• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
  • text_none_author
  • 24/07/2014
  • 59

Kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 ngành Công Thương.

(Cập nhật: 24/07/2014)

Theo thông báo của Văn phòng Bộ Công Thương về Kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm ngành Công Thương có những nội dung chủ yếu sau:

Theo đánh giá chung, bước vào đầu năm 2014, bên cạnh những mặt thuận lợi, tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế diễn ra trong nước trong bối cảnh không ít khó khăn, thách thức; các yếu tố bất ổn, ảnh hưởng tới sự phục hồi và duy trì tăng trưởng của các nền kinh tế, đặc biệt tình hình Biển Đông thời gian gần đây, đã tác động đến nước ta. Bên cạnh đó, ở trong nước, kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự ổn định, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn.

          Do sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và sự nỗ lực của toàn ngành, hoạt động của ngành Công Thương trong 6 tháng đầu năm 2014 đã có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cụ thể, tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng qua ước đạt khoảng 69,561 tỷ USD tăng khoảng 11,0% so với cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì tăng trưởng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 70,88 tỷ USD bằng 48,7% kế hoạch năm; xuất siêu cả nước ước tính 1,32 tỷ USD, góp phần ổn định tỷ giá.

          Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tiếp tục đà tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2014 tăng 5,8%, cao hơn so với mức tăng 6 tháng của cùng kỳ năm 2013 (6 tháng năm 2013 tăng 5,3%); chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng qua ở mức thấp, cho thấy mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô của Việt Nam đã phát huy tác dụng. Hoạt động hội nhập quốc tế tiếp tục đạt được nhiều kết quả.

          Tình hình trên cho thấy sản xuất công nghiệp và thương mại đã có sự tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2013, tuy nhiên, mục tiêu của cả năm còn rất cao, đòi hỏi toàn ngành vẫn phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong những tháng còn lại để có thể thực hiện các nhiệm vụ được giao của năm 2014.

          Nhiệm vụ chung của 6 tháng cuối năm 2014 là: Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, giảm hàng tồn kho, tăng cường xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc để khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm của ngành, của đơn vị; khẩn trương triển khai công tác sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp trong ngành theo đúng kế hoạch (trong đó trọng tâm cần tập trung vào việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức cán bộ); triển khai thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; làm tốt công tác định hướng thông tin tuyên truyền, thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí để người dân hiểu rõ, ủng hộ và chia sẻ đối với ngành Công Thương.

          Đối với các Sở Công Thương, cần tập trung làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố về việc rà soát, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thủy điện, làm tốt công tác vận hành hồ chứa, điều hòa nguồn nước. Kiểm tra, kiểm soát hoạt động của thương nhân nước ngoài hoạt động tại địa phương; tích cực triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Triển khai thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, ổn định thị trường trong nước; đảm bảo an toàn trong sản xuất công nghiệp.

            Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước và Vụ Thương mại biên giới và miền núi đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nội địa. Tăng cường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; có biện pháp dự trữ một số hàng thiết yếu cũng như dự phòng kinh phí để kịp thời ứng cứu khi xảy ra thiên tai, bão lũ. Ở địa phương nào tình hình vi phạm nghiêm trọng về quản lý thị trường không được giải quyết có hiệu quả thì người đứng đầu Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường phải chịu trách nhiệm.

          Các hiệp hội ngành hàng cần tăng cường hỗ trợ các hội viên trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách chung của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực tham gia phối hợp trong việc đấu tranh, ứng phó với hạn chế, rào cản thương mại từ các nước đối tác đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam./.

Nguồn: P. QLCN