• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngành Công Thương
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động tại Cung văn hóa lao động Hữu nghị Việt Xô (Nguồn: QLTM)

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngành Công Thương

(Cập nhật: 24/05/2019)

Ngày 21/5/2019, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngành Công Thương.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Trương Thị Ngọc Ánh; Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cùng đại diện lãnh đạo của các Bộ, ngành, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và khoảng 700 đại biểu đại diện cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu của ngành Công Thương thực hiện cuộc vận động.

Trong 10 năm qua, việc triển khai cuộc vận động đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, đảm bảo cân đối cung cầu nhanh chóng và phát triển ngành Công Thương: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ liên tục tăng trưởng, mỗi năm đều có mức tăng trưởng khoảng 10%; Chỉ số giá tiêu dùng giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây; Chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu; Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao; Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, trên 90%; Tốc độ phát triển của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt Nam nhanh; Phát triển mạnh số điểm bán hàng bình ổn thị trường, hiện có khoảng hơn 20.000 điểm bán hàng,....

Bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, quá trình thực hiện Cuộc vận động còn gặp một số khó khăn, tồn tại: Áp lực cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước với hàng hóa nhập ngoại và hàng hóa do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất; Lực lượng quản lý thị trường gặp rất nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng; Hạ tầng thương mại chưa phát triển; Quá trình truyền thông cho Cuộc vận động trên các phương tiện thông tin chưa có sự đồng nhịp; Kết nối cung cầu giữa các chủ thể về sản xuất kinh doanh còn chưa mạnh.

Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả hơn nữa Cuộc vận động cần: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; Tập trung triển khai các nhiệm vụ thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Trình Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, tập trung vào các giải pháp xúc tiến thương mại trong nước, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế; Phát triển đa dạng mạng lưới phân phối, lưu thông theo hướng khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối có khả năng kết nối với doanh nghiệp trong nước; Khuyến khích thành lập, phát triển các hiệp hội bán buôn, bán lẻ tại các vùng, miền, các doanh nghiệp thương mại kinh doanh hàng hóa chuyên ngành tổng hợp, dịch vụ logistics, quản lý và kinh doanh chợ, các doanh nghiệp liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ hàng nông sản - thực phẩm.

Nhân dịp tổng kết này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho đại diện 271 tập thể, 199 cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện cuộc vận động.

Nguồn: QLTM-SCT