• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Tổng kết thực hiện Chương trình phát triển ngành Dừa tỉnh Bến Tre (giai đoạn 2016-2020)
Quang cảnh hội nghị

Tổng kết thực hiện Chương trình phát triển ngành Dừa tỉnh Bến Tre (giai đoạn 2016-2020)

(Cập nhật: 22/11/2020)
Ngày 16/11/2020, tại TTC Palace Bến Tre, Ban điều phối thực hiện Chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình phát triển ngành Dừa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020. Hội nghị do ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban điều phối và ông Châu Văn Bình, Giám đốc Sở Công Thương, Thường trực Ban điều phối thực hiện Chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre đến năm 2020 đồng chủ trì; tham dự hội nghị có hơn 90 đại biểu là các thành viên của Ban điều phối, thành viên của Tổ giúp việc của Ban điều phối, đại diện các sở ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, đại diện các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) và các Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh và đại diện các hộ nông dân trồng ngành dừa của tỉnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cơ bản thống nhất với kết quả tổng kết chương trình của Ban điều phối đã dự thảo; kết thúc Hội nghị, Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã có ý kiến kết luận và chi đạo:

- Qua kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2020, Chương trình dừa đã được triển khai thực hiện trên nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các mục tiêu về diện tích, sản lượng; tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa đều đạt và vượt so mục tiêu kế hoạch; các nội dung hoạt động của chương trình được triển khai đồng bộ, trong 08 chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, chuỗi dừa cơ bản hoàn thiện và đang phát triển khá tốt. Kết thúc Chương trình phát triển ngành Dừa tỉnh Bến Tre đến năm 2020; trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển chuỗi giá trị ngành dừa; tỉnh đã xác định ngành dừa là ngành chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh, là cây thích ứng với biến đổi khí hậu, có khả năng chịu hạn mặn tốt, nên cần được quan tâm, đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất chế biến để ngành dừa phát triển hơn, vươn xa ra tầm khu vực và thế giới.

- Về trồng dừa, cần có giải pháp thực hiện quy hoạch cụ thể vùng trồng; tập trung xây dựng và chuyển giao các quy trình kỹ thuật canh tác thích hợp trong điều kiện bất lợi của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; tiếp tục tập trung canh tác theo hướng hữu cơ; thời gian tới, chúng ta cần có phương án hoạt động hiệu quả cho sự phát triển của Trung tâm dừa Đồng Gò thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dừa Quốc gia, sau khi được Bộ Công Thương cho phép tỉnh quản lý và sử dụng để phát triển và nghiên cứu sâu hơn về chuỗi giá trị cây dừa.

- Trong thu hoạch, sơ chế, tiêu thụ dừa trái: hiện nay với hơn 52 Tổ hợp tác, 18 Hợp tác xã đang tham gia trong hoạt động của chuỗi giá trị dừa; các Tổ hợp tác, Hợp tác xã tiếp tục tăng cường hoạt động thu mua và sơ chế dừa tại chỗ,  tham gia khâu quan trọng trong chuỗi giá trị dừa; các sở, ngành, đơn vị có liên quan hỗ trợ HTX tiếp cận được nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh và các nguồn vốn khác.

- Về chế biến, hiện tại ngành công nghiệp chế biến dừa của Bến Tre phát triển khá tốt, thời gian tới cần tiếp tục tập trung phát triển chế biến dừa đi vào chiều sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao; khuyến khích nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm và sản xuất các sản phẩm mới; Với tổng công suất đã đầu tư có khả năng khai thác, chế biến hơn 1,25 tỷ trái, nhưng số lượng sản phẩm chế biến chỉ tương đương khoảng 600 triệu trái. Các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ để nâng cao tỷ lệ khai thác công suất đã đầu tư, sản xuất chế biến lượng dừa công nghiệp không chỉ của tỉnh mà cần liên kết để tiêu thụ dừa trái của các tỉnh lân cận; liên kết với nông dân để phát triển và nhân rộng các mô hình trồng dừa hữu cơ.

- Trong tiêu thụ: hiện tại trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã hỗ trợ đầu tư 05 cửa hàng bán khá đầy đủ các sản phẩm từ dừa và đặc sản của tỉnh; 01 siêu thị dừa đang trưng bày giới thiệu trên 500 sản phẩm dừa. Đây là hệ thống kênh phân phối tốt để quảng bá, giới thiệu sản phẩm dừa của tỉnh. Thời gian tới, tiếp tục hỗ trợ phát triển thêm hệ thống phân phối, cửa hàng dừa tại các tỉnh, thành phố (đặc biệt các tỉnh đang phát triển tốt về du lịch); hỗ trợ kết nối, phát triển hệ thống phân phối ở nước ngoài để chủ động thị trường tiêu thụ, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường;

- Cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ như: tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, vốn khoa học công nghệ, tín dụng, khuyến công, xúc tiến thương mại để mở rộng sản xuất kinh doanh, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị sản phẩm dừa; Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình sớm cụ thể hóa những định hướng phát triển ngành dừa của tỉnh thành những nhiệm vụ, giáp pháp cụ thể và nghiên cứu, đề xuất, bổ sung thêm nhiều giải pháp để triển khai thực hiện phát triển ngành dừa tốt hơn trong thời gian tới./.

 
Nguồn:P.KHTCTH - SCT