• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Bến Tre triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm giai đoạn 2021-2030
Tiến sĩ. Phí thị Hồng Linh - Chủ nhiệm chính đề án trình bày tại Hội nghị phản biện, góp ý dự thảo Đề án phát triển kinh tế ban đêm

Bến Tre triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm giai đoạn 2021-2030

(Cập nhật: 08/02/2023)
Kinh tế ban đêm (KTBĐ) đang dần trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế mới thông qua thúc đẩy phát triển nhiều ngành nghề kinh doanh cả truyền thống và phi truyền thống, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, đóng góp vào ngân sách nhà nước... Kinh tế ban đêm giúp gia tăng hoạt động kinh tế nhờ tận dụng tối đa thời gian, nâng cao hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất, phát huy giá trị văn hóa và đặc biệt kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.

Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thống nhất chủ trương Sở Công Thương thuê đơn vị tư vấn xây dựng Đề án, Sở đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Kinh tế Miền Nam xây dựng Đề cương đề án và phối hợp Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Đồng Tiến xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030. Qua các lần họp góp ý của Hội đồng tư vấn, hội thảo phản biện, góp ý của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và ý kiến hội đồng thẩm định do UBND tỉnh thành lập. Ngày 30/12/2022, Đề án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3051/QĐ-UBND. 

Phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với tiềm năng, điều kiện của tỉnh, theo hướng hiệu quả và bền vững dựa trên cơ sở kết hợp các hoạt động KTBĐ hiện đại với tận dụng và phát huy tối đa thuần phong mỹ tục, văn hoá đặc sắc của Bến Tre, nhằm kéo dài thời gian hoạt động KTBĐ của người dân địa phương và thu hút khách du lịch từ đó tạo động lực mới cho phát triển kinh tế Bến Tre và phù hợp với xu hướng phát triển chung của cả nước.
Mục tiêu cụ thể chia làm 02 giai đoạn:

- Giai đoạn 2021-2025: Hình thành ít nhất 2 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm. Phát triển ít nhất 2-3 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương. Hình thành ít nhất 3 tour, tuyến du lịch đặc sắc kết hợp kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 2-3 ngày. Hoạt động KTBĐ tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 05-6%.

- Đến năm 2030: Hình thành ít nhất 4 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm. Phát triển ít nhất 5-6 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương. Hình thành ít nhất 5 tour, tuyến du lịch đặc sắc kết hợp kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 2-3 ngày. Hoạt động KTBĐ tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 07-8% trở lên.

Các nhóm giải pháp được đề xuất để triển khai thực hiện nội dung phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế ban đêm (Hoạt động văn hóa - vui chơi giải trí, Dịch vụ ăn uống, Dịch vụ mua sắm, Dịch vụ du lịch), cụ thể 08 nhóm giải pháp sau:

- Thứ nhất, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về phát triển kinh tế ban đêm: Tạo sự đồng thuận và khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động KTBĐ. Truyền thông qua báo, đài, truyền hình, qua các tổ chức xã hội, tại cơ sở, phường - xã, các tổ dân phố, các hiệp hội. Giáo dục và trang bị kiến thức cho các cơ sở kinh doanh tham gia phải đảm bảo tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường, chú trọng việc liên kết với cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh trật tự.

- Thứ hai, quy hoạch các khu vực, địa bàn tập trung phát triển kinh tế ban đêm: Lồng ghép nội dung phát triển KTBĐ phù hợp với nội dung quy hoạch tỉnh, trong đó, cần bố trí các khu vực, địa bàn, tuyến được tập trung phát triển, các khu vực trung tâm và vệ tinh, các loại hình dịch vụ chủ yếu. Gắn với phát triển đô thị, dịch vụ du lịch gồm: cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông...) và gắn liền với các hoạt động dịch vụ, ăn uống, mua sắm; đảm bảo an ninh, an toàn đô thị, đảm bảo nguồn điện, nước, hệ thống thu gom, xử lý chất thải.  

- Thứ ba, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế ban đêm: Hạ tầng thương mại, du lịch, giao thông và hạ tầng khác (hệ thống chiếu sáng; các quảng trường, sân khấu trong nhà và ngoài trời, hệ thống internet wifi miễn phí).

- Thứ tư, phát triển các lĩnh vực dịch vụ kinh tế ban đêm:  Dịch vụ du lịch, dịch vụ tài chính, dịch vụ vận chuyển, các dịch vụ thiết yếu để phục vụ phát triển kinh tế ban đêm.

- Thứ năm, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế ban đêm: Các quy định về khu vực hoạt động, sản phẩm ưu tiên phát triển; hỗ trợ, kêu gọi đầu tư cho kinh tế đêm (phí đầu tư, thuê mặt bằng của hộ kinh doanh, giảm giá vé xem biểu diễn nghệ thuật của du khách...). Miễn, giảm tiền thuê đất, hoặc tạo điều kiện để doanh nghiệp có đất thực hiện cung cấp các dịch vụ về đêm. Các phương án để xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn của du khách.
 
- Thứ sáu, Tăng cường xúc tiến, quảng bá và liên kết hợp tác phát triển kinh tế ban đêm: Đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch đêm dựa trên yếu tố văn hóa bản địa. Tăng cường hỗ trợ kết nối, liên kết với các công ty du lịch và các đơn vị cung cấp dịch vụ ban đêm để xây dựng tuyến điểm phù hợp. Huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong việc cung cấp và hỗ trợ dịch vụ kinh tế ban đêm. Xã hội hóa một số dịch vụ: nhà vệ sinh công cộng, dịch vụ thu gom rác tại các điểm tập trung, dịch vụ xe buýt theo yêu cầu…

- Thứ bảy, Phát triển nguồn nhân lực cho việc phát triển kinh tế ban đêm: Có chính sách bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đãi ngộ trí thức, trọng dụng nhân tài, những nghệ nhân về công tác, làm việc lâu dài và tập trung đào tạo lực lượng có những kỹ năng đặc thù: nghiệp vụ về nhà hàng, khách sạn, lễ tân, chế biến món ăn, pha chế thức uống, trình diễn ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật đường phố… Kêu gọi các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp tăng cường tư vấn học nghề và việc làm đồng thời vận động người dân trong độ tuổi lao động tham gia học nghề.

- Thứ tám, Bảo vệ trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống tác hại của rượu bia.

Đồng thời, cùng với tám nhóm giải pháp là phát huy vai trò quản lý nhà nước, cụ thể: Phát triển KTBĐ phải triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở; phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền; đề xuất và triển khai mô hình quản lý hoạt động KTBĐ phù hợp với lợi thế, điều kiện của từng địa phương, khu vực. Thành lập ban quản lý để xác định tầm nhìn, chỉ đạo và quản lý hoạt động KTBĐ. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong quản lý, kiểm tra, giám sát phát triển KTBĐ đối với các vấn đề như: văn hóa - nghệ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, hạ tầng (giao thông, điện, nước, xử lý chất thải), an ninh - an toàn, du lịch, bán lẻ... Tăng cường năng lực thông tin, thống kê thường kỳ và tổng hợp số liệu, dữ liệu về các hoạt động KTBĐ, đảm bảo chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý và cơ quan nghiên cứu để làm cơ sở tăng cường hiệu lực quản lý, hoạch định và điều chỉnh chính sách phát triển KTBĐ phù hợp. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và người dân để nắm bắt nhu cầu, các vấn đề ở cơ sở đối với kinh tế ban đêm, từ đó có định hướng tháo gỡ, hoặc kiến nghị điều chỉnh, xây dựng các định hướng, chiến lược phát triển KTBĐ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tại Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 3051/QĐ-UBND, Ủy ban nhân dân tỉnh giao các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện quán triệt, tuân thủ và thể hiện đầy đủ, nhất quán các mục tiêu, quan điểm và các giải pháp của Đề án. Lồng ghép các nội dung về phát triển KTBĐ vào các Chương trình, kế hoạch phát triển của ngành và địa phương. Rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách/khung khổ pháp lý để tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ phát triển KTBĐ đối với hoạt động có liên quan tới ngành, lĩnh vực và địa phương.     
Tin, ảnh: Mai – QLTM