• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Bài dự thi kể chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020: câu chuyện đêm 30 tết

Bài dự thi kể chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020: câu chuyện đêm 30 tết

(Cập nhật: 27/04/2020)
Tôi tên: Mai Thị Thúy Oanh – Đảng viên, hiện sinh hoạt tại Chi bộ Nhà khách Bến Tre. Thực hiện Kế hoạch số 227/KH-CĐCS ngày 31 tháng 01 năm 2020 Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Văn phòng Tỉnh ủy về việc tổ chức Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tôi xin kể một mẫu chuyện nhỏ được trích trong tập chuyện kể của đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký của Bác. Nội dung câu chuyện là khi Bác đến thăm gia đình nghèo vào đêm ngày 30 Tết.

Sinh thời Bác Hồ kính yêu từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bật là làm sao cho nhân dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Mỗi lần Tết đến, Xuân về, Bác lại nghĩ đến dân, lo sao cho dân có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc. Với Bác, dù công việc vô cùng bận rộn song Người luôn tranh thủ sắp xếp thời gian để đến thăm hỏi, chúc Tết đồng bào, đồng chí. Bác đến với mọi người trong ngày Tết bằng tất cả trái tim yêu thương, bằng tình cảm và sự quan tâm, chia sẻ, động viên chân thành nhất. Tình yêu thương con người của Bác mênh mông như biển cả, sâu thẳm như đại dương. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông, mọi kiếp người”. Lòng yêu thương con người của Bác không chung chung trừu tượng mà gắn bó với những con người cụ thể. Tình yêu thương đó vừa bao la rộng lớn, vừa gần gũi thân thương với từng số phận. Với câu chuyện Bác Hồ đến thăm người nghèo đêm giao thừa năm Nhâm Dần (1962) là một câu chuyện tiêu biểu minh chứng tình yêu thương con người của Bác và đó cũng là lý do mà tôi chọn mẫu chuyện nhỏ này.

Tối 30 Tết năm Nhâm Dần (1962), đường phố mịt mờ trong làn mưa bụi. Trời rét, xe ô-tô đưa Bác đến đầu phố Lý Thái Tổ thì dừng lại. Bác tới thăm gia đình chị Tín. Bác chọn một gia đình có nhiều khó khăn để đến thăm và chúc Tết. Chồng chị Tín mất, để lại 3 đứa con nhỏ. Chị không có công việc ổn định, ai thuê làm việc gì thì làm việc ấy để có tiền mà nuôi con.

Bác bước vào nhà, chị Tín sửng sốt nhìn Bác. Chiếc đòn gánh bổng rơi khỏi vai chị. Chiếc thùng sắt rơi xuống đất kêu loảng xoảng. Mấy cháu nhỏ kêu lên: “Bác! Bác Hồ! Bác Hồ!” rồi chạy lại quanh Bác.

Lúc này chị Tín mới như chợt tỉnh, chị chạy tới ôm choàng lấy Bác rồi bỗng nhiên khóc nức nở. Đôi vai gầy sau làn áo nâu bạc rung lên từng đợt. Bác đứng lặng, hai tay Người nhè nhẹ vuốt lên mái tóc chị Tín. Chờ cho chị bớt xúc động, Bác an ủi:

- Năm mới sắp đến, Bác đến thăm cô, sao cô lại khóc?

Tuy cố nén, nhưng chị Tín vẫn không ngừng thổn thức, chị nói:

 - Có bao giờ … có bao giờ Chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng con…, mà bây giờ mẹ con chúng con lại được thấy Bác ở nhà. Con cảm động quá! Mừng quá… thành ra con khóc.

Bác nhìn chị Tín, nhìn các cháu một cách trìu mến và bảo:

 - Bác không tới thăm những người như mẹ con Cô thì thăm ai?

Người xoa đầu các cháu và cho các cháu kẹo, rồi hỏi chị Tín:

 - Cô hiện nay làm gì?

 - Dạ, cháu làm phu khuân vác ở Văn Điển ạ!

 - Như vậy là làm công nhân chứ! Sao lại gọi là phu?

 - Vâng ạ, cháu trót quen miệng như trước kia.

 - Cô vẫn chưa có công việc ổn định à?

 - Dạ, cháu đã ngoài 30 tuổi, lại kém văn hoá nên tìm việc có nghề nghiệp cũng khó.

Bác quay sang nhìn đồng chí Phó Bí thư Thành uỷ và đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội, Bác lại hỏi:

 - Mẹ con Cô có bị đói không?

 - Thưa Bác, hồi Tây còn ở đây thì dẫu có cả bố cháu cũng vẫn đói ạ! Bây giờ bố cháu mất rồi, nhưng đói thì không ngại, rét cũng không lo, song việc chi tiêu thì còn chắt chiu lắm ạ!

Nói tới đây chị lại rơm rớm nước mắt. Bác chỉ vào cháu lớn nhất và hỏi:

 - Cháu có đi học không?

 - Dạ, cháu đang học lớp bốn ạ! Cháu nó vất vả lắm! Sáng đi học, chiều về phải trông các em và đi bán kem hoặc bán lạc rang để đỡ đần cùng cháu… Còn cháu thứ hai thì học lớp ba, cháu thứ ba thì học lớp hai. Dạ, khó khăn nhưng vợ chồng cháu trước đã dốt nát, nay cũng phải cố cho các cháu đi học.

Bác tỏ ý bằng lòng. Người ân cần dặn dò việc làm ăn và việc học tập cho các cháu. Nhân dân trong ngõ đã tới quây quần trước sân. Bác bước ra thăm hỏi và chúc Tết bà con. Mọi người cùng mẹ con chị Tín theo tiễn Bác ra xe. Khi chiếc xe từ từ lăn bánh, mấy mẹ con chị vẫy chào Bác, nhưng nét mặt chị vẫn bàng hoàng như việc Bác vào thăm Tết nhà chị không rõ là thực hay hư.

Trên đường về Phủ Chủ tịch, mưa xuân vẫn như rắc bụi, vầng trán mênh mông của Người còn đượm những nét suy tư. Sau Tết, Bác đã chỉ thị cho Uỷ ban Hành chính Thành phố Hà Nội phải chú ý tạo công ăn việc làm cho những người lao động gặp nhiều khó khăn như gia đình chị Tín.

Câu chuyện Tết Bác Hồ đến thăm gia đình chị Tín là một trong những câu chuyện thể hiện hành động, một việc làm đời thường cụ thể nhưng chứa đựng một triết lý sống, một nhân cách vĩ đại, tâm hồn cao cả với một tình thương yêu bao la vô tận đối với con người của Bác Hồ. Bác nói :“Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Bác đã đặt chân lên nhiều nước, nhiều nơi trên các châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ và nhiều lần, Bác đã rơi nước mắt khi phải chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, những kiếp sống ngựa trâu của những người nô lệ, những người lao động nghèo khổ.

Câu chuyện Bác đến thăm và chúc Tết gia đình chị Tín thật xúc động, đã xóa đi khoảng cách giữa Bác là Chủ tịch nước với chị Tín – người dân lao động bình thường trong xã hội.

 Là Chủ tịch nước, sứ mệnh của cả dân tộc đang đặt trên đôi vai Bác. Biết bao công việc bộn bề, vậy mà Bác vẫn dành thời gian để đến thăm những gia đình nghèo khổ khi năm cũ sắp qua – xuân mới sắp về.  Đó chính là tình thương yêu con người, là sự chăm lo ân cần của Bác đối với Nhân dân, đặc biệt là những người nghèo khổ, có hoàn cảnh bất hạnh. Chính vì vậy, đức độ của Bác theo năm tháng càng khắc ghi sâu đậm không bao giờ phai nhạt và lung linh toả sáng trong tâm hồn mỗi người Việt Nam.

Và tôi chợt hiểu:

“Vì sao trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh

Như một niềm tin, như dũng khí

Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh”

Hiện nay, tỉnh Bến Tre chúng ta đang ra sức phấn đấu “Bứt phá - Về đích” để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020. Học tập và làm theo lời dạy của Bác, tôi là một đảng viên, là cán bộ công đoàn ra sức phấn đấu góp sức cùng Chi ủy; Ban chấp hành Công đoàn chung tay tham gia thực hiện chương trình chăm lo tết cho người lao động tại đơn vị. Tôi cũng thường xuyên quan tâm nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của anh (chị) em để sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống, động viên cả về mặt tinh thần lẫn vật chất, giúp cho anh (chị) em luôn an tâm tư tưởng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Và tôi mong muốn mọi người dân Bến Tre cùng hưởng ứng thực hiện tốt Chỉ thị số 06 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về việc phát động phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”. Tùy theo sức của mình, chung tay xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển./.

Mai Thị Thúy Oanh - Chi bộ Nhà khách Bến Tre