• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Xuất khẩu tôm duy trì đà tăng trưởng

Xuất khẩu tôm duy trì đà tăng trưởng

(Cập nhật: 26/05/2020)

Bất chấp những khó khăn do Covid-19, xuất khẩu tôm trong tháng 4 tiếp tục tăng trưởng. Qua đó, duy trì được sự tăng trưởng dương cho xuất khẩu tôm trong 4 tháng đầu năm.


Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm trong tháng 4 đạt 244,2 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2019. Như vậy, trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đã đạt 872,8 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có nhiều điểm nhấn đáng chú ý về xuất khẩu tôm trong tháng 4. Trước hết, thị trường Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại sau 3 tháng đầu năm liên tục tăng trưởng âm do Covid-19. Cụ thể, trong tháng 4, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 39,2 triệu USD, tăng 16,6% so với tháng 4/2019.

Tại thị trường lớn nhất hiện nay là Nhật Bản, sau khi giảm nhẹ trong tháng 3, xuất khẩu tôm trong tháng 4 sang Nhật đã tăng tới 19% và đạt 48,6 triệu USD. Trong 4 tháng qua, giá trị xuất khẩu tôm sang Nhật đạt 180,5 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ 2019.

Thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế, cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, Nhật Bản giảm mạnh nhập khẩu tôm từ Thái Lan, tăng nhập từ Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng và là thị trường lớn duy nhất liên tục tăng trưởng trong cả  4 tháng đầu năm. Trong tháng 4, giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ là 43,2 triệu USD, tăng 14%. Tính chung trong 4 tháng qua, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 158,7 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp tôm Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng sang Mỹ là lượng tôm từ Ấn Độ, Ecuador nhập khẩu vào nước này bị giảm do 2 nguồn cung này đều bị ảnh hưởng lớn bởi Covid-19.

Xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 4, tuy vẫn sụt giảm so với cùng kỳ do Covid-19, nhưng tại 2 thị trường nhập khẩu chính trong khối là Hà Lan và Bỉ, đã tăng trưởng dương trong tháng 4 sau khi bị sụt giảm trong tháng 3.

Việc xuất khẩu tôm vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong tháng 4 là một tín hiệu tích cực báo hiệu ngành tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tháng 5 và những tháng tới, khi mà Covid-19 đã và sẽ được khống chế ở các thị trường quan trọng.

Bằng chứng rõ rệt nhất là tại thị trường Trung Quốc. Nhu cầu nhập khẩu tôm của nước này trong quý 2 được dự báo là sẽ phục hồi khi hàng loạt nhà máy chế biến tôm quay trở lại sản xuất trong bối cảnh nguồn cung tôm nguyên liệu nội địa bị ảnh hưởng không nhỏ vì dịch bệnh.

Theo TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex VN, tồn kho tôm tại các thị trường quan trọng như EU, Mỹ, Nhật Bản hiện không nhiều.

Trong khi đó, các nước nuôi tôm chủ lực đều đang gặp những khó khăn lớn trong sản xuất. Ở Trung Quốc, virus lạ CIV-1 đang tấn công, gây thiệt hại không nhỏ trên nhiều diện tích nuôi tôm. Ấn Độ do kéo dài thời gian phong tỏa nên đã làm gãy đổ chuỗi cung ứng tôm.

Theo dự báo của TS Hồ Quốc Lực, với các yếu tố về thị trường và sản lượng tôm toàn cầu, nhiều khả năng, giá tôm sẽ được duy trì ở mức tốt ngay từ đầu quý 3.

Các nhà máy chế biến tôm ở Ecuador thiếu hụt lao động vì giãn cách xã hội. Ngành tôm ở Thái Lan, Indonesia … cũng ảnh hưởng ít nhiều vì dịch bệnh.

Từ những thực trạng nói trên tại các nước nuôi tôm chủ lực, TS Lực cho rằng, nhiều khả năng, nguồn cung tôm trên toàn cầu trong năm nay sẽ giảm 20%.

Ngoài yếu tố thị trường và sản lượng toàn cầu, một số yếu tố khác cũng được coi là sẽ hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu tôm Việt Nam trong thời gian tới. Chẳng hạn, 31 doanh nghiệp tôm Việt Nam được hưởng thuế chống bán giá là 0% trong kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) do Bộ Thương mại Mỹ công bố hồi tháng 8/2019, sẽ giúp cho tôm Việt Nam cạnh tranh hơn tại thị trường Mỹ.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chuẩn bị có hiệu lực, sẽ giúp tôm Việt Nam cạnh tranh tốt hơn tại EU.

Nguồn: NNVN