• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong việc tạo ra hàng hóa, sản phẩm có chất lượng tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới
Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Nguồn QLTM)

Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong việc tạo ra hàng hóa, sản phẩm có chất lượng tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới

(Cập nhật: 13/05/2019)

Trong giai đoạn hội nhập và phát triển, khách hàng không chỉ quan tâm đến giá cả sản phẩm mà còn quan tâm chất lượng, mẫu mã bao bì. Theo quan điểm này, người tiêu dùng xem công nghệ sản xuất sản phẩm là thước đo sự tiến bộ công nghệ của một doanh nghiệp cũng như mang ý nghĩa quyết định chất lượng sản phẩm tương ứng. Nắm bắt yêu cầu này, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã ý thức việc phát triển doanh nghiệp phải đi đôi với cập nhật khoa học công nghệ và cũng đã có nhiều bước tiến trong công cuộc đầu tư công nghệ từ năm 2011 đến nay. Từ một Cơ sở ép dầu Lương Quới được thành lập từ năm 1997, đến nay đã trở thành một trong những công ty sản xuất các sản phẩm từ dừa với các sản phẩm đa dạng, dựa trên nền tảng đổi mới công nghệ gắn liền với việc sản xuất ra các sản phẩm chất lượng.

Cột mốc đáng ghi nhận của doanh nghiệp này trong quá trình phát triển công nghệ là xây dựng dự án “Sản xuất nước cốt dừa đóng lon” từ tháng 10/2011 đến tháng 10/2013. Công nghệ sản xuất này được tiếp thu thông qua quá trình học hỏi công nghệ từ các nước đi đầu về xuất khẩu những sản phẩm từ Dừa như: Thái Lan, Sri Lanka,… Trên xu hướng sản xuất sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao, nhằm tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, công nghệ sản xuất nước cốt dừa đóng lon đã được Quỹ Phát triển Khoa học - Công nghệ tỉnh cho vay 2 tỷ đồng, trong tổng kinh phí thực hiện hơn 92 tỷ đồng. Hiện tại, dây chuyền đã đi vào sản xuất ổn định và sản phẩm cũng đã có mặt tại thị trường trong nước cũng như được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như: Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tiếp nối thành công này, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã mạnh dạn tham gia phối hợp thực hiện đề tài “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt” do Trung tâm Sinh học Thực nghiệm - Bộ Khoa học và Công nghệ làm chủ nhiệm. Đề tài được tiến hành từ 2013 đến 2016 với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Trong quá trình phối hợp, doanh nghiệp đã đóng vai trò vô cùng quan trọng, đưa những nghiên cứu, những thử nghiệm ứng dụng vào thực tế sản xuất công nghiệp để thương mại hóa kết quả khoa học. Sản phẩm dầu dừa tinh khiết của đề tài là dòng sản phẩm dầu dừa cao cấp có giá trị kinh tế vượt trội và đang được thị trường đặc biệt quan tâm. Công nghệ sản xuất dầu dừa không gia nhiệt có hiệu quả trích ly vượt trội và hạn chế tối đa việc thất thoát hoạt tính vốn có trong dầu dừa do quá trình sản xuất. Đây là ưu điểm của công nghệ này so với các công nghệ sản xuất dầu dừa trước đó. Ứng dụng công nghệ và tạo ra sản phẩm mang tính cạnh tranh cao trên thị trường dầu dừa quốc tế, công ty mở rộng thị phần thông qua việc đáp ứng nhu cầu của da dạng phân khúc người tiêu dùng với các dòng sản phẩm dầu dừa đang sản xuất. Kết thúc thời gian thực hiện, ngoài sản phẩm đạt được, đề tài còn được nhận giải ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học - Công nghệ Việt Nam năm 2017, do ban tổ chức giải thưởng Sáng tạo Khoa học - Công nghệ Việt Nam trao tặng. Tất cả các sản phẩm sản xuất của công ty đều được người tiêu dùng Việt Nam tín nhiệm và sử dụng. Doanh thu tiêu thụ tại thị trường Việt Nam trên 100 tỷ đồng/năm cho tất cả các mặt hàng và đang tiếp tục gia tăng, cho thấy sự tín nhiệm về chất lượng hàng hoá của người tiêu dùng đối với sản phẩm mang thương hiệu Vietcoco.

Ngoài ra, doanh nghiệp đã trực tiếp xây dựng và chủ nhiệm dự án “Hoàn thiện công nghệ chế biến và đóng gói Tetra-Pak cho sản phẩm nước dừa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng kinh phí hơn 109 tỷ đồng; trong đó nguồn kinh phí được tài trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia hơn 19 tỷ đồng. Hiện tại, dự án đã được thông qua, ký hợp đồng với thời gian thực hiện từ tháng 12/2017 đến tháng 11/2020.

Dây chuyền chế biến và đóng gói nước dừa này có công suất 4.000 lít/giờ (500mL/hộp, 1.000mL/hộp) với công nghệ UHT tiên tiến nhất hiện nay. Công nghệ này mang ưu điểm vượt trội, tạo ra sản phẩm nước dừa có hương vị gần giống nước dừa tự nhiên đến 95%, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm nước dừa giải khát chất lượng cao. Đặc biệt, đây là công nghệ thân thiện môi trường với các thiết kế hoàn chỉnh từ việc sử dụng nhiên liệu, năng lượng sản xuất lẫn bao bì sử dụng. Công nghệ sản xuất này đã được tính toán sao cho đáp ứng hiệu suất sản xuất, sử dụng hiệu quả nguyên liệu mà còn giảm thiểu các ảnh hưởng đến môi trường. Trên thực tế, thị hiếu người tiêu dùng cũng đang hướng về các sản phẩm tự nhiên với vật liệu bao gói có khả năng tái chế, thân thiện với môi trường. Với bao bì hộp giấy, sản phẩm mới của doanh nghiệp sau khi hoàn thiện sẽ đáp ứng tốt xu hướng thị trường, hứa hẹn sẽ có vị thế cao trên thị trường trong và ngoài nước. Dự kiến doanh thu của công ty khi dây chuyền sản xuất này khi đi vào hoạt động thương mại sẽ đạt hơn 1.000 t đồng/năm, kim ngạch xuất khẩu 40 triệu USD/năm, giải quyết cho hơn 1.000 lao động giản đơn tại nông thôn, 200 lao động có trình độ và tay nghề từ trung cấp trở lên.

Không chỉ là các dự án, đề tài khoa học được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp cũng không ngừng tự nghiên cứu và tìm hiểu công nghệ để liên tục làm mới mình thông qua hàng loạt các sản phẩm mới như: bột dừa, dừa sấy giòn, bơ dừa,… Các hoạt động nghiên cứu chủ yếu được tập trung trên việc tìm hiểu thị trường, các sản phẩm tiềm năng và công nghệ sản xuất. Công nghệ được đầu tư yêu cầu phải tiên tiến nhất nhằm mang sản phẩm ngang tầm với các doanh nghiệp khác trên thị trường. Suốt thời gian phát triển và hội nhập, doanh nghiệp gần như gắn bó với các sáng tạo, đổi mới công nghệ và các nghiên cứu ứng dụng. Các công nghệ luôn được tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư tốt nhất nhằm không chỉ mang lại hiệu quả cao nhất trong sản xuất kinh doanh mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm. Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã góp phần phát triển bền vững ngành dừa trên địa bàn tỉnh nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Trên thực tế, doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong việc phát triển các sản phẩm tiềm năng từ quả dừa: Nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương trong việc triển khai công nghệ cũng như tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp; doanh nghiệp chủ động trong việc đầu tư công nghệ và định hướng sản phẩm tương lai; nguồn nguyên liệu chất lượng cao, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; Nguồn lao động dồi giàu từ nhân sự tri thức đến lực lượng lao động phổ thông, làm giảm gánh nặng của công ty khi công nghệ mới được ứng dụng tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải vượt qua không ít những trở ngại khi đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ: Trên cơ bản, kết quả nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước khi được chuyển giao ứng dụng trên quy mô sản xuất với những thiết bị lớn sẽ có những thay đổi nhất định. Tìm ra quy trình sản xuất công nghiệp có kết quả sản phẩm tương đương với kết quả nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm hay mẻ thử nghiệm nhỏ là vấn đề không phải nhỏ trong việc ứng dụng công nghệ. Mặc khác, doanh nghiệp cần phải giải quyết bài toán về việc cân đối giữa lợi nhuận, giá cả sản phẩm và các chi phí sản xuất, chi phí đầu tư để tránh việc đầu tư không hiệu quả, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như không làm chủ được công nghệ khoa học cần ứng dụng; Thông thường các kết quả khoa học công nghệ về thiết bị dễ được doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao hơn dựa trên tình hình thực tế và định hướng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Các kết quả nghiên cứu về quy trình sản xuất như đề tài: “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt” mà doanh nghiệp đã phối hợp thực hiện đòi hỏi sản phẩm phải có tính ứng dụng tại doanh nghiệp cũng như phụ thuộc điều kiện sản xuất của doanh nghiệp. Trong thực tế để ứng dụng kết quả đề tài này, doanh nghiệp phải tự đầu tư kinh phí bổ sung thêm máy móc thiết bị để có thể hoàn thiện, đưa công nghệ vào sản xuất và thương mại hóa sản phẩm; Các công nghệ, thiết bị sản xuất về dừa hiện nay chủ yếu là nhập khẩu nên chi phí và giá thành đầu tư tương đối lớn.

Để có thể hội nhập và phát triển tốt hơn nữa trong thời gian tới, công ty cũng có các kiến nghị: Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp hoạt động chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp được tiếp cận nguồn vốn từ các Quỹ hỗ trợ; Tăng cường các nghiên cứu khoa học công nghệ trong nước để giảm việc “nhập khẩu” công nghệ, thiết bị đắt đỏ như hiện nay đồng thời làm nhẹ gánh nặng đầu tư cho doanh nghiệp; Đối với các doanh nghiệp nhận triển khai các kết quả khoa học và ứng dụng các quy trình công nghệ cần được sự hỗ trợ nhiều hơn nhằm tạo động lực đầu tư, đưa kết quả khoa học gần hơn với người tiêu dùng. Đây cũng cơ hội để chứng minh các quy trình công nghệ khoa học của Việt Nam mang tính ứng dụng cao và có kiệu quả kinh tế; Quy hoạch vùng nguyên liệu chuyên canh để cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; Cần nghiên cứu, tạo ra các giống cây trồng chất lượng cao, năng suất và khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.  

Nguồn: QLTM-SCT