• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Giải pháp thúc đẩy phát triển, tiêu thụ sản phẩm OCOP trong bối cảnh mới
Chương trình đã góp phần phát triển sản phẩm đặc sản, dịch vụ, ngành nghề nông thôn (Nguồn: nongthonmoi.bentre.gov.vn)

Giải pháp thúc đẩy phát triển, tiêu thụ sản phẩm OCOP trong bối cảnh mới

(Cập nhật: 17/06/2022)

Ngày 16/6/2022, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn nghiên cứu bài học kinh nghiệm thành công phát triển sản phẩm OCOP.


Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho hay, sau 4 năm triển khai chương trình đã thu được những thành tựu đáng ghi nhận. Trong giai đoạn từ 2018-2021, cả nước đã có 5.401 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, trong đó có 20 sản phẩm được công nhận là OCOP 5 sao. Chương trình triển khai có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Chương trình đã thu hút được sự tham gia của gần 3.000 chủ thể, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển sản phẩm đặc sản, dịch vụ, ngành nghề nông thôn.

Thông qua Chương trình, các chủ thể từng bước chủ động cải thiện về tổ chức quản lý, hiệu quả hoạt động, quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm dịch vụ. Có 60,7% số chủ thể OCOP đạt mức tăng trưởng doanh thu bình quân là 17,6%/năm. Chương trình đã giúp chuyển biến mạnh tư duy của người dân nông thôn từ sản xuất sản phẩm sang tư duy về kinh tế sản xuất. Sản phẩm OCOP của các chủ thể được cải thiện về chất lượng, tiêu chuẩn, hệ thống nhận diện, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là hệ thống kênh phân phối hiện đại.

Đồng thời, Chương trình đã tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, phát huy vai trò của phụ nữ, người đồng bào dân tộc trong phát triển kinh tế. Tỷ lệ sản phẩm OCOP có phụ nữ làm chủ chiếm 39%, đã góp phần bảo tồn và phát huy được gần 2.000 làng nghề truyền thống. Nét văn hóa đa dạng và đặc trưng theo từng vùng miền ngày càng được phát huy và gắn với các sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên theo ông Phương Đình Anh, Chương trình OCOP trong giai đoạn vừa qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Nhiều địa phương trong giai đoạn đầu thường phát triển tập trung về số lượng, chạy theo thành tích, chưa chú trọng vào thực chất, gắn với lợi thế bản địa; chưa chú trọng vào các giải pháp hỗ trợ chủ thể nâng cao chất lượng, hoàn thiện sản phẩm. Các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP còn gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định về chất lượng và sản lượng. Nhiều địa phương chưa bố trí được nguồn lực và giải pháp để nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận.

Tại buổi hội thảo, nhóm nghiên cứu đã đưa ra thực trạng phát triển sản phẩm cũng như bài học kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm OCOP của chủ thể tại các địa phương khảo sát, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm OCOP.

Giải pháp đối với cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và toàn xã hội về Chương trình và các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP ở thị trường trong nước và quốc tế; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình OCOP ở các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Chương trình OCOP; ưu tiên triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ nâng cấp chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; hỗ trợ đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch.

Giải pháp đối với chủ thể OCOP cần nâng cao và ổn định chất lượng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất; ổn định và nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP; nâng cao năng lực trong quản trị và điều hành sản xuất; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại; chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quảng bá và xúc tiến thương mại; xúc tiến thương mại tại thị trường quốc tế, các chủ thể OCOP cần có kế hoạch và lộ trình chuẩn, bài bản; chủ động cập nhật và hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo tiêu chuẩn thị trường; chuẩn hóa lại chính sách bán hàng theo kênh phân phối và thị trường; đối với sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao cần xây dựng kênh phân phối; đối với sản phẩm OCOP 3 sao, các chủ thể có thể quan tâm, mở rộng thị trường, kênh phân phối truyền thống; tăng cường hiệu quả bán hàng trực tuyến qua các công cụ mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

Đưa ra các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP như đa dạng hóa kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP; đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại; đào tạo kỹ năng marketing, bán hàng trực tuyến cho chủ thể OCOP; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu thương mại điện tử kết nối sản phẩm OCOP; xây dựng trung tâm, triển lãm sản phẩm OCOP quốc gia; đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá về sản phẩm OCOP tới người dùng; đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu thị trường các sản phẩm OCOP; xây dựng, hình thành các tổ chức của các chủ thể, đối tác; đầu tư phát triển logistics về thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP; xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẽ kinh nghiệm về cách làm sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động sản xuất và tổ chức sản xuất, trong quảng bá và xúc tiến thương mại, tổ chức phân phối và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp trong thời gian tới.

Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đề nghị nhóm tư vấn, nghiên cứu tiếp thu và chỉnh sửa các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo. Cần tập trung vào các sản phẩm ý tưởng, sản phẩm OCOP phải độc, lạ, chất lượng gắn với giá trị sản xuất, giá trị văn hóa, câu chuyện sản phẩm của địa phương. Có sự tác động cơ chế chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước bằng các hình thức huy động hỗ trợ từ các nguồn, cách tiếp cận đưa sản phẩm ra thị trường ngoài khu vực.

Nguồn: nongthonmoi.bentre.gov.vn