• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Đưa sản phẩm OCOP đến gần với người tiêu dùng hơn
Sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ của Công ty Hạc giấy Gia Lai được nhiều người tiêu dùng tìm hiểu tại chương trình "Kết nối hàng Việt - OCOP Đà Nẵng 2020"

Đưa sản phẩm OCOP đến gần với người tiêu dùng hơn

(Cập nhật: 19/11/2020)
Các sản phẩm OCOP đang có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết để đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua sự hỗ trợ, kết nối của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương để đưa hàng vào các các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch với chương trình “Kết nối hàng Việt – OCOP”.

 

 


Kết nối để nhiều người tiêu dùng biết đến hơn

Lần đầu đưa sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao xuống TP. Đà Nẵng trưng bày và giới thiệu tại chương trình “Kết nối hàng Việt – OCOP Đà Nẵng 2020”, bà Phạm Thị Thu Cúc – Giám đốc Công ty TNHH Rừng hoa Bạch Cúc (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết: sản phẩm xà lách thủy canh của công ty đã vào chuỗi hệ thống MM Mega Market Vietnam đã được gần 15 năm, nhưng bà vẫn muốn giới thiệu sản phẩm của nông trại đến gần hơn với người tiêu dùng. “Tôi tham gia chương trình vì muốn sản phẩm của mình được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn. Bên cạnh đó, các chương trình kết nối sản phẩm OCOP như thế này giúp các doanh nghiệp, đơn vị nông nghiệp công nghệ cao có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thiết thực”, bà Cúc nói.

Đưa sản phẩm từ Gia Lai xuống giam gia kết nối, ông Đào Duy Hiệp – Giám đốc công ty TNHH MTV Hạc giấy Gia Lai cho hay, đơn vị hiện đang sản xuất các sản phẩm theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Thông qua những chương trình kết nối hàng Việt giúp đơn vị có cơ hội đưa sản phẩm ra khỏi phạm vi tỉnh Gia Lai. “Chúng tôi đang hướng đến mục tiêu đưa hàng vào các chuỗi tiêu thụ nông sản sạch, cửa hàng thực phẩm sạch. Tôi kỳ vọng các chương trình kết nối hàng Việt – OCOP sẽ giúp công ty thực hiện điều đó”, ông Hiệp bày tỏ.

Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: lãnh đạo Bộ đã có những hành động khẩn trương, quyết liệt lồng ghép các nội dung kích thích tiêu dùng nội địa vào các nhiệm vụ thường xuyên của Bộ để phục hồi thương mại sau Covid – 19, chương trình “Kết nối hàng Việt – OCOP” là một trong số đó. Theo bà Nga, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” đến năm 2030. Đây là điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế HTX, doanh nghiệp tư nhân, định hướng sản xuất lẫn tham gia xây dựng sản phẩm; với mục tiêu cho giai đoạn 2019 – 2025 sẽ hỗ trợ, hoàn thiện 26 sản phẩm OCOP, phát triển mới từ 3 – 5 sản phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững.

Cùng với sự hỗ trợ kết nối của Sở Công Thương, Bộ Công Thương thông qua các chương trình “Kết nối hàng Việt – OCOP, sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại của đơn vị - doanh nghiệp sản xuất hợp tác xã… ở các tỉnh thành thời kỳ hậu Covid – 19, giúp các đơn vị tham gia tiếp cận môi trường trực tuyến, tạo kênh tiêu thụ mới để mở rộng hoạt động kinh doanh; tăng cường hoạt động liên kết các vùng miền, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng như chia sẻ các đề xuất, giải pháp kết nối tiêu thụ và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của thành phố.

Nhiều sản phẩm tiềm năng có thể vào siêu thị, chuỗi của hàng bán lẻ

Tại chương trình “Kết nối hàng Việt – OCOP Đà Nẵng 2020” mới diễn ra từ ngày 12 - 14/11 vừa qua, HTX Công nghệ cao Mặt trời Việt đã ký kết hợp tác được với chuỗi siêu thị Minimart tại TP. Đà Nẵng. Ngoài ra, đơn vị còn kết nối thành công với một số đối tác mới là các cửa hàng bán thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, sản phẩm đã kết nối được với siêu thị Big C, MM Mega Market và sẽ tiếp tục xúc tiến trong thời gian tới để tìm cơ hội vào hệ thống siêu thị lớn. “Bên tôi đã gửi mẫu, thư chào hàng để giới thiệu sản phẩm đến siêu thị. Đây là chương trình thực sự hiệu quả với những cơ sở sản xuất, hợp tác xã như Mặt Trời Việt, để sản phẩm có cơ hội lên kệ tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ”, bà Nguyễn Thị Thanh Thư – Giám đốc HTX chia sẻ.

“Thông qua chương trình kết nối hàng Việt – OCOP Đà Nẵng 2020, chúng tôi mong muốn tìm kiếm các doanh nghiệp/ Hợp tác xã/ hộ nông dân có sản phẩm tiêu biểu của vùng miền đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và phù hợp với thị hiếu của khách hàng để đưa vào phân phối tại chuỗi siêu thị của chúng tôi” ông Bruno Jousselin – Tổng Giám đốc điều hành MM Mega Market Vietnam nói và cho rằng, các chương trình kết nối hàng Việt sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân cũng sẽ có cơ hội hợp tác lâu dài, ổn định với MM, đảm bảo nguồn thu nhập và đồng hành cùng sự phát triển bền vững của siêu thị.

Theo đại diện MM, sau chương trình kết nối, MM đã tìm được một số sản phẩm OCOP có triển vọng đưa vào hệ thống. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và xem xét đưa sản phẩm OCOP của Đà Nẵng vào hệ thống nếu đáp ứng các tiêu chuẩn của MM để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn”, đại diện truyền thông MM chia sẻ.

Được biết, hiện MM đã ký 14 biên bản ghi nhớ với các Sở Công Thương trong cả nước để kết nối và phân phối các sản phẩn địa phương tại các trung tâm của MM trên toàn quốc. Trong đó, đang tích cực làm việc với các nhà cung cấp để đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống. Thông qua biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương, MM đã hỗ trợ các đối tác sản phẩm OCOP có cơ hội mang sản phẩm địa phương xuất khẩu sang các thị trường như Singapre, Thái Lan, Đài Loan, Hongkong….

Từ kinh nghiệm của bản thân, bà Thu Cúc cho rằng các đơn vị OCOP, các HTX cung ứng rau muốn tiếp cận và vào hệ thống chuỗi phân phối trước mắt phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất sạch. Và phải tính đến yếu tố ảnh hưởng của thời tiết. “Để trở thành nhà cung cấp cho đơn vị phân phối, bán lẻ chuyên nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất cũng phải chuyên nghiệp. Bao gồm cả việc phải đảm bảo khả năng cung ứng nguồn hàng ổn định, chất lượng”, bà Cúc nói.

Nguồn: congthuong.vn