• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Hội nghị ngành Công Thương 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam  lần thứ IX năm 2023
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị ngành Công Thương 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ IX năm 2023

(Cập nhật: 12/10/2023)
Sáng ngày 06/10/2023, tại tỉnh Hậu Giang, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức “Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ IX - năm 2023”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh chủ trì hội nghị.

Dự Hội nghị có đại diện các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành và các đại biểu đến từ 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
 
Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 4 tháng cuối năm 2023; đồng thời, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành ở địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng kỳ vọng, thông qua hội nghị và chuỗi sự kiện của ngành Công Thương tại Hậu Giang là dịp cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại nhằm tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực. Đồng thời, hội nghị tạo điều kiện cho cán bộ, công chức ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tiếp xúc trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại; tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để định hướng liên kết vùng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã nỗ lực đạt được một số thành tựu nổi bật. Cụ thể, năm 2022 chỉ số sản xuất công nghiệp các tỉnh phía Nam vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực, có 15/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước là 7,8%; 8 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố có những đóng góp tích cực trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn. 18/20 tỉnh, thành vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 (cả nước giảm 0,4%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam năm 2022 đạt 2.939 nghìn tỷ đồng, tăng 26,29% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 51,75% so với cả nước (cả nước đạt 5.679 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước). Có 15/20 địa phương có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2022 đạt 139,31 tỷ USD, tăng 18,41% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 37,46% so với cả nước (cả nước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2021). Kim ngạch nhập khẩu toàn khu vực đạt 136,806 tỷ USD, tăng 9,69% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 37,93% so với cả nước (cả nước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2021).

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Công Thương 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vẫn còn một số hạn chế. Trong 8 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp có tăng so với cùng kỳ nhưng một số địa phương tốc độ tăng trưởng thấp so với tiềm năng phát triển công nghiệp của khu vực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng, bị sụt giảm đơn hàng. Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt; nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra; công nghiệp hỗ trợ chưa thật sự phát triển mạnh, tỉ lệ nội địa hoá của các ngành công nghiệp chưa cao.

Tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp, thành lập mới và việc thu hút đầu tư mới còn khó khăn, một số dự án đầu tư vào cụm công nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp chưa đạt.

Tại Hội nghị các đại biểu đã lắng nghe ý kiến phát biểu, tham luận của các địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền GIang, Cần Thơ, Bình Thuận, Kiên Giang, Đồng Nai về một số vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước và đề xuất một số kiến nghị trong thẩm quyền của Bộ Công Thương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững ngành Công Thương tại các địa phương; báo cáo Chính phủ các nội dung, giải pháp vượt thẩm quyền của Bộ Công Thương.

Các kiến nghị đã được lãnh đạo Bộ lắng nghe, giải đáp; đồng thời các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cung cấp thêm thông tin về chính sách và đề xuất những giải pháp cụ thể, thực chất để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương; một số kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu để có phương án giải quyết khả thi, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2023, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021- 2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung: triển khai các chương trình, đề án, nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp nhằm  phát triển công nghiệp, thương mại của địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch ngành, lĩnh vực, các đề án, kế hoạch, chương trình công tác năm 2023; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn. Đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng giữa ngành công thương, trong đó, cần tập trung liên kết cung ứng hàng hóa, góp phần cân đối cung - cầu trong khu vực; xây dựng các chương trình kết nối giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý và người tiêu dùng trong khu vực; có những cơ chế hỗ trợ để mở rộng thị trường về vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; duy trì thường xuyên việc trao đổi thông tin, tạo cơ chế phối hợp trong công tác quản lý, phát triển ngành Công Thương …  

Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia, của địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định. Rà soát tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành dự án. Đồng thời, bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới. Triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng, triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII; bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa. Theo dõi chặt chẽ giá cả hàng hóa trên địa bàn để có các biện pháp bình ổn giá cả.

 

Trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho tập thể, cá nhân 

Cuối cùng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.

Tại Hội nghị, đại diện Vụ Tổ chức cán Bộ - Bộ Công Thương công bố quyết định tặng thưởng Bằng khen Bộ trưởng Bộ Công Thương cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2017 - 2022 khu vực phía Nam; ngành Công Thương tỉnh Bến Tre được khen thưởng 01 tập thể và 02 cá nhân./.
Tác giả: Xuyên - P.KHTCTH