• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Bến Tre - Ứng dụng khoa học và công nghệ, góp phần phát triển  sản xuất bền vững
Các sản phẩm chế biến từ dừa của tỉnh Bến Tre (Nguồn: TT.KC&XT)

Bến Tre - Ứng dụng khoa học và công nghệ, góp phần phát triển sản xuất bền vững

(Cập nhật: 16/12/2021)
Với xu thế hội nhập như hiện nay, để phát triển sản xuất bền vững, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã ứng dụng khoa học và công nghệ vào mô hình sản xuất nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và phục vaụ nhu cầu thị trường.

Với ưu thế về kinh tế vườn và biển, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều mô hình như: trồng một số sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGap; tạo ra giống cây trồng, vật nuôi mới bằng biện pháp ưu thế lai; đồng bộ về kỹ thuật canh tác, tưới tiêu, thâm canh, phòng trừ dịch bệnh, thay đổi cơ cấu mùa vụ, chế biến bảo quản nông sản, thực phẩm,… đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Điển hình là dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất thương phẩm cây bưởi da xanh, cây cam trên địa bàn tỉnh Bến Tre” được triển khai thực hiện bởi Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực. Đây là mô hình bưởi da xanh trồng theo tiêu chuẩn VietGap với môi trường sản xuất an toàn, sản phẩm không để lại dư lượng thuốc trừ sâu, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng đồng thời cho ra quả bưởi bóng đẹp, bán được giá cao. ​Bên cạnh đó, hình thức chăn nuôi ứng dụng khoa học và công nghệ cũng từng bước phát triển. Dưới sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, nhiều mô hình trình diễn nuôi tôm chân trắng theo hướng công nghệ cao đã được thực hiện tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú với tổng diện tích 168 ha (năm 2020), năng suất bình quân 60 -70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700-800 triệu/vụ nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hay mô hình nuôi gà thả vườn, chăn nuôi vịt và nuôi heo theo hướng an toàn sinh học đã và đang phát triển mạnh trên một số địa bàn trong tỉnh giúp tăng thu nhập đáng kể cho người dân.
 
Một vài mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap của tỉnh Bến Tre
STT Tên người sản xuất Địa chỉ Sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGap Diện tích trồng (m2) Sản lượng
1 Tổ hợp tác trồng Bưởi VietGap Bình Khánh Đông Ấp Phước Hảo, xã Bình Khánh Đông, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre; Bưởi da xanh 52.500 52,5 tấn/năm
2 Tổ hợp tác sản xuất Sầu riêng ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B Ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre Sầu riêng 148.000 119,2 tấn/năm
3 Hợp tác xã nông nghiệp Phú Ngãi Ấp Phú Thuận, xã Phú Ngãi, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre Lúa 110.000 150,0 tấn/năm
4 Tổ hợp tác rau hữu cơ Hữu Nhiên xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre Rau các loại (rau lá, ăn quả rau ăn củ, rau mùi) 7.300 40,0 tấn/năm
5 Tổ hợp tác chăn nuôi gà thịt thả vườn ấp Quí Lợi, xã Hòa Lợi Ấp Quí Lợi, xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre Gà thịt thả vườn 4.700 54.000 con/năm
6 Tổ hợp tác liên kết nuôi heo đa dạng an toàn sinh học An Phước Ấp An Phước, xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre Heo thịt 1.123 1.122 con/năm
Dữ liệu được tổng hợp từ Danh mục các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap của dự án AMD Bến Tre

Đặc biệt, ứng dụng khoa học và công nghệ đã giúp nhiều sản phẩm dừa của Bến Tre tăng giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm lần, đưa vị trí dừa Bến Tre từng bước nâng tầm thế giới. Công nghệ chế biến đổi mới và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến đã giúp đa dạng hoá, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm dừa gấp nhiều lần. Trong thời gian qua, dưới sự đồng hành giúp đỡ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bến Tre, nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ kinh phí trong việc ứng dụng đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương. Mặc dù nguồn kinh phí hỗ trợ không nhiều nhưng cũng giúp ích được doanh nghiệp một phần nào đó. Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến giúp nâng cao giá trị sản phẩm, cụ thể: cơm dừa nạo sấy có giá trị xuất khẩu cao gấp 5 lần so với dừa trái; bột sữa dừa cao gấp 4 lần so với cơm dừa nạo sấy, sữa dừa và cơm dừa cao gấp 2 lần; dầu dừa tinh khiết có giá trị gấp 10 lần so với dầu dừa thô; chỉ xơ dừa cứng, chỉ xơ đơn và đôi, dây thừng từ dừa có giá trị xuất khẩu cao gấp 3 - 4 lần chỉ xơ thô; đặc biệt, nước dừa đóng hộp có giá trị cao gấp 300 lần so với nước dừa tươi truyền thống.

Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, nuôi trồng giúp đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bến Tre đã đặt ra mục tiêu khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập quốc tế, phát triển một cách bền vững.
Nguồn: TT.KC&XT – SCT