• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403

Chính phủ ra dự thảo nghị quyết giúp các doanh nghiệp tồn tại, cầm cự, vượt qua khó khăn

(Cập nhật: 27/04/2020)

(vasep.com.vn) Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

 
 

Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết nhằm thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội. Trong thời gian có dịch cần tập trung vào các giải pháp nhằm giảm gánh nặng, giảm chi phí đầu vào, trách nhiệm các khoản phải đóng… nhằm giúp các doanh nghiệp tồn tại, cầm cự, vượt qua khó khăn về tài chính, duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động, nâng cao khả năng chống chịu trong thời gian có dịch và sớm quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi có điều kiện thuận lợi trở lại. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước.

Chính phủ giao Bộ Tài chính các nhiệm vụ sau:

(1) Thực hiện ngay theo thẩm quyền:

- Ban hành Thông tư để miễn, giảm phí, lệ phí như: phí thẩm định cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phí khai thác dữ liệu khí tượng thủy văn, phí cấp phép hoạt động của các tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế dự án đầu tư xây dựng, lệ phí cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng, miễn lệ phí cấp giấy chứng chỉ hành nghề xây dựng cho cá nhân.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan thực hiện việc miễn, giảm phí, nhất là phí cầu đường, phí cảng biển, phí bảo trì đường bộ, giá dịch vụ hàng không (phí bãi đậu, phí cất, hạ cánh, phí điều hành bay, phí an ninh soi chiếu, phí phục vụ mặt đất)…theo quy định.

- Rút ngắn thời gian kiểm soát chi, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; phối hợp với chủ đầu tư kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh về thủ tục thanh toán; đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ theo quy định.

(2) Rà soát, báo cáo Chính phủ phương án xử lý đối với việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí, kinh doanh xăng dầu; gia hạn thời hạn nộp thuế đối với thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt,...

(3) Báo cáo Chính phủ cho ý kiến để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong tháng 4/2020 việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào của các ngành vận tải, đặc biệt nghiên cứu giảm thêm đối với mặt hàng xăng sinh học E5RON92 để khuyến khích sử dụng xăng sinh học; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước; các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2020 nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; miễn, giảm 50% thuế suất VAT (hiện nay là 10%) cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, hàng hóa nguyên vật liệu để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất của các doanh nghiệp; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, nông dân; tạm thời giảm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể để áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020...

(4) Nghiên cứu, báo cáo Chính phủ tăng thời gian gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất lên 1 năm (Nghị định số 41/2020/NĐ-CP là 05 tháng); bổ sung quy định giãn, hoãn nộp thuế khoán cho hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như đối với doanh nghiệp; miễn 100% tiền thu từ lệ phí môn bài năm 2020 cho các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đối với các hộ kinh doanh đã nộp, số tiền đã nộp được khấu trừ vào số lệ phí môn bài phải nộp các năm sau.

(5) Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm kiếm các nguồn lực bổ sung cho ngân sách nhà nước, nhất là các khoản vay từ các tổ chức quốc tế; xây dựng phương án huy động từ các nguồn khác, kể cả từ dự trữ ngoại hối để bổ sung nguồn lực cho NSNN trong các trường hợp cần thiết, cấp bách khác; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất về việc đàm phán để hoãn các nghĩa vụ trả nợ đến hạn của ngân sách nhà nước.

(6) Khẩn trương hoàn thiện thủ tục và bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các Ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

(7) Xem xét báo cáo Chính phủ cho phép chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong thời gian khoảng 5 tháng (đến hết Quý II/2020) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn bổ sung vốn lưu động để thúc đẩy xuất khẩu. Rà soát các biểu thuế xuất nhập khẩu do Chính phủ ban hành để kịp thời điều chỉnh có thời hạn các mức thuế suất đối với một số lĩnh vực như thuế nhập khẩu xăng dầu đối với ngành hàng không. 

(8) Hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP để cho phép xử lý hồi tố đối với các năm 2017, 2018, thời hạn hoàn trả là 5 năm. Bộ Tài chính quản lý chặt chẽ để chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm khi thực hiện xử lý hồi tố theo quy định tại Nghị định này.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(1) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện theo thẩm quyền:

- Miễn, giảm lãi suất, chi phí đối với các khoản vay mới và các khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp khoảng 2%, nhất là đối với các khoản cho vay trước khi xảy ra dịch bệnh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc trả các khoản vay trước dịch Covid-19 do nguồn thu bị giảm mạnh.

- Cung cấp các khoản vay ưu đãi về lãi suất cho: (1) các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn chịu thiệt hại nặng do dịch Covid-19 (doanh thu quý I và quý II/2020 giảm trên 50%, có số lao động đóng bảo hiểm xã hội trên 100 lao động, nộp ngân sách cao), thời hạn vay từ 6-9 tháng thông qua các ngân hàng thương mại; (2) các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với thời hạn vay từ 3-6 tháng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Hướng dẫn Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện việc gia hạn nợ, miễn giảm lãi vay… cho khách hàng là hộ nghèo, đối tượng chính sách gặp khó khăn do dịch bệnh.

(2) Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ, tín dụng đã đề ra theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Hướng dẫn các ngân hàng thương mại, địa phương triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, thực hiện cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay); tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch để phục hồi sản xuất, kinh doanh; đặc biệt đối với người chăn nuôi bị thiệt hại vì bệnh dịch tả lợn châu Phi để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(1) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; đôn đốc phối hợp với các cơ quan trong việc hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

(2) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá tác động của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế và việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; kịp thời báo cáo Chính phủ để trình Bộ Chính trị, Quốc hội trong trường hợp cần thiết.

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương

Cắt giảm chi thường xuyên (giảm 30% kinh phí hội họp, đi công tác trong nước, 50% kinh phí đi công tác nước ngoài) để dành nguồn cho các nhiệm vụ cấp bách khác; tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP để đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; hạn chế tối đa các hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh; cử đầu mối và thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những kiến nghị về diễn biến và các tình huống cấp bách, phát sinh của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp để kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý kịp thời.

Nguồn: Vasep