• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Công tác ngăn chặn và phòng chống dịch tả lợn Châu Phi và bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Ảnh: Một trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh (nguồn: XTTM-SCT)

Công tác ngăn chặn và phòng chống dịch tả lợn Châu Phi và bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Bến Tre

(Cập nhật: 17/10/2019)

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi và bệnh Cúm gia cầm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tính đến ngày 20 tháng 9 năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát sinh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh trên quy mô 9/9 huyện, thành phố, 62 xã, phường, thị trấn và 129 ấp, đã tiêu hủy khoảng 2,37% tổng đàn heo; bệnh Cúm gia cầm đã xảy ra 01 ổ dịch và tiêu hủy hơn 1.000 con. 

Trước tình hình trên, ngày 20/9 vừa qua Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và bệnh Cúm gia cầm do ông Nguyễn Hữu Lập – Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Theo đó, để ngăn chặn, khống chế, chấm dứt dịch bệnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như sau:

Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, đoàn thể và nhân dân trong việc thực hiện các nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo khác về việc phòng chống, khống chế và chấm dứt bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và bệnh Cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân trong phòng chống dịch bệnh, không tái đàn trong thời điểm hiện nay.

Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển (NN&PTNT) nông thôn chủ trì phối hợp với các ngành địa phương có liên quan thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong công tác phát hiện và xử lý nhanh triệt để các ổ dịch bệnh, vận động người dân, theo dõi chặt chẽ, tham mưu và đề xuất kịp thời tình hình dịch bệnh với các huyện, thành phố; Chỉ đạo hệ thống thú y phối hợp với chính quyền địa phương tập trung nhân lực chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm đàn heo trong, ngoài vùng dịch, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con chăn nuôi xuất chuồng; tránh tình trạng thương lái lợi dụng giấy xét nghiệm, giấy tiêm phòng để ép giá người chăn nuôi; Khẩn trương xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên phạm vi toàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ các trang trại đủ điều kiện và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học; Phối hợp với địa phương kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn, có giải pháp cơ cấu lại ngành chăn nuôi; Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho việc giám sát, điều tra ổ dịch, hỗ trợ hướng dẫn địa phương xử lý ổ dịch theo các văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT  và các quy định có liên quan.

Ngoài ra, Phó chủ tịch còn giao cho một số Sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố, Mặt trận Tổ quốc một số nhiệm vụ nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống Dịch tả lợn và bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, để thực hiện tốt việc này người dân trong tỉnh đặc biệt là các hộ chăn nuôi cần lưu ý:

Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi (theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học do Sở NN&PTNT cung cấp) để phòng chống dịch bệnh, không tái đàn trong thời điểm hiện nay (chỉ tái đàn heo ở những cơ sở chăn nuôi đảm bảo thực hiện an toàn sinh học, những vùng không có dịch bệnh,…)

Khi phát hiện heo hay gà bị nhiễm bệnh cần phải khai báo ngay cho chính quyền để có công tác chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu cần thiết và biện pháp phù hợp với yêu cầu chống dịch, không tự ý xử lý không đảm bảo yêu cầu chống dịch (tránh trường hợp vứt xác ra môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh; bán tháo đàn heo, gia cầm bị bệnh)./.

Nguồn (tin, ảnh): XTTM-SCT