• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Quá trình chuyển đổi và đầu tư mới chợ trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Ảnh: Chợ Phú Phụng – huyện Chợ Lách, một mô hình chợ do Doanh nghiệp đầu tư xây dưng, khai thác và quản lý (nguồn: XTTM)

Quá trình chuyển đổi và đầu tư mới chợ trên địa bàn tỉnh Bến Tre

(Cập nhật: 20/09/2017)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 145 chợ do Ban Quản lý/Tổ Quản lý chợ trực thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp thành lập và quản lý. Nhằm từng bước chuyển các chợ đang hoạt động do Ban Quản lý chợ điều hành sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh khai thác và quản lý, Sở Công Thương đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Quyết định số 29/2014/QĐ-UBND ngày 21/10/2014 về việc ban hành Quy định quy trình chuyển đổi hình thức tổ chức quản lý, kinh doanh và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 1767/KH-UBND ngày 28/4/2017 về việc chuyển đổi hình thức tổ chức quản lý, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Bến Tre để triển khai việc chuyển đổi trực tiếp các chợ do Ban Quản lý chợ điều hành sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã khai thác và quản lý.

Ngoài ra, để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới, kinh doanh khai thác và quản lý chợ đối với các chợ xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường mà ngân sách nhà nước không có kinh phí đầu tư xây dựng, Sở Công Thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 30/3/2017 về Ban hành Quy định quy trình đầu tư và chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng mới các chợ trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Việc chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý chợ từ Ban quản lý sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý trong đầu tư xây dựng mới hoặc chuyển giao là phù hợp với xu hướng đổi mới chung của nền kinh tế, làm giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước trong khâu quản lý, điều hành. Hiện nay các địa phương tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi chợ, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp chợ tạo bộ mặt thương mại khang trang hơn.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 25 chợ do doanh nghiệp đầu tư xây mới, 02 chợ chuyển đổi trực tiếp từ Ban Quản lý chợ sang hợp tác xã kinh doanh, khai thác và quản lý. Do vậy, mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh về cơ sở hạ tầng có bước đầu tư tốt, tình trạng xuống cấp tại các chợ đã phần nào được khắc phục, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng tiêu chí số 7 nông thôn mới, sắp xếp, bố trí điểm kinh doanh khang trang, ô nhiễm môi trường từng bước được đẩy lùi và nhất là tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiêu thụ hàng hóa nông sản tại địa phương, tạo lập môi trường mua bán thuận tiện cho người dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi phát sinh nhiều vấn đề khó khăn về công tác phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai thực hiện Điều 11 của Nghị định 02 còn gặp khó khăn trong ký hợp đồng với các thương nhân kinh doanh tại chợ, một số thương nhân kinh doanh tại chợ không chịu ký kết hợp đồng với doanh nghiệp và không nộp phí quản lý chợ. Nguyên nhân chủ yếu là do không dung hoà được lợi ích của hai bên, các doanh nghiệp muốn thu được lợi nhuận cao, còn tiểu thương đã quen với việc bao cấp của nhà nước, kinh doanh tại các chợ do nhà nước quản lý với mức thu phí thấp, không trả tiền thuê diện tích nên khi chuyển sang doanh nghiệp quản lý phải trả phí cao hơn, tâm lý chung của các hộ kinh doanh thích chợ do Nhà nước quản lý và càng mong muốn nộp ít phí hơn.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có một số chợ còn tình hình khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại chợ như chợ Tân Xuân – Ba Tri, chợ Lộc Thuận – Bình Đại, chợ Mỹ Lồng - Mỹ Thạnh - Giồng Trôm, chợ Tân Phong - Thạnh Phú. Các chợ này xảy ra khiếu nại, khiếu kiện chủ yếu là lợi ích của doanh nghiệp và hộ kinh doanh chưa dung hòa được với nhau, một số hộ kinh doanh không ký hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh tại chợ và cũng không đóng phí quản lý chợ theo quy định, dẫn đến một số doanh nghiệp hoạt động khai thác kinh doanh chợ gặp khó khăn. Mặt khác, văn hóa giao tiếp của doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cũng còn hạn chế, sự tồn tại chợ tự phát gần khu vực chợ cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của chợ.

Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương phối hợp với UBND các huyện tích cực, vận động, giải quyết đến nay hoạt động các chợ đã dần dần đi vào ổn định./.

Nguồn: SCT