• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam  lần thứ VIII năm 2022
Lãnh đạo Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành và Sở Công Thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam chụp hình lưu niệm tại hội nghị. (Nguồn P.QLTM – SCT)

Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VIII năm 2022

(Cập nhật: 20/10/2022)
Nằm trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2022 diễn ra từ ngày 13 đến ngày 19/10/2022, ngày 14/10/2022 Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VIII năm 2022 gồm 2 vùng: vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long với 02 thành phố trực thuộc Trung ương (Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ) và 18 tỉnh (An Giang, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh và Tây Ninh) là sự kiện chính trong chuỗi sự kiện.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ Trưởng Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị cùng với sự tham gia của đại biểu Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh và các tỉnh trong khu vực, Lãnh đạo Cục Cạnh tranh địa phương, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và Lãnh đạo Sở Công Thương trong khu vực. Nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; đề ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện hàng năm; trao đổi về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương và các giải pháp phối hợp triển khai chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ Trưởng Bộ Công Thương đã khẳng định: Các Sở Công Thương trong khu vực đã tạo được mối liên kết để cùng nhau phát triển; cùng thúc đẩy phát triển hoạt động công thương trong khu vực qua việc trao đổi thông tin, học tập, kinh nghiệm lẫn nhau. Phối hợp tổ chức triển khai tốt nhiều Chương trình như: liên kết đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng hàng hóa các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị và các doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn của thành phố Hồ Chí Minh. Xúc tiến, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, thông tin về công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, di dời, việc hình thành và tổ chức hoạt động của các cụm công nghiệp. Tổ chức thành công Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành năm 2021. Nhất là trong bối cảnh năm 2021 - năm khó khăn cho các doanh nghiệp khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong 9 tháng năm 2022, căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, xung đột giữa Nga - Ukraine... tác động trực tiếp đến kinh tế thế giới, phải đối mặt với nhiều thách thức, những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát tăng cao. Ở Việt Nam, việc kiểm soát các loại dịch bệnh, giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí vận tải tăng cao làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…

Kết quả trong năm 2021 và 9 tháng năm 2022, kinh tế khu vực phía Nam phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước; đi đầu trong hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ (mà trọng tâm, hạt nhân là TP. Hồ Chí Minh) là vùng đi đầu phát triển trong một số ngành sản xuất và dịch vụ tiên tiến, là trung tâm công nghiệp, trung tâm dịch vụ về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời là trung tâm chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, trái cây, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước.

Tại hội nghị, các đại biểu tích cực tham luận, thảo luận trên các lĩnh vực. Đồng thời có những kiến nghị đối với Bộ Công Thương, Chính phủ để trong công tác quản lý, triển khai thực hiện, tham mưu ban hành chính sách riêng đảm bảo đúng, đủ và mang tính kịp thời, cụ thể: Lĩnh vực quy hoạch có 02 kiến nghị; lĩnh vực Công nghiệp 38 kiến nghị; lĩnh vực Thương mại 56 kiến nghị; lĩnh vực Năng lượng có 25 kiến nghị và đã được Lãnh đạo Cục Cạnh tranh địa phương, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương giải trình, hướng dẫn và sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các Bộ quan tâm những nội dung có liên quan các Bộ, ngành Trung ương.

Trong 3 tháng cuối năm 2022, để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2022, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021- 2025 và thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương. Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành phía Nam cần bám sát diễn biến, tình hình trong nước và thế giới, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả; cần quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp giữa các địa phương, giữa địa phương với Bộ; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình hành động của Chính phủ và ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn bình thường mới. Bên cạnh đó, phải triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tăng cường tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi để duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Hỗ trợ, tổ chức kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia vào các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và thế giới để mở rộng thị trường, gia tăng tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia, địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định. Trong đó, Vùng Đông Nam bộ tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của cả nước về phát triển công nghiệp, thương mại. Quan tâm, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo… Vùng đồng bằng sông Cửu Long tập trung phát triển trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa. Theo dõi chặt chẽ giá cả hàng hóa trên địa bàn để có các biện pháp bình ổn giá cả, cung cầu, tập trung cho các chương trình kích cầu tiêu dùng, nhất là trong những dịp lễ Noel, Tết sắp tới. Đặc biệt, các địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm tập trung hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hứa hẹn những kết quả đạt được năm 2023 sẽ được báo cáo tại Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ IX, Hội nghị công tác Khuyến công lần thứ XIII các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2023 tại tỉnh Hậu Giang.
Nguồn: P.QLTM – SCT