• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Diễn biến thị trường dầu dừa
Tình hỉnh xuất khẩu và nhu cầu tiêu thụ dầu dừa giảm thấp trong năm 2021 Ảnh minh họa. (Nguồn: TT.KC&XTTM Bến Tre)

Diễn biến thị trường dầu dừa

(Cập nhật: 31/03/2022)
Tình hình xuất khẩu dầu dừa trên toàn cầu trong năm 2021 đã đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là xuất khẩu trì tệ và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao. Theo báo cáo của Ủy ban Thống kê Philippines, trong giai đoạn từ tháng 01 – 10/2021, tổng sản lượng xuất khẩu dầu dừa từ Philippines giảm xuống còn 594.924 từ 721.570 tấn của cùng kỳ năm 2020. Nhu cầu tiêu thụ từ các nước châu Âu và Mỹ, thị trường truyền thống đối với dầu dừa từ Philippines, đã giảm đi trong giai đoạn trên. Lượng xuất khẩu dầu dừa sang các nước châu Âu giảm từ 359.658 tấn trong năm 2020 xuống còn 291.869 tấn trong năm 2021. Cùng thời điểm đó, lượng xuất khẩu dầu dừa sang thị trường Mỹ giảm từ 133.864 tấn xuống 122.554 tấn. Philippines gần như đối mặt với sự tụt giảm nghiêm trọng về sản lượng xuất khẩu dầu dừa trong năm 2021.
 
Trong khi đó, tình hình xuất khẩu dầu dừa từ Indonesia được ghi nhận tăng cao trong năm 2021 khi tận dụng được lợi thế từ sự tụt giảm lượng xuất khẩu từ Philippines. Trong giai đoạn từ tháng 01 – 12/2021, Indonesia đã xuất khẩu 611.448 tấn dầu dừa sang thị trường toàn cầu; cao hơn 9,8% so với lượng xuất khẩu của cùng kỳ năm trước. Thị trường nhập khẩu chính đối với dầu dừa của Indonesia là Mỹ, Malaysia, Trung Quốc và Hà Lan. Tổng lượng xuất khẩu sang 04 nước này đóng góp hơn 70% trong tổng lượng xuất khẩu.
 

Thị trường nhập khẩu dầu dừa từ Philippines (tháng 01 – 10/2021)
Biểu đồ minh họa. Nguồn: “The Cocommunity, Vol LII No.01, 2022"

 
Sản lượng xuất khẩu dầu dừa từ Indonesia
tháng 01-12/2019 – tháng 01-12/2021
Biểu đồ minh họa. Nguồn: “The Cocommunity, Vol LII No.01, 2022"

 
Khi nền kinh tế toàn cầu đang khôi phục lại thì nhu cầu tiêu thụ dầu lauric đã bắt đầu cải thiện trong năm 2021. Trong giai đoạn từ tháng 01 – 10/2021, lượng nhập khẩu dầu dừa của Mỹ được ghi nhận tăng đáng kể lên đến 771.459 tấn, tăng 62,4% so với lượng nhập khẩu cùng kỳ năm 2020. Tính đến tháng 11/2020, Mỹ đã nhập khẩu 457.126 tấn, tương đương với lượng nhập khẩu trong cùng thời điểm trên của năm 2021. Do đó, tổng lượng nhập khẩu dầu lauric của thị trường Mỹ tăng mạnh lên đến 1,23 triệu tấn, cao hơn 60,5% so với lượng nhập khẩu cùng kỳ năm trước.
 

Sản lượng nhập khẩu dầu lauric của Mỹ (tháng 01-11/2020 và tháng 01-11/2021)
Nguồn: “The Cocommunity, Vol LII No.01, 2022"


Sản lượng nhập khẩu dầu lauric của châu Âu (tháng 01-8/2020 và tháng 0181/2021)

Nguồn: “The Cocommunity, Vol LII No.01, 2022"

 
Việc tăng lượng nhập khẩu dầu dừa cũng được ghi nhận tại thị trường châu Âu. Trong giai đoạn từ tháng 01 – 8/2021, sản lượng nhập khẩu dầu lauric của các nước châu Âu đạt 799.682 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng nhập khẩu dầu cơm cọ tăng nhiều hơn, khoảng 8,8% trong giai đoạn trên. Trong khi đó, lượng nhập khẩu dầu dừa của các nước châu Âu yếu hơn khoảng 1,2% trong giai đoạn từ tháng 01 – 8/2021. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ dầu lauric được dự kiến tiếp tục khôi phục trong năm 2022 do nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục lại và sản lượng sản xuất dầu cũng tăng cao hơn.

Sản lượng dầu dừa trên toàn cầu được dự kiến cải thiện trong năm 2022 do điều kiện thời tiết được dự báo thuận lợi và đại dịch Covid cũng đang dần được kiểm soát, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Sản lượng dầu dừa từ tháng 10/2021 – 9/2022 được dự kiến sẽ đạt 2,95 triệu tấn hoặc tăng khoảng 11,3%. Cùng thời điểm đó, sản lượng dầu cơm cọ được dự kiến tăng lên khoảng 4,5% đạt 8,28 triệu tấn. Vì thế, tổng sản lượng dầu lauric trong năm 2022 dự kiến đạt 11,23 triệu tấn; có nghĩa là tăng khoảng 6,2% so với sản lượng cùng kỳ của năm.

Khi nguồn cung dầu dừa được dự kiến cải thiện thì sản lượng xuất khẩu dầu dừa cũng được dự kiến khôi phục trở lại trong năm tới. Tổ chức Oil World dự báo rằng lượng xuất khẩu dầu dừa từ Philippines trong năm 2022 sẽ đạt 1,05 triệu tấn. Điều này có nghĩa là sản lượng xuất khẩu này cao hơn 22% so với sản lượng xuất khẩu trong năm 2021. Sự tăng lượng xuất khẩu dầu dừa như thế cũng góp phần khôi phục nền kinh tế; đặc biệt tại Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Tương tự, Indonesia cũng được dự báo sẽ có năm xuất khẩu dầu dừa tăng cao hơn trong năm 2022. Dự kiến lượng xuất khẩu dầu dừa từ Indonesia sẽ đạt 640.000 tấn trong năm  tới.

 

Giá dầu dừa và dầu cơm cọ (USD/tấn) tháng 01/2011 – tháng 12/2021
Biểu đồ minh họa. Nguồn: “The Cocommunity, Vol LII No.01, 2022"

 
Giá dầu lauric được dự báo giảm nhẹ do sản lượng dự kiến tăng cao trong quý 1/2022 khi tận dụng được điều kiện thời tiết thuận lợi và tình hình dịch bệnh Covid cũng đang dần được kiểm soát tại các nước sản xuất chính như Indonesia, Malaysia và Philippines. Giá dầu lauric được báo có chiều hướng giảm kể từ tháng 12/2021. Giá dầu dừa đạt mức cao nhất 1.961 USD/tấn trong tháng 11/2021, nhưng sau đó giảm còn 1.696 USD/tấn vào tháng 12/2021. Tương tự, giá dầu cơm cọ đạt đến đỉnh điểm vào tháng 11/2021 là 2.050 USD/tấn và giảm thấp trong tháng 12/2021 1.861 USD/tấn. Điều đáng chú ý là giá dầu dừa lại được dự báo là sẽ tăng cao hơn so với giá dầu cơm cọ cho đến hết tháng 11/2022. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2014, giá dầu dừa thấp hơn giá dầu cơm cọ. Dự kiến năm 2022 sẽ có thay đổi lớn về nhu cầu tiêu thụ dầu lauric, chuyển từ tiêu thụ dầu cơm cọ sang tiêu thụ dầu dừa.
 
                 (Nguồn: TT.KC&XTTM, được dịch từ bản tin “The Cocommunity, Vol LII No.01, 2022)