• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Đoàn công tác Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cùng Trường Đại học Kỹ thuật và Thiết kế Singapore làm việc tại huyện Thạnh Phú về tình hình biến đổi khí hậu
Ảnh: Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trúc Sơn góp ý cho các ý tưởng

Đoàn công tác Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cùng Trường Đại học Kỹ thuật và Thiết kế Singapore làm việc tại huyện Thạnh Phú về tình hình biến đổi khí hậu

(Cập nhật: 20/03/2019)

Ngày 14.3.2019, tại Khu vui chơi giải trí phức hợp Cửu Long, Thị trấn Thạnh Phú; Đoàn công tác của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cùng với Trường Đại học Kỹ thuật và Thiết kế Singapore đã có buổi làm việc với Lãnh đạo huyện Thạnh Phú và một số ngành huyện về tình hình biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Trúc Sơn – Tỉnh Uỷ viên, Bí thư Huyện ủy đã tiếp Đoàn. 

Tại buổi làm việc, đại biểu đã nghe thuyết trình về các ý tưởng do các nhóm sinh viên 02 trường cùng nhau nghiên cứu, khảo sát tại xã Thạnh Hải để lãnh đạo huyện, xã, các ngành góp ý nhằm hoàn thiện các ý tưởng. Các ý tưởng đưa ra xoay quanh những giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, chống sạt lở đất bờ biển. Cụ thể là mô hình trữ nước ngọt để uống; biện pháp khử mặn nguồn nước; việc biến những thách thức của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn thành cơ hội; đưa ra giống cây trồng mà địa phương có thể áp dụng; các biện pháp giúp địa phương thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trong  phát triển du lịch bằng cách tạo ra nhiều điểm mới, điểm nhấn. Những giải pháp giúp cho đời sống người dân được tốt hơn.

Ảnh: các nhóm sinh viên trình bày ý tưởng tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã gợi ý cho địa phương về việc sử dụng đê chắn sóng dạng nổi để chống sạt lở bờ biển, ưu điểm là không cần chi phí đầu tư nhiều mà chính quyền địa phương và người dân có thể làm được với vật liệu làm từ bánh xe, chai nhựa, các vật liệu nhựa,...

Ông Nguyễn Trúc Sơn – Bí thư Huyện ủy cảm ơn Đoàn trong thời gian ngắn đã đến địa phương khảo sát và đưa ra các ý tưởng; các nhóm đã tìm hiểu và phát hiện ra những vấn đề rất hay nhưng cần quan tâm thêm phương pháp, cách làm và chi phí phù hợp hơn với địa bàn huyện, xã; nếu có ý muốn tiếp tục thực hiện những dự án thì địa phương sẳn sàng hỗ trợ và cung cấp thêm những thông tin cần thiết. Nhất là những vấn đề về biến đổi khí hậu, tạo sinh kế để tăng thu nhập cho người dân. Các mô hình sinh kế, việc thu hút đầu tư, phát triển du lịch,… mà nhóm nghiên cứu đưa ra cơ bản phù hợp với địa phương. Về việc sử dụng kè dạng nổi địa phương có thể xem xét, hiện ở Thạnh Hải đang áp dụng kè cứng bằng xi măng, kè mềm bằng cát để chắn sóng,…

Trước đó, ngày 13.3.2019, tại xã Thạnh Hải, Đoàn đã gặp gỡ với Lãnh đạo xã và nghe chia sẻ về tình hình biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, những thách thức mà địa phương mong muốn giải quyết. Đồng thời, trao đổi về nhiều vấn đề mà Đoàn quan tâm, nhất là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương, tình hình sạt lở, xâm nhập mặn, việc thích ứng của người dân cũng như phát triển giống cây trồng, vật nuôi thích hợp với biến đổi khí hậu; chính sách hỗ trợ đối với những hộ dân bị thiệt hại do sạt lở; việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu;...

Ảnh: Đoàn khảo sát tại biển Cồn Bửng, xã Thạnh Hải.

Ngoài ra, Đoàn đã khảo sát về tình hình sạt lở tại Khu du lịch Cồn Bửng, xã Thạnh Hải; trao đổi với một vài hộ kinh doanh tại Khu du lịch về việc xây dựng bờ kè chống sạt lở và tìm hiểu về tình hình sản xuất nông sản của hộ dân ở địa phương.

Được biết, xã Thạnh Hải có chiều dài bờ biển hơn 18km, hàng năm vào mùa gió chướng khoảng từ tháng 11 đến tháng 02 thì kèm theo sóng to, thủy triều dâng gây sạt lở nghiêm trọng đến nhà ở, đất nuôi trồng thủy sản, hoa màu của nhân dân. Tính từ năm 2014 đến nay đã sạt lở 140 ha, trung bình hàng năm từ 28 đến 30ha, xã phải hỗ trợ di dời 15 hộ dân./.

Nguồn: Văn Minh (CTV)