• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Ngành thủy sản vượt qua rào cản

Ngành thủy sản vượt qua rào cản

(Cập nhật: 07/01/2020)

Theo Tổng cục Thủy sản, giá trị sản xuất thủy sản năm 2019 tăng 6,25% so với năm 2018...

Theo Tổng cục Thủy sản, giá trị sản xuất thủy sản năm 2019 tăng 6,25% so với năm 2018. Tổng sản lượng các loại đạt khoảng 8,15 triệu tấn, tăng 4,9% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,6 tỷ USD, thấp hơn so với 9 tỷ USD năm 2018. Đây là thông tin tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành thủy sản. 

Ông Phạm Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2019, khó khăn nổi bật nhất là ngành hàng cá tra và tôm đối mặt với nhiều thách thức khi giá nguyên liệu giảm. Trong khi đó, giá nhiên liệu tăng, rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu.

Điểm sáng bức tranh thủy sản

Tuy vậy, lĩnh vực thủy sản vẫn đạt mức tăng trưởng cao, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đều tăng khá, đây là điểm sáng của khu vực nông nghiệp trong năm 2019. Ước tính tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 6,25% so với năm 2018; tổng sản lượng tăng 4,9%. 

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay, từ đầu tháng 3 đến tháng 9/2019 giá tôm giảm do một số nguyên nhân cạnh tranh từ xuất khẩu của Ấn Độ và Ecuador và sản lượng tồn kho từ năm 2018. Trong khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát chất lượng, truy suất nguồn gốc tại biên giới và diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ. 

Trước tình hình đó, Tổng cục Thủy sản đã đánh giá sâu diễn biến thị trường, kịp thời có định hướng sản xuất, tiêu thụ tôm, Đưa ra khuyến cáo người nuôi tôm tuân thủ kỹ thuật, mùa vụ, thực hiện hợp tác liên kết theo chuỗi để gắn sản xuất với thị trường, giảm rủi ro đối với sản phẩm xuất khẩu. Ước cả năm, diện tích nuôi tôm đạt 720 nghìn ha, sản lượng tôm nước lợ bằng 98,3% so với năm ngoái. 

Ngành hàng cá tra cũng đối mặt với nhiều khó khăn, diện tích nuôi ở một số địa phương tăng dẫn đến dư cung, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 3/2019, Ả Rập xê út vẫn đóng cửa nhập thủy sản Việt Nam. Một số đã phát triển mạnh nuôi cá tra, dẫn tới giá nguyên liệu giảm từ cuối tháng 3 đến nay. 

Trước tình hình đó, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các tỉnh triển khai một số giải pháp để duy trì mục tiêu tăng trưởng năm 2019, phối hợp tăng cường kiểm tra điều kiện chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra.

Nỗ lực khắc phục hạn chế, yếu kém

Năm 2019 tiếp tục có sự tăng trưởng tốt về nuôi biển, ước diện tích nuôi 57.000ha, 4,5 triệu m3 lồng sản lượng 470 nghìn tấn. Các đối tượng nuôi khác có giá trị kinh tế như cá nước lạnh, cá rô phi, nhuyễn thể, tôm càng xanh, tôm hùm... tiếp tục phát triển ổn định, góp phần nâng cao sản lượng, giá trị của ngành.

Đề cập đến việc gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản, bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thủy sản) cho hay, Việt Nam nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành thủy sản là điều kiện hết sức quan trọng để phía EC không đưa ra "thẻ đỏ". 

Tuy nhiên hiện nay, việc triển khai thực thi các hệ thống pháp luật về thủy sản tại các địa phương nhìn chung đang hết sức chậm. Ý thức chấp hành của ngư dân đối với các quy định pháp luật về nghề cá còn rất kém. 

Bà Huệ đề xuất một số vấn đề tồn tại cấp bách mà EC đã cảnh báo Việt Nam cần phải triển khai quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Đó là, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (phải hoàn thành trong năm 2020); công tác kiểm soát tàu cá trên biển và tàu cá ra vào cảng. 

Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc hải sản xuất khẩu theo chuỗi ở tất cả các công đoạn từ khai thác trên biển tới chế biến, xuất khẩu cũng là vấn đề mà EC cho biết sẽ tăng cường giám sát, yêu cầu Việt Nam phải khớp nối đồng bộ các giải pháp truy xuất nguồn gốc đối với tất cả thị trường mà Việt Nam xuất khẩu chứ không chỉ riêng thị trường EU.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chỉ rõ, ngành thủy sản vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, hạ tầng cơ sở cảng cá, cơ chế chế biến, điều kiện kho bãi hiện nay còn yếu và chưa được đầu tư tương xứng. Đội tàu cá quá lớn, công nghệ kém, thất thoát sau thu hoạch cao. Nguồn nhân lực cho khai thác và chế biến thủy sản cũng còn thiếu và yếu. Đây sẽ là những điểm nghẽn mà ngành thủy sản sẽ phải tập trung khắc phục, tháo gỡ trong năm 2020. 

Năm tới, ngành thủy sản phải tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung về nuôi trồng thủy sản tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, tập trung vào công tác đăng ký cấp giấy xác nhận cơ sở nuôi tôm nước lợ, cá tra, nuôi lồng bè. Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng thủy sản chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững...

Nguồn: Vneconomy