• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Hỗ trợ tiêu thụ nông sản của các tỉnh bạn
Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang Nhật.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản của các tỉnh bạn

(Cập nhật: 07/06/2021)

BDK - Tích cực thực hiện các chỉ thị, văn bản của Bộ Công Thương về tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại các địa phương có sản lượng nông sản tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19, các sở, ngành, địa phương các cấp, đoàn thể, doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm hỗ trợ tiêu thụ nông sản của các tỉnh bạn. Cụ thể là vải thiều Bắc Giang và khoai lang Vĩnh Long.


Tiêu thụ khoai lang, vải thiều

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc kêu gọi cả nước quan tâm hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn có sản lượng nông sản lớn trong bối cảnh dịch Covid-19, Hội đã phát động các cấp hội trên địa bàn tỉnh quan tâm tiêu thụ khoai lang của tỉnh Vĩnh Long đang vào vụ thu hoạch rộ. Các chị em rất nhiệt tình hưởng ứng. Bước đầu, Hội giúp tiêu thụ gần 20 tấn khoai lang cho tỉnh bạn. Điển hình là Thành hội TP. Bến Tre, Huyện hội Chợ Lách và cấp xã.

Thực hiện Chỉ thị số 08 của Bộ Công Thương về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, tăng cường hỗ trợ tiêu thụ trái vải và các sản phẩm nông sản khác của các địa phương có sản lượng nông sản lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách) là 1 trong 5 doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều cho Bắc Giang. Đây là đơn vị xuất khẩu lô vải đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. “Bình quân mỗi tuần, công ty xuất khẩu từ 5 -10 tấn vải sang Nhật Bản bằng đường hàng không”, bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu cho biết.

Cũng theo Chỉ thị số 08, Cục Quản lý thị trường tỉnh được Tổng Cục Quản lý thị trường giao chỉ tiêu hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho Bắc Giang, với số lượng phân bổ 40 tấn. Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với các sở, ngành tỉnh tổ chức cuộc họp bàn giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh. Ông La Văn Bé - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, mặc dù việc trước nay quản lý thị trường không có nhiệm vụ mua bán, tiêu thụ hàng hóa, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ 40 tấn vải thiều trên địa bàn tỉnh.

“Khi Cục Quản lý thị trường tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho Bắc Giang, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh sẽ tiếp tục tích cực hưởng ứng, cũng như việc quan tâm tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh”, bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho hay.

Đảm bảo ổn định thị trường

Ông La Văn Bé - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, tình hình cung ứng hàng hóa trên thị trường tỉnh đến thời điểm này phong phú, đa dạng, đảm bảo đủ cung ứng cho người tiêu dùng khi có dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng đã có khảo sát nhiều doanh nghiệp đầu mối thu mua và tiêu thụ nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh. Kết quả tình hình lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định.

Tại cuộc họp với Cục Quản lý thị trường tỉnh vào cuối tuần qua về tình hình tiêu thụ nông sản, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng ùn ứ sản phẩm, hàng hóa. Siêu thị Go Bến Tre trong đợt nhập hàng đầu tiên đã nhập 20 tấn vải thiều Bắc Giang. Co.opmart Bến Tre cũng đang nhập vải thiều và tiêu thụ ít nhất 50kg/ngày. Ngoài ra, các hệ thống cửa hàng tiện lợi cũng có tiêu thụ vải thiều. Khó khăn hiện nay là dịch vụ vận chuyển logictics, kho lạnh. Đã đến lúc cần kêu gọi đầu tư phát triển các dịch vụ trên là cần thiết.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay đã phục hồi về sản lượng, giá cả tuy có giảm nhưng không nhiều. Việc sản xuất rải vụ cũng là điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến không xảy ra tình trạng tồn đọng nông sản tại vườn hoặc tồn kho.

Giá chôm chôm Java thời điểm thấp nhất dao động từ 15 - 17 ngàn đồng/kg. Chôm chôm Thái từ 25 - 30 ngàn đồng/kg. Sầu riêng thời điểm giá thấp từ 35 - 40 ngàn đồng/kg. Bưởi da xanh từ 20 - 35 ngàn đồng/kg. Dừa uống nước từ 80 - 120 ngàn đồng/chục (12 trái).

Giải pháp của ngành là thống kê định kỳ hàng để theo dõi sản lượng, đánh giá tiêu thụ là không có tình trạng tồn hàng. Sắp tới, nếu diễn biến dịch bệnh phức tạp thì khả năng việc tiêu thụ nông sản cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết: “Các giải pháp trước mắt là khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, cung ứng thị trường trong nước, tiêu thụ nội địa, chú ý các chuỗi siêu thị, bán lẻ; tham gia liên kết sản xuất, tăng cường thu mua phục vụ chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỉnh sẽ theo dõi sát diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa để kịp thời có biện pháp điều hành, tháo gỡ”.

Nguồn:  Baodongkhoi.vn


Tin cùng loại