• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2023  của tỉnh Bến Tre
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Võ Thanh Sang thông qua một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023

Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh Bến Tre

(Cập nhật: 04/01/2024)
Ngày 28/12/2023, Cục Thống kê tỉnh Bến Tre tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội năm 2023. Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Võ Thanh Sang chủ trì buổi họp báo. Đến dự có đại diện các sở, ban, ngành tỉnh, các cơ quan truyền thông.


Tại buổi họp báo, Ông Võ Thanh Sang đã công bố những chỉ tiêu chủ yếu về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2023.      Tính chung GRDP cả năm 2023 ước tăng 5,16% so cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng khá thấp so với những năm gần đây (từ năm 2018 – 2023), chỉ tăng cao hơn các năm dịch COVID-19 bùng phát: 0,84% của năm 2020 và 2,64% của năm 2021, đứng thứ 12 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 47 của cả nước.
Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu của tỉnh năm 2023 như sau:

- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP): + 5,16% (cả nước +5,05%)
- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): + 6,7%
- Số doanh nghiệp thành lập mới: 593 doanh nghiệp
- Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh: 4.856 tỷ đồng, + 10,70%
- Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện: 19.394,07 tỷ đồng, -13,78%
- Chỉ số giá tiêu dùng bình quân: + 2,6%
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: + 13,73%
- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa:  + 3,99% (cả nước – 4,4%)
- Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: - 9,74% (cả nước – 8,9%)
- Khách quốc tế đến tỉnh Bến Tre: + 334,6%
- Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên: 772.641 người
- Lao động có việc làm: 21.427 người

 

Theo báo cáo, về cơ cấu nền kinh tế năm 2023: khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 34,31%; khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 21,32%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ trọng 3,37% (Cơ cấu của năm 2022 lần lượt là 35,5%; 20,66%; 40,42% và 3,42%). GRDP bình quân đầu người trong năm 2023 ước 53,02 triệu đồng/người, tăng 8,13% so năm 2022.

Nhìn chung, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục trên đà phục hồi và phát triển: tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng so với cùng kỳ; giá một số hàng nông sản đã tăng trở lại; thu ngân sách đạt khá; hoạt động du lịch phục hồi tốt, lượng khách và doanh thu tăng mạnh so cùng kỳ. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được tập trung thực hiện tốt. Chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì và phát triển. Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội được kiềm chế, kéo giảm, trong đó tai nạn giao thông đường bộ kéo giảm trên cả 03 tiêu chí.

Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2023 còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế: Giá cả một số mặt hàng nông sản giảm trong những tháng đầu năm, ảnh hưởng đến việc tái sản xuất và thu nhập của người dân; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn diễn ra làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do biến động nhu cầu thị trường; nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất, cắt giảm số lượng công nhân; một số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động hoặc giải thể. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội giảm so với cùng kỳ.

Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, tạo đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 thì các ngành, các cấp cần thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tập trung tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 11 công trình, dự án và các chương trình theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhất là dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 và Đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2.

Hai là, tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng KCN Phú Thuận và giao đất cho các nhà đầu tư, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển công nghiệp để tạo năng lực sản xuất mới.

Ba là, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại; mở rộng mạng lưới phân phối và phát triển hệ thống phân phối hiện đại.

Bốn là, thu hút đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù mang nét đặc trưng của Xứ Dừa Bến Tre, tạo sức “hấp dẫn, độc đáo, đặc sắc riêng có” của tỉnh.

Năm là, quản lý ngân sách Nhà nước chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định và đạt dự toán giao; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách; nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch vốn năm 2024.

Sáu là, bảo đảm hoạt động ngân hàng phát triển an toàn, ổn định, hiệu quả, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Bảy là, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.

Tám là, chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn năm 2024. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi - thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất./.

Tin, ảnh: Xuyên - P.KHTCTH