• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa tỉnh Bến Tre
Sản phẩm đạt giải trong Hội thi Sáng tạo ngành dừa năm 2019 - Nguồn: P.KHTC

Ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa tỉnh Bến Tre

(Cập nhật: 21/11/2019)

Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất cả nước, đến năm 2018, diện tích dừa đạt trên 72 ha, sản lượng trên 600 triệu trái; diện tích dừa Bến Tre chiếm 42,4% tổng diện tích dừa cả nước; 0,6% diện tích dừa thế giới. Tuy nhiên, Bến Tre có các giống dừa đa dạng với chất lượng tốt, năng suất dừa Bến Tre cao nên sản lượng chiếm 47,12% sản lượng cả nước, 0,9% sản lượng dừa thế giới.

Từ nguyên liệu của cây dừa, Bến Tre hiện nay đã sản xuất được nhiều loại sản phẩm. Phần lớn các sản phẩm của ngành chế biến dừa có giá trị gia tăng cao như: cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, sữa dừa đóng lon, than hoạt tính, dầu dừa tinh khiết..., đã tận dụng tất cả những phụ phẩm từ cây dừa để sản xuất, chế biến các sản phẩm xuất khẩu, góp phần làm tăng giá trị cho cây dừa.

Những năm gần đây, các DN chế biến dừa luôn có sự cải tiến nâng công suất, đầu tư mới, quy mô doanh nghiệp ngày càng lớn. Toàn tỉnh có gần 2.000 doanh nghiệp, cơ sở chế biến dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau và các DN đã ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao chuỗi giá trị cây dừa của tỉnh.

1. Chế biến vỏ: Vỏ dừa qua chế biến sẽ tạo ra nhiều sản phẩm như chỉ xơ dừa, lưới, thảm, nệm xơ dừa,…và các DN sản xuất chỉ xơ dừa đang ứng dụng thiết bị sấy chỉ xơ dừa liên hoàn, máy sản xuất dây thừng chỉ xơ dừa không nối tự động. Hoặc ứng dụng dây chuyền sản xuất mụn dừa ép viên 20mm, năng suất 400 kg/h, đã tận dụng được nguồn nguyên liệu tại địa phương, tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao; nâng cấp, phát triển mạnh các sản phẩm từ phế phụ phẩm như: đất sạch dinh dưỡng, phân bón hữu cơ từ mụn dừa, than cám.

2. Chế biến gáo dừa: Các sản phẩm chế biến từ gáo dừa đã được chú trọng, nhất là tận dụng và phát triển các sản phẩm mới từ phế phụ phẩm bị thải bỏ như mụn than trở thành nguyên liệu để sản xuất sản phẩm than cám; chế tạo và ứng dụng các dòng máy chạm gáo dừa, máy tiện gỗ dừa công nghệ tự động hóa (CNC), máy khắc lager, máy in 3D phục vụ hoạt động sản xuất TCMN từ gỗ dừa và gáo dừa.

3. Chế biến cơm dừa: Từ cơm dừa tươi qua chế biến tạo ra các sản phẩm có giá trị cao như cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa, dầu dừa, nước cốt dừa,….và sản phẩm cơm dừa sau khi đã vắt hết nước cốt được chế biến đã trở thành bánh dừa thơm ngon, ít béo và giàu dinh dưỡng nhờ ứng dụng công nghệ chế biến thực phẩm.

4. Chế biến nước dừa: Các DN đang ứng dụng công nghệ enzym để sản xuất thạch dừa, cải thiện chất lượng thạch dừa với Peroxyt - H2O2 không làm thay đổi các thành phần, tính chất của sản phẩm; sản xuất nước dừa đóng lon, ứng dụng công nghệ chế biến và tiệt trùng UHT trực tiếp của Tetra Pak, giúp nước dừa sau khi được chế biến vẫn giữ mùi vị, màu sắc tự nhiên, giá trị dinh dưỡng vốn có; dây chuyền định hình mặt nạ dừa tự động, máy đóng túi mặt nạ dừa tự động; cải tiến và hoàn thiện thiết bị cắt gọt dừa uống nước.

Từ những ứng dụng trên đã đem lại hiệu quả tích cực cho ngành công nghiệp chế biến dừa: sản phẩm cơm dừa nạo sấy (CDNS) có giá trị xuất khẩu cao gấp 5 lần so với dừa trái, bột sữa dừa có giá trị cao gấp 4 lần CDNS, sữa dừa có giá trị cao gấp 2 lần CDNS, kem dừa có giá trị cao gấp 2 lần CDNS, dầu dừa tinh khiết có giá trị cao gấp 10 lần dầu dừa thô, nước dừa đóng hộp có giá trị cao gấp 300 lần so với nước dừa tươi truyền thống,... Đến cuối năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với năm 2017 và chiếm 14,6% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Ngoài ra, Sở Công Thương đã tham mưu đưa sản phẩm chế biến dừa vào danh mục ưu tiên hỗ trợ, vận dụng công tác khuyến công, XTTM để hỗ trợ phát triển ngành dừa của tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ thực hiện 23 dự án đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến đổi mới công nghệ và mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chuyên ngành chế biến dừa, với tổng kinh phí đầu tư gần 30 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 3,5 tỷ đồng, vốn chủ đầu tư 26,5 tỷ đồng; đặc biệt trong năm 2019, Sở đã hỗ trợ các doanh nghiệp ngành dừa thực hiện 01 đề án khuyến công quốc gia điểm, với tổng kinh phí hỗ trợ 3 tỷ đồng.

Hiện nay, một số sản phẩm từ dừa đã có mặt tại các siêu thị lớn như: siêu thị Co.op Mart, Vinatex Mart, Citimart, Big C, Maximark, Metro, Satra...Thông qua các kỳ kết nối và tham gia Hội chợ, nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thiết lập được hệ thống đại lý tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ và các tỉnh miền Trung - Tây nguyên, Đông - Tây Nam bộ. Để phát triển thị trường xuất khẩu, Sở cũng đã tăng cường cung cấp thông tin thị trường, giới thiệu đối tác, tổ chức và hỗ trợ cho các DN tham gia XTTM vào một số thị trường truyền thống và thị trường mới có nhiều tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm dừa. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đã tăng từ 150,47 triệu USD năm 2016 lên 242 triệu USD năm 2018, chiếm 22,4% tổng kim ngạch xuất khẩu tỉnh. Đến 2018, các sản phẩm từ dừa đã xuất được hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị trường truyền thống được củng cố và giữ vững, đồng thời có thêm được nhiều thị trường mới.

Nhìn chung, Chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre được triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả, đã thay đổi nhận thức cộng đồng theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi; đã hỗ trợ hộ nông dân, DN xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa; có nhiều dự án chế biến dừa quy mô lớn đi vào hoạt động, nhiều sản phẩm mới từ dừa được thương mại hóa; công nghiệp chế biến phát triển cả về quy mô và chất lượng chế biến sâu, quy mô doanh nghiệp ngày càng lớn, có nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao là cơ sở để hình thành nhóm sản phẩm - DN chủ lực của ngành dừa, cũng là nền tảng để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dừa. Thị trường trong nước và nước ngoài được củng cố và mở rộng; sản lượng, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ dừa ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm chế biến từ dừa còn dưới dạng thô: chỉ xơ dừa, thạch dừa, .... nên giá trị thấp, tiêu hao nhiều nguyên liệu; đa số DN trong tỉnh có quy mô nhỏ, chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng KHCN trong sản xuất; tỷ lệ khai thác công suất chế biến còn thấp.

Để cây dừa tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như:

1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất sạch, sản xuất theo chuỗi giá trị; tiếp tục triển khai xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa người trồng dừa với các doanh nghiệp.

2. Tăng cường hoạt động khuyến công hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến đổi mới công nghệ và mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chuyên ngành chế biến dừa.

3. Tiếp tục hỗ trợ các DN ngành dừa kết nối với các DN, các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại…); duy trì các hoạt động XTTM, tham gia các hội chợ chuyên ngành, phối hợp với tổ chức cộng đồng dừa Châu Á – Thái Bình Dương để quảng bá hình ảnh dừa Bến Tre đến cộng đồng quốc tế và thị trường thế giới.

4. Tích cực hỗ trợ DN ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), các phương thức kinh doanh hiện đại, tham gia vào các sàn giao dịch TMĐT trong và ngoài nước như: Lazada, Sendo, Shopee, Amazon…tạo cơ hội kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ. Xây dựng, vận hành và khai thác một cách có hiệu quả Sàn giao dịch TMĐT với tên gọi Đặc sản Bến Tre, điểm bán hàng OCOP.

5. Riêng sản phẩm dừa uống nước, hiện nay sản phẩm dừa xiêm xanh của tỉnh đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, đồng thời một số DN cũng đã có vùng nguyên liệu đạt chuẩn VietGAP, GlabalGAP và đã xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ. Thời gian tới khuyến khích các DN mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu để đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong nước, đưa vào hệ thống phân phối hiện đại cũng như xuất khẩu.

6. Phối hợp triển khai thực hiện tốt đề án “Liên kết tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long” và đưa cây dừa vào danh mục cây trồng chủ lực của vùng; liên kết với các tỉnh (Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long) trong việc kêu gọi đầu tư khai thác, đặt trong quan hệ lợi ích của vùng dừa đồng bằng sông Cửu Long để bảo đảm cân đối giữa năng lực sản xuất nguyên liệu dừa trái và năng lực chế biến ngành dừa trong vùng./.

Nguồn: Phòng KHTCTH