• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Học tập phong cách lãnh đạo, giao tiếp, ứng xử của Bác qua câu chuyện “Nước nóng, nước nguội”

Học tập phong cách lãnh đạo, giao tiếp, ứng xử của Bác qua câu chuyện “Nước nóng, nước nguội”

(Cập nhật: 27/04/2020)
Có rất nhiều câu chuyện về phong cách lãnh đạo, giao tiến, ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc, trở thành tài sản tinh thần to lớn của bao thế hệ người Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và phong cách lãnh đạo, giao tiếp, ứng xử của Bác nói riêng, chúng ta không thể nào quên câu chuyện “Nước nóng, nước nguội” (theo 117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Ban Tuyên giáo Trung ương, NXB. CTQG - 2007)
 

Chuyện kể rằng: Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, có một đồng chí cán bộ Trung đoàn thường hay quát mắng, đôi khi còn bợp tai chiến sỹ. Đồng chí này đã từng làm giao thông, bảo vệ Bác đi ra nước ngoài trước Cách mạng Tháng Tám.

Được tin nhân dân “dư luận” về đồng chí này, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc. Bác dặn trạm đón tiếp khu ATK, dù có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác.

Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng ngọ “đồng chí Trung đoàn” vã cả mồ hôi, người như bốc lửa. Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đã đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi có ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước lạnh. Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:

– Chú uống đi.

Đồng chí cán bộ kêu lên:

– Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.

Bác mỉm cười:

– À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội, mát không?

– Dạ có ạ.

Bác nghiêm nét mặt nói:

– Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hoà nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn.

Hiểu ý Bác giáo dục, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa…

Câu chuyện là một bài học quý giá cho đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước về phong cách lãnh đạo, cách giao tiếp, ứng xử, động viên cấp dưới và quần chúng cũng như sử dụng quyền lực trong lãnh đạo, quản lý.

Trong cuộc sống hiện nay, tất cả chúng ta hầu như đều bận rộn. Cùng một lúc, chúng ta phải giải quyết các mối quan hệ phát sinh trong công việc cơ quan, gia đình, bạn bè, làng xóm… Để giải quyết tốt mọi thứ là điều khó đạt được. Do vậy, cùng với việc căng thẳng về thời gian, áp lực công việc đôi lúc làm chúng ta bực dọc, nóng nảy khi kết quả công việc không đạt được như ý muốn. Nếu mỗi người chúng ta không tự học cách kìm chế bản thân thì bầu không khí xung quanh càng nặng nề và nó lại tiếp tục gây ra những hậu quả xấu hơn.

Từ hình ảnh của hai ly nước, Bác đã cho chúng ta bài học đơn giản nhưng vô cùng quý báu trong cuộc sống hàng ngày, nhất là đối với cán bộ, đảng viên – những người phải học tập và làm theo Bác trước, để quần chúng noi theo.

Một là, khi ứng xử, cần dựa trên tình yêu thương, tôn trọng con người, hiểu biết tâm lý và bằng phong cách quần chúng. Cán bộ phải luôn sâu sát, gần gũi, biết hòa mình vào cuộc sống của dân, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, tìm cách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giúp họ vươn lên, như ý nguyện của Bác: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Hai là, khi tiếp xúc với mọi người cần thể hiện sự khiêm tốn, chân thành, tôn trọng, quan tâm và chia sẻ. Luôn hòa nhã, điềm đạm, niềm nở, thân thiện, xóa bỏ sự cách biệt về chức vụ, địa vị, cấp trên với cấp dưới, cán bộ với quần chúng. Trong lãnh đạo, việc phê bình, nhắc nhở là cần thiết, nhưng thái độ và cách phê bình phải hết sức tế nhị và khéo léo. Khi người khác có khuyết điểm, không nên phê bình trực tiếp, trước mặt mọi người với những lời lẽ quá mạnh mẽ hoặc xúc phạm, mà nên gặp gỡ riêng, phê bình nghiêm khắc nhưng tế nhị, giúp họ hiểu ra lỗi của mình mà không cảm thấy bị xúc phạm.

Ba là, lãnh đạo, quản lý con người, đòi hỏi phải hiểu biết về tâm lý và tầm nhìn sâu rộng. Người cán bộ phải có nghệ thuật động viên cấp dưới và quần chúng có thành tích trong lao động, sản xuất và công tác, nhằm kích thích sự hăng hái, nhiệt tình, tin tưởng ở họ. Tuy nhiên, động viên, khen ngợi phải được tiến hành một cách công khai, kịp thời, đúng lúc, đúng mức độ, với ngôn ngữ phù hợp và thái độ chân thành mới có tác dụng thực sự.

Bốn là, phải biết sử dụng quyền lực của mình một cách hợp lý, tuyệt đối không lạm dụng quyền lực. Vừa biết lắng nghe, tranh thủ ý kiến của cấp dưới và quần chúng; đồng thời, phải giữ vững nguyên tắc, có tính quyết đoán. Cần phê phán những quan điểm lạm dụng quyền lực như: chỉ biết ra mệnh lệnh, luôn nhắc đến chức vụ, cố tình tạo lối sống “độc đáo” để thể hiện mình thay cho tạo dựng uy tín bằng phẩm chất, năng lực và cách đối nhân xử thế của mình.

Năm là, quan tâm rèn luyện tính khí hoạt bát, hòa nhã, vui vẻ. Luôn giữ sự bình tĩnh, làm chủ và kiểm soát cảm xúc, hành vi, tuyệt đối không được để rơi vào trạng thái nóng nảy, giận dữ, làm tổn thương đến những người xung quanh./.

Nguồn: bentre.dcs.vn