• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Sẽ triển khai truy xuất nguồn gốc thủy sản bằng điện tử
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Sẽ triển khai truy xuất nguồn gốc thủy sản bằng điện tử

(Cập nhật: 12/01/2021)

Nhằm đáp ứng quản lý của nhà nước và yêu cầu của thị trường, Tổng cục Thủy sản đang triển khai phần mềm và thí điểm truy xuất nguồn gốc thủy sản bằng điện tử.

 
 


Truy xuất nguồn gốc thủy sản là yêu cầu bắt buộc

Truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác là một trong những yêu cầu bắt buộc để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản hiện nay là yêu cầu bắt buộc theo nhu cầu của thị trường. Không những các thị trường xuất khẩu mà người tiêu dùng trong nước cũng cần sự minh bạch hóa thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng họ muốn biết được sản phẩm họ đang sử dụng xuất phát từ khâu cung ứng, sản xuất đến khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm như thế nào.

Theo ông Hùng, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, Việt Nam đã triển khai từ khá lâu. Điều này thể hiện từ Luật Thủy sản năm 2003 đã yêu cầu bắt buộc ngư dân phải ghi chép sổ nhật ký khai thác nhằm phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Đến khi triển khai Luật Thủy sản năm 2017, chúng ta cũng đã triển khai việc truy xuất nguồn gốc thủy sản rất quyết liệt và đồng bộ tại các cảng cá chỉ định của 28 tỉnh ven biển của cả nước.

“Hiện chúng ta 57 cảng cá đủ điều kiện xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác. Và chúng ta làm khá tốt từ khâu yêu cầu ngư dân khi chép sổ nhật ký khi khai thác trên biển, cũng như tàu chuyển tải thủy sản phải có báo cáo trong việc chuyển tải thu mua từ các tàu khai thác. Về đến cảng chúng ta có bộ phận kiểm soát tại cảng xác nhận nguồn gốc thủy sản. Đến khi các nậu vựa, doanh nghiệp thu mua chế biến thủy sản, thì Chi cục Thủy sản sẽ chứng nhận sản phẩm thủy sản đó trước khi xuất khẩu hoặc tiêu thụ ra thị trường”, ông Hùng chia sẻ.

Triển khai truy xuất nguồn gốc bằng điện tử

Theo các ngư dân khai thác thủy sản, hiện việc ghi chép nhật ký khai thác thủy sản, hầu hết bà con đều đã quen với quy trình này. Do đó, từng mẻ lưới, vùng đánh bắt, sản lượng khai thác…bà con đều ghi chép đầy đủ.

Tuy nhiên theo các ngư dân, thực tế sản xuất trên biển việc ghi chép bằng giấy tờ khá bất tiện, nhất là khi thời tiết có sóng to, gió lớn. Nhiều lúc việc ghi chép bị sóng đánh nước biển lên tàu làm giấy tờ ghi chép bị ướt, lem hết chữ, về bờ không đọc được. Từ đó khiến việc hoàn thiện hồ sơ cho lô hàng khai thác được gặp nhiều trục trặc.

Liên quan vấn đề trên, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cũng nhìn nhận chúng ta vẫn đang triển khai công tác truy xuất nguồn gốc từ văn bản giấy. Do đó tính chính xác cũng như quy trình trình tự làm sẽ rất mất thời gian và không đảm bảo đủ độ tin cậy. Đặc biệt khi bà con khai thác gặp thời tiết sóng gió sẽ ghi chép khó khăn. Cũng như việc lưu trữ các hồ sơ giấy cũng không thuận tiện.

Vì vậy việc triển khai nhật ký khai thác điện tử, cũng như truy xuất sản phẩm thủy sản trên phương tiện điện tử sẽ cải thiện tính chính xác và thuận tiện trong việc khi chép, vận hành, quản lý hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Để giải quyết vấn đề này, Tổng cục Thủy sản đang triển khai xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử và sẽ triển khai thí điểm một số các địa phương như: Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên.

Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ tập huấn cho bà con ngư dân cũng như hệ thống quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản tại 28 tỉnh. Và, sau thí điểm, dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2023 sẽ triển khai áp dụng phần mềm việc truy xuất nguồn gốc thủy sản trên phạm vi cả nước.

Nguồn: Nongnghiep.vn