• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
  • text_none_author
  • 09/09/2016
  • 28

Một số thông tin dự báo tháng 9

(Cập nhật: 09/09/2016)

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của cả nước trong tháng 7/2016 đạt trên 286.688 tấn, trị giá 127,2 triệu USD (giảm 12% về lượng và giảm 85% về trị giá so với tháng trước đó). Còn so với cùng tháng năm 2015, xuất khẩu gạo tháng 7 giảm hơn 53% về lượng và 50% về giá trị. Đây là cũng là tháng xuất khẩu gạo đạt thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Lũy kế xuất khẩu gạo của cả nước trong 7 tháng đầu năm đạt 2,94 triệu tấn, trị giá 1,32 tỷ USD (giảm 18,2% về lượng và 14,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái). Việc xuất khẩu giảm mạnh không chỉ trong tháng 7 mà kéo dài từ đầu quý 2 đến nay.

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo trong tháng 7 sang tất cả các thị trường đều bị sụt giảm về kim ngạch so với tháng 6, nhưng có một số thị trường tuy lượng gạo xuất khẩu tăng, nhưng trị giá vẫn giảm do giá xuất khẩu thấp như: xuất sang Malaysia tăng tới 660% về lượng, nhưng trị giá lại giảm 568%; xuất sang Nam Phi tăng 1.606% về lượng, nhưng giảm 1.252%; xuất sang Indonesia tăng 1.019% về lương nhưng giảm 834% về trị giá.

Nguyên nhân xuất khẩu giảm là do thiếu nhu cầu mua từ các thị trường nhập khẩu gạo chính, đặc biệt là Indonesia , Philippines và Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu Châu Phi lại quan tâm nhiều tới những phân khúc gạo có giá rẻ hơn, như gạo cũ Thái Lan hiện đang có giá rất cạnh tranh.

Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu gạo ảm đạm đang là tình hình chung của thị trường thế giới. Bởi Thái Lan đang dư thừa gạo quá lớn, lúc nào cũng chờ bán ra, còn các nhà buôn thì luôn thận trọng, chờ động thái của Thái Lan rồi mới định hình giá cả thị trường. Dù chất lượng gạo cũ Thái Lan khá kém, nhưng lượng gạo sử dụng được vẫn cao, từ đó tác động lên tình hình kinh doanh chung mặt hàng lúa gạo thế giới.

Mặt khác, trước đó các chuyên gia đều cho rằng do ảnh hưởng của El-Nino gây ra hạn, mặn ở Châu Á, khiến giá lương thực tăng cao. Tuy nhiên, hiện tượng này hầu như chỉ tác động đến ngành hàng lúa gạo, còn nhiều mặt hàng lương thực khác không bị ảnh hưởng, nên giá cả không tăng như những nhận định trước đó, thậm chí đang có dấu hiệu giảm mạnh. Điều này đã ảnh hưởng đến thị trường lương thực và kéo theo các giao dịch về lúa gạo cũng trầm lắng.

Một số doanh nghiệp cho biết, hiện có thông tin Philippines đang chuẩn bị kế hoạch mua gạo trở lại và Indonesia cũng sẽ mua trong năm nay. Nếu có nhu cầu từ các thị trường này thì Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế, đặc biệt là cạnh tranh về giá bán.

Hiện mức giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam đang ở mức thấp nhất so với các nước đối thủ trong khu vực. Chẳng hạn, gạo 5% của Việt Nam hiện 370-380 USD/tấn, trong khi gạo mới Thái Lan trên 400 USD/tấn và các nước khác cũng vậy. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều lợi thế về hình thức bán hàng tận kho, do một số nước nhập khẩu gạo đã quen với phương thức giao hàng này.

Trước những biến động của cung – cầu lúa gạo trong nước và thế giới, VFA đã phải nhiều lần điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2016. Theo VFA, dự kiến xuất khẩu gạo của cả nước trong năm 2016 sẽ đạt khoảng 5,7 triệu tấn, giảm 14% so với năm 2015.

Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tiêu thụ trái cây có nhiều thuận lợi, số lượng, chủng loại, thị trường và kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng nhanh. Nhiều thị trường mới, khó tính có giá cả cao được mở mới đã khích lệ, thúc đẩy ngành hàng trái cây phát triển trong những năm gần đây như  thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài đã vào thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản.

Cụ thể, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu rau quả đang có chiều hướng tăng nhanh: Năm 2005, nước ta xuất khẩu đến 36 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với trên 235 triệu USD; đến năm 2015, đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch đạt 1,838 tỷ USD, tăng 123% so với năm 2014, và tăng 782,13% so với năm 2005 (2005- 2015); trong đó trái cây chiếm trên 70%. Năm 2015 cũng là năm có kim ngạch xuất khẩu rau quả cao nhất từ trước đến nay. 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt 1,385 tỷ USD, tăng 135,5% so với cùng kỷ năm 2015.

Ngoài các thị trường truyền thống, chúng ta đã tích cực mở mới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính như  Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, New Zealand….

Tuy nhiên, đến nay, phần lớn các loại quả đều tiêu thụ dưới dạng quả chín, tươi sau khi thu hoạch; việc chế biến, phơi sấy, đóng hộp, nước ép, bảo quản nhiều ngày đang mới giai đoạn đầu và chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Thị trường tiêu thụ trái cây ở trong nước là chính, chiếm 85- 90% tổng sản lượng sản xuất, xuất khẩu mới chiếm 10- 15%. Xuất khẩu trái tươi đối với thanh long, nhãn, chôm chôm, dứa, bưởi, chanh, chuối, xoài…; xuất khẩu dưới dạng chế biến đối với dứa, xoài ở dạng đông lạnh, nước quả…

Vì vậy, theo Cục Trồng trọt, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu trái cây hơn nữa, thời gian tới cần nâng cao chất lượng, tăng cường sản xuất nhiều sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường có nhiều tiềm năng.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 7/2016 ước đạt 611,3 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng lên 3,69 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2015.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2016, chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Trong đó, chỉ riêng xuất khẩu sang thị trường Nhật bị sụt giảm 3% về kim ngạch so với cùng kỳ (đạt 537.9 triệu USD), còn lại 3 thị trường trên đều đạt mức tăng trưởng dương như: Hoa Kỳ (tăng 11%, đạt 761,7 triệu USD), Trung Quốc (tăng 53%, đạt 350,4  triệu USD), Hàn Quốc (tăng 2%, đạt 311,9 triệu USD).

Xuất khẩu thủy sản mấy tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, nhưng từ quý 2 trở đi, đã có những dấu hiệu thuận lợi hơn đối với những mặt hàng chủ lực, nhất là tôm và cá tra. Ở thị trường Mỹ, từ cuối tháng 4, nhu cầu NK đã tăng trở lại, giúp cho giá tôm từ các nguồn cung chính tăng lên. Mặt khác, những khó khăn của một số nước cung cấp chính, cũng làm giảm nguồn cung XK vào Mỹ những tháng cuối năm. Do động đất, dịch bệnh nên sản lượng tôm của Ecuador bị giảm mạnh. Ấn Độ vừa bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng thuế NK trung bình từ 2,96% lên 4,98%. Thái Lan đang bị giảm uy tín trên thị trường tôm thế giới…

Dự báo sản lượng tôm thế giới năm nay sẽ giảm, khiến cho giá tôm tăng 10-15%, là cơ hội tốt để Việt Nam tăng giá trị XK tôm.

Trong tháng 7, Việt Nam và Mỹ đã đạt được giải pháp song phương để giải quyết tranh chấp trong các vụ kiện của Việt Nam về thuế chống bán phá giá (CBPG) mà Mỹ áp dụng đối với sản phẩm tôm của Việt Nam. Đây là 1 tin vui đối với các DN XK tôm của Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ năm nay, cũng có tác động tích cực đến XK tôm. Theo Hiệp định này, hạn ngạch thuế quan (thuế suất 0%) cho tôm Việt Nam XK sang Hàn Quốc là 10.000 tấn trong năm đầu tiên (tăng đều 10% sau mỗi năm và từ năm thứ 6 trở đi duy trì ở mức 15.000 tấn). Hạn ngạch này rõ ràng mang lại lợi thế cho tôm Việt Nam hơn rất nhiều so với hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (5.000 tấn cho 10 nước ASEAN).

VASEP dự báo, XK tôm cả năm nay sẽ đạt 3 tỷ USD, tăng 10% so năm ngoái; cá ngừ đạt 500 triệu USD, tăng 10%; mực, bạch tuộc đạt 450 triệu USD, tăng 5%… Riêng cá tra, có thể giảm 4%, chỉ đạt khoảng 1,6 tỷ USD. Với nhiều mặt hàng có khả năng tăng trưởng giá trị XK như trên, dự kiến cả năm nay, XK thủy sản sẽ đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2015.

Khó khăn trong XK thủy sản cuối năm nay là thiếu hụt nguồn nguyên liệu tôm, cá tra do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn hồi đầu năm. Nguyên liệu hải sản cũng bị ảnh hưởng, do khai thác biển gặp khó khăn vì chi phí cao, công nghệ bảo quản chưa được cải thiện nhiều, giá bán không bù đắp giá vốn cho ngư dân. Vì vậy, để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu, chắc chắn các DN sẽ phải đẩy mạnh nhập khẩu. Dự kiến trong năm nay, các DN sẽ NK khoảng 1 tỷ USD thủy sản nguyên liệu, tập trung vào các mặt hàng cá ngừ, tôm thẻ chân trắng, mực, bạch tuộc và cá biển. Nguồn tôm nguyên liệu được nhập về chủ yếu là Ấn Độ, còn cá ngừ đại dương là từ Philippines, Indonesia…

Nguồn: QLTM