• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
''Lắng nghe doanh nghiệp để các giải pháp đưa ra gắn với thực tiễn''
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi với báo chí trước thềm cuộc họp Thủ tướng với doanh nghiệp sẽ diễn ra vào ngày 9/5. (Ảnh: Vietnam+)

''Lắng nghe doanh nghiệp để các giải pháp đưa ra gắn với thực tiễn''

(Cập nhật: 08/05/2020)
 
Bộ trưởng Công Thương khẳng định sẽ đi vào giải quyết từng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, câu chuyện khôi phục lại nguồn cung mà Việt Nam tham gia ở các ngành, lĩnh vực như điện tử, dệt may...
 
 
Theo kế hoạch, sáng mai (9/5) sẽ diễn ra Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp nhằm động viên cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đồng thời ghi nhận sự nỗ lực vượt khó, tự lực tự cường của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.

Hội nghị cũng thể hiện sự cam kết đồng hành và chia sẻ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, qua đó lắng nghe, ghi nhận các giải pháp, sáng kiến của doanh nghiệp để tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nắm bắt cơ hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh…

Trao đổi với báo chí ngày 8/5, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng đây là cơ hội để các thành viên Chính phủ lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp. Đây là dịp để các bộ, ngành rà soát và đánh giá lại, định vị vai trò, vị trí và nhiệm vụ của mình trong tổng thể chung, đưa nền kinh tế hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới mang tính toàn diện hơn, đảm bảo hiệu quả chung, tránh lãng phí thất thoát nguồn lực.

Ông khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tập trung lắng nghe doanh nghiệp từ thực tiễn những khó khăn, vướng mắc gặp phải cũng như những cơ hội để phát triển…

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ gặp gỡ doanh nghiệp và trao đổi để cụ thể hóa và nắm bắt nhu cầu, thống nhất quan điểm giữa Bộ Công Thương với các bộ ngành dưới sự điều hành của Chính phủ để đảm bảo rằng những chương trình, kế hoạch, giải pháp của ngành nó gắn được với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong các hoạt động về phát triển kinh tế, cả trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh…

Về các nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng với các Bộ, ngành khác đánh giá lại chính sách, vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp trong sự tồn tại và phát triển, những gói hỗ trợ thông qua kênh ngân hàng, tài chính và an sinh xã hội, cùng các vấn đề đặt ra sau dịch bệnh COVID-19.

Thêm vào đó, với việc kích hoạt đưa nền kinh tế hoạt động trở lại ở trạng thái bình thường mới, phù hợp với năng lực của doanh nghiệp, khôi phục chuỗi cung ứng nguồn cung, điều kiện sản xuất vật chất và kinh doanh gắn với phòng, chống dịch bệnh…

Bộ trưởng Công Thương khẳng định sẽ đi vào giải quyết từng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, câu chuyện khôi phục lại nguồn cung mà Việt Nam tham gia ở các ngành, lĩnh vực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ…và trong ngắn hạn tối đa hoá thị trường nguồn cung, khôi phục lại nguồn cung hiện hữu và có nhu cầu cao, như sản phẩm công nghiệp phụ trợ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, chuyển hướng sang nguồn cung từ Ấn Độ.

Về lâu dài, theo ông Trần Tuấn Anh đó là câu chuyện sàng lọc xác định lĩnh vực ưu tiên, cơ chế chính sách mới thu hút nguồn đầu tư xã hội và FDI, phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp phụ trợ, để chuỗi cung ứng của các ngành, như dệt may, da giày, điện tử… của Việt Nam không còn bị phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung thị trường lớn./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/