• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tận dụng nhiều cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu tôm
Xuất khẩu tôm duy trì đà tăng trưởng tốt

Tận dụng nhiều cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu tôm

(Cập nhật: 27/04/2021)
Đánh giá từ Sở Công Thương nhiều tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay hoạt động xuất khẩu tôm có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh nhất là tại thị trường mà Việt Nam đang thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA). Dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 của cả nước sẽ tiếp tục đà tăng, đạt 4,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2020.


Xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh

Từ đầu năm 2021 đến nay, kim ngạch xuất khẩu tôm tăng so cùng kỳ nhờ tác động từ lợi thế của các FTA mà Việt Nam đã ký kết với nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau vào thị trường châu Âu (EU) từ đầu năm 2021 đến nay đạt 163 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu vào thị trường Canada gần 15%, Australia tăng gần 41%, Thụy Sĩ tăng 568%. Còn tại tỉnh Bạc Liêu, tổng kim ngạch xuất khẩu quý 1/2021 đạt 163 triệu USD, bằng 18% kế hoạch, tăng 8% so cùng kỳ (trong đó, tôm đông lạnh đạt 160 triệu USD, tăng trên 8% so cùng kỳ). Tương tự, một số tỉnh xuất khẩu tôm trọng điểm tại ĐBSCL như Sóc Trăng, Kiên Giang… cũng tăng trưởng khả quan.

Bên cạnh tình hình xuất khẩu có khởi sắc thì giá tôm nguyên liệu đang ở mức khá cao nên người nuôi cũng phấn khởi. Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, hiện nay tôm sú thương phẩm loại 20 con/kg giá 210.000 - 220.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg nuôi ao bạt có giá 103.000 - 113.000 đồng/kg; nuôi ao đất có giá 101.000 - 111.000 đồng/kg.

Nếu như xuất khẩu tôm năm 2020 đạt trên 3,85 tỷ USD, thì dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 sẽ tiếp tục đà tăng đạt 4,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2020. "Ðể đạt mục tiêu này, các DN đã và đang tập trung đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời chủ động nắm bắt cơ hội từ những thay đổi trên thị trường do tác động của dịch bệnh, tận dụng các cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu từ các FTA. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết giữa các đơn vị tham gia chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu. Nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả, giữ vững và phát triển thị trường xuất khẩu. Tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để đưa mặt hàng thủy sản, trong đó có tôm chế biến đi các nước" - ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội DN chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - đánh giá.

Tận dụng cơ hội, lợi thế để tăng trưởng xuất khẩu

Tôm xuất khẩu đang có nhiều cơ hội tăng thị phần tại hầu hết các thị trường khi nguồn cung tôm của nhiều quốc gia trên thế giới đang bị ảnh hưởng vì dịch. Song tại Việt Nam bên cạnh các lợi thế đến từ các FTA song phương và đa phương và lợi thế do việc kiểm soát tốt dịch bệnh bệnh tạo ra tính ổn định trong hoạt động nuôi trồng, chế biến và tăng trưởng xuất khẩu.

Ngoài ra, theo dự báo, quy mô thị trường tôm toàn cầu sẽ tăng lên 64,53 tỷ USD vào năm 2026 (năm 2020 là 48,7 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,8% trong giai đoạn 2021 - 2026. Vì thế để duy trì tăng trưởng xuất khẩu tôm, các DN cần chú trọng quản lý sản xuất và quản lý giống tôm nuôi phù hợp, kiểm soát tốt dịch bệnh và bảo đảm chất lượng con giống cung cấp, tránh rủi ro về khâu sản xuất để ổn định nguồn cung, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tận dụng tốt cơ hội mở rộng thị trường thông qua tăng khả năng cung ứng để bù đắp sản lượng thiếu hụt do các quốc gia cung ứng khác đang chịu tác động tiêu cực do dịch Covid-19 ảnh hưởng sản xuất và chuỗi cung ứng xuất khẩu; tăng năng lực cạnh tranh và thị phần ở các thị trường lớn và chiến lược như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh… Nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tận dụng lợi thế thuế quan cho xuất xứ thuần Việt Nam của sản phẩm tôm nuôi trong các FTA.

Theo ông Nguyễn Văn Đô - Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau, là tỉnh có thế mạnh bậc nhất về xuất khẩu tôm, Cà Mau sẽ tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng bền vững, hỗ trợ các DN chế biến xuất khẩu trong tỉnh tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của tỉnh trong đó có thế mạnh là tôm xuất khẩu. Kế hoạch năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của Cà Mau đạt khoảng hơn 1,1 tỷ USD, trong đó mặt hàng tôm chiếm tới 1,044 triệu USD.

Nguồn: Congthuong.vn