• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Thị trường đầy tiềm năng của các quốc gia Hồi giáo
Các mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh đã xuất khẩu ổn định sang nhiều quốc gia trên thế giới. (Nguồn: Baodongkhoi.vn)

Thị trường đầy tiềm năng của các quốc gia Hồi giáo

(Cập nhật: 24/10/2022)

BDK - Khu vực địa lý trải dài từ Trung Đông, châu Phi đến Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á với hơn 50 quốc gia Hồi giáo, giá trị trao đổi thương mại toàn cầu của các quốc gia Hồi giáo có quy mô xấp xỉ 2.000 tỷ USD/năm, các rào cản thương mại không quá khắt khe... Thị trường các quốc gia Hồi giáo được lãnh đạo tỉnh đánh giá là đầy tiềm năng trong tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh.


Thế mạnh của tỉnh

Tại hội nghị “Xúc tiến hàng nông, thủy sản của Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo” được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cho biết: “Bến Tre cung cấp cho thị trường các sản phẩm nước dừa trái tươi, nước dừa đóng lon, sữa dừa, dầu dừa, than hoạt tính, mỹ phẩm, đồ uống và các sản phẩm từ vỏ xơ dừa. Các sản phẩm từ dừa tuân thủ quy trình sản xuất; đã đạt các bộ tiêu chuẩn quốc tế và đã xuất khẩu thành công sang các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt như Mỹ, Úc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.  Nhiều loại cây ăn trái khác như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, xoài, chôm chôm, nhãn… đã được xuất khẩu ổn định sang nhiều quốc gia trên thế giới. Tỉnh cũng nổi tiếng về các loại thủy sản, với sản lượng lớn, năng suất cao như tôm, cá tra, con nghêu...”.

Đại diện các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của tỉnh đã chia sẻ tại hội nghị những khó khăn; đồng thời kiến nghị hỗ trợ DN tỉnh trong việc đưa nông sản thâm nhập vào thị trường các quốc gia Hồi giáo. Chủ tịch Hiệp hội  DN tỉnh Bến Tre Trần Văn Đức - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (BEINCO) chia sẻ: “Chúng tôi xác định các quốc gia Hồi giáo là một thị trường lớn. Tỉnh có truyền thống hợp tác đưa sản phẩm vào thị trường các nước Trung Đông, châu Phi cách đây khoảng 20 năm, đặc biệt là các sản phẩm ngành dừa. Có thời điểm, sản phẩm dừa của tỉnh tiêu thụ ở thị trường các nước Trung Đông, châu Phi lên đến 80% (trong tổng sản lượng)”.

Cũng theo ông Trần Văn Đức, theo thời gian, ngành dừa tại Bến Tre phát triển dần về quy mô, công nghệ, các sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng. Nhờ đó, thị trường xuất khẩu các sản phẩm dừa được mở rộng sang châu Âu, Mỹ song song với thị trường Trung Đông. DN tỉnh đánh giá cao thị trường các quốc gia Hồi giáo, những DN quy mô lớn đang vận hành rất tốt việc đưa hàng hóa vào thị trường này. Tuy nhiên, những DN mới, quy mô vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong hiểu biết về tôn giáo, văn hóa DN, thị hiếu tiêu dùng của người dân các quốc gia Hồi giáo, đặc biệt là về chứng nhận Halal.
 

Khó khăn trong chứng nhận Halal chủ yếu từ 2 nguyên nhân. Một là, hiện có 3 chương trình chứng nhận Halal là: Halal JAKIM, Halal MUI và Halal GCC, mỗi loại chứng nhận chỉ áp dụng ở một vài nước, do đó, DN tại tỉnh phải thực hiện nhiều chứng nhận Halal khác nhau để đưa hàng hóa vào thị trường các quốc gia Hồi giáo. Vì phải xây dựng nhiều chứng nhận, mặt khác, các chứng nhận lại không thống nhất với nhau về các quy trình, quy chuẩn dẫn đến những khó khăn về chi phí cho DN, nhất là DN quy mô vừa và nhỏ. Kế đến, tại Việt Nam có tới 13 tổ chức tham gia cung cấp chứng nhận Halal, khiến cho việc cung cấp các chứng nhận khá phức tạp.

Nhu cầu nhập khẩu

Nói về cơ hội xuất khẩu hàng sang UAE (các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng, trên cơ sở nhận thức thực tế từ thị trường, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE chủ trương xúc tiến thương mại trên tất cả các kênh, trong đó kênh siêu thị là khâu đột phá. Do kênh siêu thị là kênh khó nhất, xúc tiến qua kênh siêu thị chi phí vừa rẻ, lại có tác dụng lớn và xây dựng được hình ảnh Việt Nam một cách nhanh chóng, mở đường cho các kênh phân phối khác phát triển khi thấy hàng Việt Nam được tiêu thụ mạnh.

Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama - người có nhiều năm sinh sống tại Việt Nam và có nhiều tình cảm với tỉnh Bến Tre (đến Bến Tre 3 lần) chia sẻ thông tin: Halal là những cái được phép hưởng thụ, Haram là những cái không được phép hưởng thụ, không phải chỉ đồ ăn, đồ uống mà còn rộng ra ở nhiều yếu tố khác. Halal không phải là vấn đề quá khó khăn mà hoàn toàn có thể tháo gỡ được và nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí như Brazil đã giải quyết được những vấn đề này, trở thành những thị trường xuất khẩu cho các nước Hồi giáo.

Cũng theo ông Saadi Salama, vấn đề kết nối của DN là rất quan trọng, để làm thế nào chúng ta có thể nhìn thấy những sản phẩm quá tuyệt vời của tỉnh Bến Tre có mặt tại Trung Đông. Cần có những cơ chế rõ ràng để giúp đỡ những người làm nông, thủy sản tại Bến Tre thành công trong việc thúc đẩy xúc tiến thương mại; đồng thời, cần xây dựng mối quan hệ dựa trên lòng tin và sự lâu dài. Về thuận lợi, Việt Nam là một quốc gia ngày càng có uy tín lớn trên trường quốc tế và nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng quốc tế, đây là điều thuận lợi cho các DN của tỉnh và tại Việt Nam xuất khẩu sản phẩm.

Đại sứ Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari cho biết: Mỗi năm, trái cây nhiệt đới nhập vào Iran rất nhiều, trị giá khoảng 600 triệu USD, người dân Iran rất ưa chuộng trái cây nhiệt đới. Bến Tre có dừa và khắp Iran đều sử dụng sản phẩm sữa dừa để nấu ăn, giá bán sữa dừa tại Iran rất cao so với giá bán tại nội địa Việt Nam.

 Ông Atul K. Saxena - Chủ tịch các Phòng thương mại và công nghiệp các DN nhập khẩu Ấn Độ cho biết: “Tôi đã ở Việt Nam 30 năm và từng đến thăm Bến Tre, trải nghiệm sản phẩm dừa của tỉnh. Ấn Độ là thị trường đông dân số, có nhu cầu rất lớn về bột dừa phục vụ ngành bánh kẹo, trong đó, một lượng lớn bột dừa là nhập khẩu từ Việt Nam. Chúng tôi có nhiều hội chợ và mong muốn DN Việt Nam tham gia để giới thiệu sản phẩm với các nhà phân phối, bán lẻ, bán sỉ ở Ấn Độ. DN tham gia bằng cách đăng ký với đầu mối là Phòng Thương mại và công nghiệp các DN nhập khẩu Ấn Độ...”. Ấn Độ và Việt Nam hiện đã có đường bay thẳng và Ấn Độ là thị trường có nhu cầu rất lớn về bột dừa.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lâm Thành Hưng Nguyễn Thị Hiền Giang có nhiều năm sinh sống, làm việc và kinh doanh tại Iran) chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi đã đến thăm và tìm hiểu về các thế mạnh, tiềm năng của Bến Tre như sản phẩm cơm dừa, dừa tươi, nuôi trồng thủy sản, thức ăn tôm... đây là những sản phẩm mà Iran đang có nhu cầu. Tôi nghĩ các DN cần mạnh dạn tham gia các hội chợ nông sản lớn tại Iran. Kinh nghiệm nhiều năm của tôi, người Iran rất thích và ưa chuộng các mặt hàng Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn tự tin làm thương hiệu Made in Việt Nam tại Iran và chắc chắn chúng ta sẽ thành công, chỉ có điều chúng ta phải phát huy được phẩm chất cần cù, chịu khó của người Việt Nam để tiếp cận một thị trường có khoảng cách địa lý rất xa Việt Nam như là Iran”.
Nguồn: Baodongkhoi.vn