• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Khởi nghiệp từ trồng rau sạch an toàn
Chị Trần Thị Le (mặc áo đen) kiểm tra hệ thống tưới nước tự động của mình. (Ảnh: Văn Minh)

Khởi nghiệp từ trồng rau sạch an toàn

(Cập nhật: 15/01/2021)
Xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú có khoảng 17 ha trồng màu xen canh, trong đó có 10 ha trồng màu xuyên suốt, tập trung ở các ấp Thạnh Quí A, Thạnh Quí B và Thạnh An. Cây màu được người dân trồng luân canh qua từng mùa vụ với các loại rau chính như: cải, hành và các loại rau ăn sống khác,… Rau ở Bình Thạnh chủ yếu được các thương lái đến tận nhà để mua và cung cấp lại cho các chợ ở trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, việc trồng rau sạch an toàn, hữu cơ, theo hướng VietGap thì ít hộ áp dụng. Dù không nhiều kinh nghiệm trong việc trồng rau nhưng chị Trần Thị Le, 64 tuổi ở xã Bình Thạnh đã cho thấy một quyết tâm và hướng đi khác biệt so với các hộ trồng rau lâu năm trên địa bàn xã, đó là trồng rau sạch an toàn.

Sau khi nghỉ làm công nhân ở một công ty trên Thành phố Hồ Chí Minh, chị Le đã ấp ủ dự định trồng rau sạch, trước hết là dùng trong gia đình, sau đó phục vụ người dân nhằm đảm bảo sức khỏe.

Khởi nghiệp khi đã lớn tuổi nhưng chị Le lại chọn cho mình hướng đi mới, không phải ai cũng mạnh dạng thực hiện. Tháng 5/2020, chị Le quyết định bắt tay xây dựng mô hình trồng rau sạch an toàn theo hướng chuẩn VietGap; theo đó, chị đã đầu tư máy móc, nhà màn, hệ thống tưới nước tự động,… chuẩn bị cho vụ rau đầu tiên với diện tích 1.500m².

Khá bỡ ngỡ trong thời gian đầu dù vậy qua các lớp tập huấn do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thạnh phối hợp với ngành chức năng thực hiện, chị đã dần nắm bắt được kỹ thuật về cách chọn giống, kỹ thuật thuật trồng, chăm sóc và đầu ra cho sản phẩm,…

Theo chị Le, trồng rau cần đảm bảo đúng quy trình; chú ý đến giống, nguồn nước ngọt, đất sạch, trồng trong nhà màn và có phương thức phòng chống thiên địch. Nhà màn 02 năm phải thay 01 lần và chọn màn trắng để sâu rầy sợ đồng thời thu ánh sáng nhiều. Bước đầu chị thấy có hiệu quả nhờ giá nguyên liệu thấp, nhẹ công chăm sóc, năng suất và giá bán cao.

Chị Le chia sẻ: “Muốn trồng rau sạch trước hết phải có nhà màn, để bón phân cho rau thì phải ủ phân hữu cơ gồm: phân bò, sơ dừa, trấu,…ủ trong khoảng 02 tháng mới đem ra sử dụng; trong quá trình trồng nếu có sâu rầy thì mình lấy tỏi, rừng, rượu, nước… dùng hổn hợp này để xịt, qua đó đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng”.

Qua hơn 5 vụ trồng, chủ yếu là trồng các loại cải như: bẹ giún, bẹ ngọt và xà lách,… vừa làm, vừa tìm tòi học hỏi kinh nghiệm nên vườn rau của chị phát triển khá tốt, bán ra thị trường và nhận được sự phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, dần dần được nhiều người biết đến và tạo được lòng tin của người mua; giá bán cao hơn rau trồng bình thường.

Hiện nay, thông qua Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thạnh, chị hướng đến việc cung cấp rau sạch cho các điểm trường bán trú trong huyện và hệ thống Bách hóa xanh. Chị Le cho biết sẽ sẳn sàng mở rộng diện tích trồng rau nếu ký kết được hợp đồng với các đơn vị này.
Bà Nguyễn Thị Hợp – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thạnh cho biết: “Việc sản xuất theo hướng rau sạch, rau an toàn và đạt chuẩn VietGap được hợp tác xã của chúng tôi chú trọng và đang vận động bà con chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống theo hướng chuẩn VietGap, cách trồng của cô Le hiện tại rất khả quan và hiệu quả, mong muốn trong thời gian tới mô hình của cô Le là một trong những điểm nhấn, tiền đề góp phần thay đổi nhận thức của các hộ dân trồng rau trên địa bàn xã, để Bình Thạnh hình thành nên vùng nguyên liệu với sản phẩm rau sạch, an toàn cung cấp cho thị trường thời gian tới,…”.

Năm 2021, trong sản xuất nông nghiệp huyện ta chú trọng các giải pháp tổ chức lại sản xuất, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; sản xuất phải gắn với thị trường, theo chuỗi giá trị, sản phảm đảm bảo chất lượng, sạch, an toàn, có truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý, hướng tới việc đưa sản phẩm nông nghiệp vào các hệ thống siêu thị, bách hóa tổng hợp và xuất khẩu.

Xin chúc cho mô hình trồng rau sạch của chị Trần Thị Le tiếp tục phát huy hiệu quả, mở rộng quy mô sản xuất từ đó tạo sức lan tỏa để ngày càng được nhiều hộ trồng rau ở Bình Thạnh nói riêng, huyện Thạnh Phú nói chung áp dụng trong thời gian tới./.

 
Nguồn: Văn Minh