• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Hội thảo: “Đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu phát huy vai trò cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh”
Quang cảnh Hội thảo tại Lào Cai (Nguồn: TT.KC&XT- SCT)

Hội thảo: “Đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu phát huy vai trò cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh”

(Cập nhật: 30/11/2022)
Lào Cai được biết đến là tỉnh có vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng, đóng vai trò trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là cầu nối cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường tỉnh Vân Nam và miền Tây Nam, Trung Quốc.

Với mục tiêu phát huy vai trò cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế nhằm gắn kết hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngày 22/11/2022, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đã phối hợp tổ chức Hội thảo về đẩy mạnh hoạt động xuất - nhập khẩu, phát huy vai trò cầu nối của tỉnh Lào Cai trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước về Công thương, Nông nghiệp, Vận tải Trung ương, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Lào Cai trong 10 tháng đầu năm 2022, phía Trung Quốc tiếp tục duy trì thực hiện chính sách “Zero Covid”, đồng thời tại Việt Nam tình hình dịch bệnh các tháng đầu năm vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, do đó, phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 rất chặt chẽ (trong đó duy trì thực hiện việc xét nghiệm Covid-19 trên thành thùng của phương tiện, bề mặt hàng hóa; hạn chế nhập khẩu mặt hàng trái cây vận chuyển bằng xe lạnh của Việt Nam; liên tục thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu,...).Vì vậy, đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới phía Bắc, đặc biệt là các cửa khẩu của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (hàng hóa thông quan chậm, chi phí thông quan tăng cao…) dẫn đến giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể,  tổng giá trị xuất - nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu của Lào Cai trong 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.807,35 triệu USD (giảm 40,57% so với cùng kỳ năm 2021) đạt 41,08% so với kế hoạch năm 2022 .

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 05 trung tâm logistics tập trung với tổng diện tích là 288.218 m2 (trong đó: 04 trung tâm tại khu vực cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành và 01 trung tâm tại Khu công nghiệp Đông Phố Mới, thành phố Lào Cai). Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của phía Trung Quốc về bao bì, nhãn mác của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, trong thời gian gần đây các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đã kịp thời đáp ứng và thực hiện dịch vụ cung cấp bao bì, nhãn mác, đồng thời thực hiện công đoạn đóng gói trực tiếp ngay tại khu vực cửa khẩu để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đề ra được những giải pháp đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cụ thể: Đối với đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, vấn đề tái cơ cấu vận tải, xây dựng chiến lược, quy hoạch được đặt ra nhưng đi liền với đó phải là thực hiện đầu tư xứng tầm với tiềm năng của giao thông đường sắt; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các hiệp hội, nhóm doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để tăng năng lực cạnh tranh; tiếp tục hợp tác nghiên cứu với cơ quan quản lý phía tỉnh Vân Nam - Trung Quốc phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, dịch vụ thương mại tại các khu vực cửa khẩu biên giới của hai nước; phát huy hiệu quả vai trò của hiệp hội, đặc biệt là Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics trong việc đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp, cung cấp thông tin, kết nối các doanh nghiệp; doanh nghiệp logistics cần tăng cường trao đổi thông tin với nhau về nhu cầu thị trường; doanh nghiệp logistics cần thúc đẩy tìm tiếng nói chung với các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, xây dựng lòng tin, tiến tới chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích; xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp vận tải thủy và bộ trong vùng; chủ động tích cực tham gia vào hiệp hội ngành nghề để tạo tiếng nói chung và nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh; chủ động tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư để mở rộng kết nối, tham gia khóa đào tạo, hội thảo, tọa đàm được tổ chức trên địa bàn tỉnh, vùng để cập nhật thông tin cần thiết.               

Tham luận tại hội thảo, các đại biểu tập trung vào một số giải pháp để Lào Cai phát huy vai trò cầu nối trong tuyến hành lang kinh tế như: Nâng cao công tác quản lý, vận hành cửa khẩu; tạo thuận lợi trong hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai. Đặc biệt là giải pháp xây dựng hệ thống logistics và liên kết chuỗi cung ứng thông minh (5PL). Mô hình này là xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược, thậm chí không ứng dụng và triển khai sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia nói chung, cũng như tỉnh Lào Cai nói riêng.
Nguồn: TT.KC&XT – SCT