• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19
rước tác động của dịch bệnh Covid-19, các địa phương ở ĐBSCL nỗ lực kết nối, đẩy mạnh việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản. (Nguồn: thanhtra.com.vn)

Đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19

(Cập nhật: 01/10/2021)

(Thanh tra) - Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản ở các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Các địa phương đã nỗ lực tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

 


Tiêu thụ nông sản gặp khó

Trong thời gian qua, việc thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản tại các địa phương ở ĐBSCL, làm đứt gãy và thay đổi chuỗi cung ứng hàng hóa. Mặc dù việc tiêu thụ có phần cải thiện thông qua các kênh hỗ trợ nhưng một số nông sản, thủy sản vào vụ thu hoạch việc tiêu thụ vẫn rất chậm.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh hiện còn tồn khoảng 6.000 tấn thủy sản. Lượng hàng tồn chủ yếu do doanh nghiệp chế biến ngưng hoạt động hoặc người dân chờ giá lên. Trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc giúp người dân tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ của Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các bộ, ngành, tỉnh đã kết nối cung ứng hàng hóa, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm.

Tại Đồng Tháp, tổ công tác hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ và lưu thông vật liệu trong tình hình dịch Covid-19 tỉnh đã tiến hành rà soát tình hình nông sản tồn đọng, chưa tiêu thụ trên địa bàn, đồng thời giới thiệu với các nhà phân phối, đơn vị thu mua đối với các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn cần tiêu thụ.

Từ ngày 13/8 đến nay, tổ công tác đã hỗ trợ đăng 35 thông tin bán và tiêu thụ gần 4.000 tấn nông sản của các hộ nông dân trong tỉnh thông qua tổ công tác của Bộ NN&PTNT trên trang htx.cooplink.com.vn, để kết nối với các đơn vị cần thu mua. Có 22 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác và 6 hội quán tham gia kết nối tiêu thụ.

Ngoài ra, đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng combo nông sản cho người dân ở TP Hồ Chí Minh. Hội Nông dân tỉnh đã lập danh sách các gói combo nông sản (cam, khoai môn, chanh, ổi, xoài, mật ong, sả, gừng…) có nhu cầu kết nối tiêu thụ với nhà phân phối ở TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến nay, tất cả các địa phương trong tỉnh đã thành lập tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Các tổ này đã hỗ trợ nông dân, hội quán, tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu thụ nông sản. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, thu hoạch của thương lái, doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng sản lượng nông sản, trái cây trên địa bàn đã tiêu thụ đạt hơn 17.300 tấn và hơn 7.700 tấn thuỷ sản.

Theo Sở Công thương tỉnh Bến Tre, công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn thời gian qua gặp một số khó khăn. Các thương lái thu mua hàng nông sản đã ngưng hoặc thu mua hạn chế do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Mặc dù UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đã có hướng dẫn về việc thu hoạch, thu gom, lưu thông vận chuyển hàng hóa, tuy nhiên các thương lái thu mua nông sản vẫn gặp khó khăn trong việc vận chuyển và di chuyển.

Từ ngày 20/7 đến ngày 6/9/2021, sản lượng tiêu thụ trái cây các loại (cam, bưởi, chôm chôm, mít...) tại Bến Tre đạt khoảng 4.433 tấn; dừa uống nước (5,618 triệu trái) và dừa công nghiệp (14,333 triệu trái); rau ăn lá các loại 262 tấn; rau lấy quả các loại 218 tấn, các loại rau lấy củ khoảng 425 tấn; dưa hấu tiêu thụ 1.570 tấn...

Tăng cường liên kết vùng

Nhằm chủ động ứng phó, hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản với từng điều kiện cụ thể của dịch bệnh. Một số địa phương đã thành lập tổ hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, tổng sản lượng nông sản, trái cây còn lại cần hỗ trợ tiêu thụ tính đến cuối tháng 9/2021 là hơn 5.200 tấn và gần 27.800 tấn thuỷ sản. Trong đó, sản lượng cá tra tồn đọng gần 23.000 tấn, chủ yếu ở các huyện Lai Vung, Tân Hồng, Tháp Mười và TP Hồng Ngự.

Trong thời gian tới, tổ công tác hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ và lưu thông vật liệu tiếp tục phối hợp với Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel cung cấp các gói combo nông, thủy sản (khoai lang, khoai môn, ấu, bắp) cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, theo dõi kết nối tiêu thụ nông, thuỷ sản với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, cơ quan trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn, đơn vị quản lý các chợ hạng I, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, để chủ động ứng phó, hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến tiêu thụ nông sản, tăng cường công tác liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương làm đầu mối tham mưu triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên địa bàn được thuận lợi, phù hợp với diễn biến, tình hình dịch Covid-19.

Sở Công thương cũng được giao trao đổi, thống nhất với các đơn vị thu mua nông sản; tổ chức quảng bá, chương trình kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu; tập trung xúc tiến thương mại cho tiêu thụ, chào bán sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số…

Tại Tọa đàm “Kết nối cung - cầu nông, thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh” diễn ra mới đây, nhiều ý kiến đại biểu tham gia cho rằng, để sớm khôi phục sản xuất thì các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần có một cách làm mới, tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có sự thống nhất quan điểm liên kết giữa các địa phương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp từ tỉnh này có thể di chuyển qua tỉnh khác thu hoạch nông sản...

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ hàng hoá thông qua các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đa dạng hình thức phân phối. Trong đó, sẽ đưa vào vận hành sàn giao dịch để tạo thêm kênh xúc tiến, bán hàng cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Nguồn: Thanhtra.com.vn