• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Kiểm tra, đánh giá hiệu quả các đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Kiểm tra đề án khuyến công tại Công ty TNHH Thương mại may mặc KBT (Nguồn: Lin - P.QLCN)

Kiểm tra, đánh giá hiệu quả các đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh Bến Tre

(Cập nhật: 09/08/2023)
Thực hiện kế hoạch số 538/KH-SCT 15/3/2023 của Sở Công Thương về việc kiểm tra các đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Từ ngày 04/7/2023 đến ngày 26/7/2023, Sở Công Thương phối hợp cùng Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Phòng Kinh tế thành phố Bến Tre, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện tiến hành kiểm tra, khảo sát nắm tình hình hoạt động của các đơn vị thụ hưởng từ đề án khuyến công; tình trạng hoạt động của máy móc, thiết bị được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh. Một số kết quả đạt được như sau:

Đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại 18 đơn vị có đề án được hỗ trợ từ  nguồn kinh phí khuyến công năm 2021. Tổng nguồn vốn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương đã hỗ trợ các đề án là 4.076,7 triệu đồng, huy động nguồn vối đối ứng của doanh nghiệp 9.997,9 triệu đồng để đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị phát triển sản xuất gồm các nhóm ngành: chế biến các sản phẩm từ dừa (09 đề án), sản xuất chế biến nông sản thực phẩm khác (03 đề án), gia công may mặc (02 đề án), cơ khí (01 đề án), sản xuất phân bón (02 đề án), ngành nghề khác (01 đề án).

Qua kiểm tra, khảo sát có 16/18 đơn vị đang hoạt động ổn định, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, năng suất chất lượng sản phẩm được nâng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Công suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm đều tăng và đạt được hiệu quả đầu tư của đề án. Các đề án góp phần giải quyết tốt việc làm cho khoảng 519 lao động, với lương bình quân từ 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế, một số ngành gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, sức tiêu thụ trên thị trường chậm như: may mặc, sản xuất mỹ phẩm,….Có 02/18 đơn vị đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do thiếu đơn hàng có thời gian phải tạm ngưng, hoạt động cầm chừng và đang tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm.

Nhìn chung, các thiết bị hỗ trợ đầu tư vận hành tốt, công suất đạt yêu cầu, sử dụng thiết bị đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Hoạt động khuyến công đã tác động tích cực đến sự phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn, khuyến khích đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,.... Nhiều đơn vị thụ hưởng rất phấn khởi do được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư một phần của Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở phát triển sản xuất và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các chương trình khuyến công để cơ sở công nghiệp nông thôn có sự động viên, khuyến khích tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện các đề án cũng còn những khó khăn, hạn chế như: các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị mới nhằm tăng năng suất nhưng sản phẩm còn đơn điệu, khả năng cạnh tranh thấp, năng lực quản lý còn hạn chế, chưa tăng cường mở rộng thị trường, vì vậy nhiều cơ sở sau khi đầu tư chưa khai thác hết công suất của máy móc, thiết bị; một số đơn vị do mới đầu tư còn gặp khó khăn về vốn, sản phẩm chưa có khả năng cạnh tranh, thị trường không ổn định dẫn đến sản xuất, kinh doanh hiệu quả chưa cao.

Từ kết quả trên, để nâng cao hiệu quả các đề án khuyến công trong thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công sâu rộng đến các cơ sở công nghiệp nông thôn để các đơn vị có thể chủ động, nhiệt tình tham gia.

Phối hợp rà soát nhu cầu đăng ký hỗ trợ vốn khuyến công, đồng thời nâng cao chất lượng khảo sát chú trọng đối tượng thụ hưởng đủ năng lực và các ngành nghề phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả các đề án khuyến công, thường xuyên nắm bắt thông tin các đơn vị sau khi hỗ trợ, kịp thời phát hiện những khó khăn có những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển sản xuất.
Tin, ảnh: Lin – P.QLCN