những ưu điểm đã đạt được còn nổi lên một số yếu kém khuyết điểm, nhất là khuyết điểm về công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ đảng viên. Nhiều tổ chức Đảng và đảng viên chưa nhận rõ vai trò, tác dụng to lớn của vũ khí tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng; chưa tạo dựng được môi trường dân chủ thực sự để phát huy tác dụng của tự phê bình và phê bình; tự phê bình và phê bình còn có biểu hiện hình thức, qua loa chiếu lệ, một chiều; “tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu”.

Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy quan tâm đúng mức công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ; sinh hoạt chi bộ xem nhẹ công tác xây dựng Đảng; chưa tạo môi trường dân chủ cởi mở để cán bộ, đảng viên tham gia tự phê bình và phê bình; chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát; vai trò nêu gương của người đứng đầu chưa thể hiện rõ; ý thức tự giác phê bình của cán bộ, đảng viên kém.

Phát huy những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân. Ngoài việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thì mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng cần:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò tác dụng to lớn của tự phê bình và phê bình; nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật trước Đảng, kiên quyết đấu tranh tự phê bình và phê bình. Khi thấy khuyết điểm “Không để mặc kệ. Mà ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm, không để nó phát triển ra, không để nó có hại cho Đảng” .

Thứ hai, cần tạo ra môi trường dân chủ, cởi mở để kết hợp phê bình trong Đảng với phê bình của quần chúng nhân dân cho Đảng. Dân chủ để đảng viên được bày tỏ quan điểm của mình trước đúng sai, đặc biệt trước cấp trên của mình. Dân chủ thực sự chính là môi trường, điều kiện tốt nhất để phê bình và tự phê bình.  

Thứ ba, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tự phê bình và phê bình, tiến hành thường xuyên, phê bình từ trên xuống và từ dưới lên, nhất là từ dưới lên, xử lý kỷ luật nghiêm minh.

Thứ tư, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao cũng như tự phê bình và phê bình.

Thứ năm, phải kết hợp một cách chặt chẽ, thống nhất giữa tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật trong Đảng, đảm bảo tính nghiêm minh trong sinh hoạt.

Trong sự nghiệp đổi mới toàn dân tộc, Đảng ta xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt là yếu tố giúp cho Đảng ta ngày càng vững mạnh đủ sức lãnh đạo và tổ chức nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cách mạng. Những tư tưởng của Người trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vì vậy thực sự có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

 
Nguồn: Dangcongsan.vn