• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Xây dựng chuỗi giá trị con tôm biển, bài 3: Hướng phát triển bền vững
Phát triển mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn. Ảnh: Cẩm Trúc

Xây dựng chuỗi giá trị con tôm biển, bài 3: Hướng phát triển bền vững

(Cập nhật: 05/09/2019)

Theo đánh giá chung, quy mô sản xuất các nông sản chủ lực của tỉnh còn nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng sản phẩm tôm chưa cao, thiếu tính ổn định nên làm hạn chế sức cạnh tranh của mặt hàng này. Hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chuỗi giá trị con tôm chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy cần cấp bách xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị con tôm giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Tạo đầu ra ổn định

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội, hiện nay, vấn đề tiêu thụ con tôm biển của bà con rất khó khăn, chủ yếu qua thương lái. Trong đó, tỉnh chưa có doanh nghiệp (DN) đủ mạnh để dẫn dắt, xây dựng chuỗi giá trị con tôm. Hiện nay, các ngành đã tham mưu cho tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư nhà máy chế biến tôm khi Khu công nghiệp Phú Thuận (Bình Đại) được đầu tư xong hạ tầng để giải quyết đầu ra cho con tôm. Đồng thời, cũng đang khuyến khích, tạo điều kiện cho Công ty CP, Việt - Úc đầu tư sản xuất con giống. Mục tiêu đến năm 2020, các DN sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cho bà con. Do vậy, để xây dựng, hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị 8 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, trong đó có con tôm biển thì cần tiếp tục củng cố các hoạt động của 3 hợp tác xã (HTX), 1 tổ hợp tác. Xác định điểm mạnh, yếu từng khâu từ sản xuất, thu gom, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để có giải pháp tác động, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi con tôm.

Ông Võ Văn Ê - Giám đốc HTX nuôi tôm thâm canh Vĩnh An (Ba Tri) cho biết: Hiện nay, HTX tiếp cận vốn rất khó khăn, trong khi đó, nghề nuôi tôm cần có nguồn vốn rất lớn. Trung bình, mỗi ao nuôi tôm bà con cần hàng trăm triệu đồng nhưng hiện nay không có vốn nên việc ký hợp đồng cung ứng thức ăn, thuốc rất khó khăn, cần được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Khi thu hoạch, nông dân nuôi tôm sạch bán được sản phẩm phải thông qua thương lái. Khi có nhà máy chế biến, ký hợp đồng tiêu thụ với HTX thì sẽ có đầu ra ổn định, bà con an tâm sản xuất. Từ đầu vào, đầu ra có liên kết từ từ sẽ phát triển theo hướng bền vững hơn chứ không bấp bênh như hiện nay.

Thực tế hiện tại, nhu cầu con giống tôm biển trong tỉnh rất lớn, trên dưới 7 tỷ con/năm, trong khi sản xuất giống thực tế chỉ đáp ứng trên dưới 10%, còn lại 90% đều nhập giống từ nhiều đầu mối khác nhau ở các tỉnh miền Trung. Trong tỉnh có 3 cơ sở tương đối lớn là Công ty CP, Công ty Việt - Úc và Huy Thuận nhưng chỉ có Huy Thuận là sản xuất từ tôm bố mẹ tại Thừa Đức và Bình Thắng, huyện Bình Đại.

Ông Nguyễn Trọng Huy - Giám đốc Công ty thủy sản Huy Thuận cho biết: Năng lực sản xuất các trại giống của công ty theo thiết kế là 1 tỷ con giống/năm, thời hưng thịnh sản xuất bình quân 750 triệu con/năm và hiện nay chỉ sản xuất 350 triệu con/năm. Con giống sản xuất chủ yếu bán cho các hộ nuôi ở  Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú khoảng 300 triệu con, còn 50 triệu con bán ngoài tỉnh.

Đồng bộ các giải pháp

Điều bất cập hiện nay của nghề nuôi tôm là quá nhiều khâu trung gian nên giá thành con tôm rất cao. Đặc biệt, đầu ra con tôm hầu hết đều bán ra ngoài tỉnh qua rất nhiều khâu trung gian trong khi trong tỉnh thì không có nhà máy chế biến tôm. “Để giải quyết bài toán này, tỉnh cần có cơ chế chính sách thu hút đầu tư nhà máy chế biến cùng với việc tổ chức vận động thành lập tổ hợp tác, HTX để tạo mối liên kết, giảm bớt các khâu trung gian, tạo đầu ra ổn định cho con tôm”, ông Nguyễn Trọng Huy đề xuất.

Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại thủy sản Đại Thành Trần Phúc Hậu cho biết: Hiện tại, công ty đang sản xuất chế phẩm sinh học bằng bột bã mía nhằm giúp người nuôi tôm giảm chi phí sản xuất, cải thiện môi trường nuôi. Trong thời gian qua, công ty đã ký hợp đồng với nông dân để nuôi tôm bằng các chế phẩm sinh học với số lượng 20 ao tại huyện Bình Đại để sản xuất tôm sạch. Ngoài chế phẩm sinh học bằng bột bã mía, công ty đang nghiên cứu các sản phẩm khác phòng, trừ bệnh cho tôm với các nguyên liệu từ thiên nhiên như: cây thuốc nam, tỏi, diệp hạ châu, mật ong, rau đắng... để hướng đến hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng chất kháng sinh trong quá trình nuôi tôm. Từ đó, sản phẩm làm ra đảm bảo sạch, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ để bán được giá cao hơn. Tôi nghĩ rằng, đây là hướng đi giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập, sản lượng tôm Bến Tre khá cao, nằm trong tốp các tỉnh có sản lượng cao, nhưng năng lực chế biến còn nhiều hạn chế. Hiện nay, tỉnh nuôi tôm biển với hai đối tượng chính là tôm chân trắng và tôm sú. Trong đó, các huyện ven biển đã hình thành các vùng nuôi tập trung chuyên canh, thâm canh gắn với mô hình quản lý, kiểm soát ngày càng chặt chẽ, phát huy hiệu quả của ban quản lý vùng nuôi. Do việc liên kết sản xuất - tiêu thụ theo hình thức tổ nhóm hợp tác và liên kết chuỗi còn rất hạn chế, thương lái thu mua tôm trực tiếp từ hộ nuôi với nhiều hình thức khác nhau, không thực hiện hợp đồng thu mua và cũng không đầu tư gì cho hộ nuôi. Vì vậy, cần tiếp tục củng cố, nâng chất các tổ hợp tác, HTX đã hình thành để tiến tới xây dựng chuỗi giá trị con tôm đạt hiệu quả cao hơn.

“Quy hoạch chung hiện nay tỷ trọng thủy sản của tỉnh chiếm tới 72%, trong khi đó, nguồn lợi thủy sản còn cơ hội phát triển, nhất là nuôi thâm canh, công nghệ cao, theo hướng xuất khẩu. Do vậy, việc xây dựng chuỗi giá trị phải làm trước mắt và cả lâu dài. Trong đó, thực hiện rất nhiều khâu như quy trình nuôi, kỹ thuật, giống, nguồn nhân lực, nguồn thức ăn, đặc biệt là thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tôm”.

(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập)

Nguồn: Báo Đồng Khởi