• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 8 VÀ 8 THÁNG ĐẦU NĂM 2022 TỈNH BẾN TRE

(Cập nhật: 31/08/2022)

I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP, THỦY SẢN
1. Sản xuất nông nghiệp
a.Trồng trọt

Cây lúa: Trong tháng báo cáo, người trồng lúa trên địa bàn tỉnh tập trung chăm sóc vụ lúa hè thu năm 2022. Toàn tỉnh đã xuống giống ước tính được 8.510 ha, giảm 15,07% (tương ứng giảm 1.510 ha) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân diện tích lúa ngày càng giảm chủ yếu là: những năm gần đây, canh tác lúa có lợi nhuận thấp, thậm chí bị lỗ do ảnh hưởng của thời tiết nên một số diện tích chuyển sang trồng dừa, trồng cỏ... vì những cây trồng này ít tốn chi phí và hiệu quả cũng tương đối ổn định. Đến nay, phần lớn diện tích đang giai đoạn trổ - chín, một số diện tích đã cho thu hoạch, diện tích lúa hè thu đã thu hoạch ước khoảng 350 ha, năng suất bình quân ước tính đạt 46,91 tạ/ha, sản lượng thu hoạch ước khoảng 1.642 tấn.      

Cây rau các loại: Cây rau các loại được người dân trên địa bàn tỉnh canh tác quay vòng quanh năm. Tổng diện tích toàn tỉnh đã gieo trồng ước tính đến nay là 2.850 ha, giảm 0,87% (tương ứng giảm 25 ha) so với cùng kỳ năm trước. Các loại rau có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng được người dân canh tác thường xuyên như: rau muống, mướp đắng (khổ qua), dưa leo, cải các loại, củ đậu (củ sắn), dưa hấu và các loại rau cải ngắn ngày khác. Hiện tại, người trồng rau trên địa bàn tỉnh tiếp tục trồng mới, chăm sóc và thu hoạch rau các loại để cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Tổng sản lượng cây rau các loại toàn tỉnh trong tháng ước tính được 12.462 tấn, tăng 4,67% (tương ứng tăng 1.942 tấn) so với cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu là sản lượng củ đậu (củ sắn), lũy kế từ đầu năm đến nay sản lượng được 64.519 tấn, tăng 4,67% so với cùng kỳ, nguyên nhân do năng suất thu hoạch tăng.

Cây dừa: Tổng diện tích dừa toàn tỉnh ước tính đến nay là 77.250 ha, tăng 2,04% (tương ứng tăng 1.548 ha) so cùng kỳ năm trước. Diện tích tăng chủ yếu là dừa xiêm xanh uống nước vì hiệu quả từ loại trái dừa này luôn ổn định ở mức cao. Đến nay, tổng diện tích nhiễm sâu đầu đen là 844,83 ha, lũy kế 1.464,68 ha. Trong đó, diện tích phục hồi sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ hóa học và sinh học là 619,85 ha. Hiện nay, giá dừa khô đã dần khôi phục trở lại sau nhiều tháng giá giảm mạnh, giá dừa khô dao động từ 35.000 - 42.000 đồng/12 quả. Tổng sản lượng dừa trong tháng ước tính được 55,038 triệu quả (tương đương 55.038 tấn), tăng 0,81% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế đến nay sản lượng dừa ước được 441,562 triệu quả, tăng 1,54% so cùng kỳ, trong đó sản lượng dừa xiêm trong tháng ước tính được khoảng 12,2 triệu quả, lũy kế được 95,8 triệu quả.

Cây ăn quả: Từ ảnh hưởng của hạn mặn các năm trước, các nhà vườn đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đốn bỏ những cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang trồng những cây có hiệu quả kinh tế hơn. Tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh ước tính được là 26.375 ha, giảm 0,73% (tương ứng giảm 195 ha) so cùng kỳ năm trước. Thời tiết và mùa vụ thuận lợi, đặc biệt là hạn mặn không xảy ra nên năng suất một số loại cây ăn quả tăng khá so cùng kỳ, tổng sản lượng trái cây các loại trong tháng ước tính được 23.694 tấn, tăng 6,94% so cùng kỳ năm trước, lũy kế được 214.027 tấn, tăng 4,82% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng tăng chủ yếu ở nhóm cây: xoài, mít, sầu riêng, chanh, bưởi, chôm chôm...

b. Chăn nuôi

Tổng đàn bò toàn tỉnh ước khoảng 242.020 con, tăng 4,03% (tương ứng tăng 9.375 con) so với cùng kỳ. Ước tính sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng trong tháng đạt 2.620 tấn, tăng 5,99% (tương ứng tăng 148 tấn) so cùng kỳ; lũy kế từ đầu năm đến nay sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 20.632 tấn, tăng 4,10% (tương ứng tăng 812 tấn) so với cùng kỳ. Nguyên nhân, là do giá cả đầu ra ổn định, vì vậy người chăn nuôi vẫn duy trì và phát triển tổng đàn. Tình hình dịch bệnh trên đàn bò có xảy ra rải rác nhưng chưa phức tạp, một số bệnh thông thường như: thương hàn, tụ huyết trùng, tiêu chảy... có phát sinh nhưng đa số con bệnh được thú y viên trị khỏi. Bệnh viêm da nổi cục có phát sinh nhưng không đáng kể. Tại thời điểm báo cáo giá thịt bò hơi xuất chuồng khoảng 80.000 - 82.000 đồng/kg. Đàn bò sữa của tỉnh hiện có 2.088 con, tăng 0,87% (tương ứng tăng 18 con) so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do ở huyện Ba Tri có thực hiện dự án phát triển đàn bò sữa và hiệu quả từ vật nuôi này ngày càng tăng.

Tổng đàn lợn toàn tỉnh ước khoảng 440.210 con, so cùng kỳ tăng 3,92%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong tháng ước đạt 6.350 tấn, tăng 12,99% so với cùng kỳ; lũy kế từ đầu năm đến nay sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 44.710 tấn, tăng 7,52% so với cùng kỳ. Thời gian qua, quy mô tổng đàn đã được phục hồi và đang trên đà phát triển. Đàn lợn nái tăng nhanh, nguồn con giống tại chỗ dồi dào, tái đàn diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên thời gian gần đây giá cả đầu ra không ổn định, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao so với thời điểm đầu năm 2022 nên người nuôi đang lo ngại tái đàn để đợt phục vụ thị trường cuối năm. Tại thời điểm báo cáo, giá thịt lợn hơi khoảng 60.000 - 62.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Lợn giống 1,1 - 1,3 triệu/con (trọng lượng 8 - 12 kg/con).

Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước khoảng 8.575 nghìn  con (không tính đàn chim cút, bồ câu), tăng 1.46% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong tháng ước đạt 3.390 tấn, tăng 4,31% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm đến nay sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 29.222 tấn, tăng 1,66% so với cùng kỳ. Tình hình chăn nuôi gà trong tháng tương đối ổn định, giá cả trong tháng cao người nuôi xuất chuồng có lãi. Tại thời điểm báo cáo giá gà thịt hơi khoảng 80.000 - 83.000 đồng/kg. Tình hình chăn nuôi đàn vịt siêu thịt tương đối thuận lợi do giá cả tăng cao, thời gian nuôi ngắn, qui mô tổng đàn cũng biến động theo giá cả thị trường. Hiện nay, giá vịt siêu thịt khoảng 43.000 - 45.000 đồng/kg, ngan thịt hơi 60.000 - 62.000 đồng/kg, trứng vịt 3.000 đồng/quả.

2. Lâm nghiệp

Tình hình sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng không có nhiều biến động so cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng trồng mới trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh, chủ yếu là quản lý và chăm sóc rừng. Tình hình khai thác các sản phẩm lâm nghiệp diễn ra thường xuyên do người dân tận dụng khai thác nhằm phục vụ nhu cầu trong việc xây cất, sửa chữa nhà ở, chuồng trại chăn nuôi,... các sản phẩm: gỗ khai thác ước 146 m3, củi khai thác ước 1.435 ste. Sản lượng khai thác ít nguyên nhân do trong kỳ không có tỉa thưa củi rừng trồng và cây phân tán tự mọc ngày càng ít dần nên sản lượng khai thác giảm. Tổng số cây phân tán trồng trong tháng ước được 7 nghìn cây, lũy kế được 596 nghìn cây.

Về công tác phòng chống cháy rừng, do đặc điểm tỉnh Bến Tre chỉ có diện tích rừng ngập mặn, khả năng gây cháy rất ít xảy ra. Tình hình thiệt hại rừng không có diễn biến phức tạp, cơ quan Kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và địa phương thường xuyên duy trì công tác kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp chặt phá, lấn chiếm đất rừng. Trong tháng không phát sinh trường hợp chặt phá và lấn chiếm đất rừng.
       
3. Thủy sản

a. Nuôi thủy sản
Nuôi tôm biển: Diện tích thả nuôi tôm sú trong tháng báo cáo ước tính khoảng 190 ha, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay diện tích thả nuôi tôm sú đạt 25.945 ha, tăng 7,11% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm sú thu hoạch trong tháng ước đạt 250 tấn, tăng 38,89% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế từ đầu năm đến nay tổng sản lượng tôm sú ước đạt 1.880 tấn, tăng 8,86% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do môi trường nuôi thuận lợi nên người nuôi mạnh dạn thả giống. Diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong tháng báo cáo ước tính khoảng 2.080 ha, tăng 9,47% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 13.147 ha, tăng 9,96% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm thu hoạch trong tháng ước đạt 10.960 tấn, tăng 12,76% so cùng kỳ năm trước; lũy kế từ đầu năm đến nay tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 77.500 tấn, tăng 13,10% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do thời tiết năm nay thuận lợi, giá cả tăng cao, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao phát triển tích cực đã mang lại hiệu quả kinh tế. Diện tích tôm thẻ chân trắng thiệt hại trong tháng của là 143,49 ha chủ yếu do các bệnh thông thường trên tôm nuôi.

Cá tra thâm canh: Trong tháng, diện tích thả nuôi cá tra thâm canh là 144 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,86% (tương ứng tăng 4 ha). Lũy kế từ đầu năm đến nay diện tích cá tra thâm canh thả nuôi đạt 764 ha tăng 4,51% so với cùng kỳ năm trước.  Diện tích nuôi tăng so với cùng kỳ là do thời tiết thuận lợi thích hợp cho việc thả giống. Sản lượng cá thu hoạch trơng tháng ước 15.020 tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế từ đầu năm đến nay sản lượng cá tra thâm canh ước ước đạt 99.173 tấn, tăng 9,79% so với cùng kỳ. Sản lượng cá tra tăng nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu đã dần phục hồi sao dịch Covid-19.

Thủy sản khác: Diện tích thủy sản khác nuôi trồng chủ yếu là diện tích nuôi nghêu, sò và hàu. Sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 1.590 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,61%, lũy kế 8 tháng đầu năm sản lượng thủy sản khác thu hoạch ước đạt 13.119 tấn, tăng 2,79% so cùng kỳ.

b. Khai thác thủy sản

Sản lượng khai thác thủy sản trong tháng ước đạt 17.727 tấn, giảm 4,88%  so với cùng kỳ năm trước; nguyên nhân là do thời tiết trong tháng không thuận lợi nên sản lượng khai thác đánh bắt giảm. Lũy kế từ đầu năm đến nay tổng sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 152.818 tấn, giảm 2,70% so với cùng kỳ. Hiện nay do giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm nhưng trong nhiều tháng trước giá xăng dầu tăng liên tục, trong khi đó chi phí cho nhiên liệu chiếm đến 60% tổng chi phí cho mỗi chuyến ra biển nên đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khai thác, bám biển của ngư dân trong thời gian qua.

II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP, ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP

1. Sản xuất công nghiệp

Hiện nay, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” tình hình sản xuất công nghiệp trong địa bàn tỉnh Bến Tre đã có những bước hồi phục mạnh mẽ, từng bước khắc phục và nối lại được các chuỗi cung ứng trong các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với sản lượng sản phẩm và số lượng đơn hàng mới đều gia tăng. Trong tháng 8, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 208,29% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 233,3%. Các ngành chỉ số tăng cao so cùng kỳ: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 360,56%; sản xuất đồ uống tăng 1463,15%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 50,35%; sản xuất các sản phẩm dệt tăng 571,87%; sản xuất trang phục tăng 361,33%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1083,87%; chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa,… tăng 290,60%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 12,49%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 163,52%; sản xuất thuốc, hoá dược liệu tăng 126,67%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 158,20%; sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 425,02%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẳn (trừ máy móc thiết bị) tăng 428,84%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 280%; sản xuất thiết bị điện tăng 568,18%; sản xuất xe có động cơ tăng 93,80%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 420,29%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 507,99%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 451,48%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 420,88%; sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 19,94%; khai thác, xử lý, cung cấp nước tăng 17,24%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 118,86% so cùng kỳ năm trước.

Một số sản phẩm chủ yếu trong tháng 8 so cùng kỳ năm trước: Cá phi lê tăng 1.465,38%; cơm dừa nạo sấy tăng 296,97%; thuốc lá có đầu lọc tăng 50,35%; bộ quần áo thể thao tăng 360,43%; túi xách tăng 419,28%; giấy và bìa khác tăng 11,30%; thùng hộp bằng bìa cứng tăng 24,72%; bộ dây điện dùng cho xe hơi tăng 93,80%; điện thương phẩm tăng 10,39%; nước máy tăng 17,04% so cùng kỳ năm trước.
 
Lũy kế 8 tháng đầu năm, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 22,75% so với cùng kỳ. Trong đó: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp khai khoáng tăng 27,69%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 22,65%; sản xuất công nghiệp phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 22,75%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,19% so cùng kỳ năm trước.

Một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh, lũy kế từ đầu năm so cùng kỳ năm trước: Cá phi lê tăng 19,24%; cơm dừa nạo sấy tăng 33,33%; thuốc lá có đầu lọc tăng 25,97%; bộ quần áo thể thao tăng 41,74%; túi xách tăng 48,60%; giày tăng 12,89%; giấy và bìa khác tăng 1,84%; thùng hộp bằng bìa cứng tăng 3,24%; bộ dây điện dùng cho xe hơi tăng 7,76%; điện thương phẩm tăng 13,67%; nước máy tăng 4,68% so cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sử dụng lao động (chỉ tính cho khu vực doanh nghiệp) tăng 16,42% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,32%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 1,59%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,81%. Doanh nghiệp ngoài nhà nước gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, các chế độ ưu đãi thu hút lao động làm việc trong khu vực này ít, không có tính cạnh tranh cao…

2. Kết quả đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 40 doanh nghiệp, so cùng kỳ năm trước tăng 36 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký ban đầu là 231,3 tỷ đồng, gấp 29,24 lần cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó trong tháng đã có 9 doanh nghiệp làm thủ tục tạm ngừng hoạt động, tăng 02 doanh nghiệp so cùng năm trước, 08 doanh nghiệp giải thể tăng 08 doanh nghiệp so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 413 doanh nghiệp, so cùng kỳ năm trước tăng 128 doanh nghiệp, nhưng có tổng vốn đăng ký ban đầu là 3.798,2 tỷ đồng, giảm 17,22%. Số lượng doanh nghiệp làm thủ tục giải thể là 72 doanh nghiệp giải thể và 177 doanh nghiệp làm thủ tục tạm ngừng hoạt động. Lũy kế đến tháng báo cáo toàn tỉnh có 5.582 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký 63.188 tỷ đồng.

III. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

1. Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý

Tổng vốn đầu tư dự tính thực hiện là 368,022 tỷ đồng, tăng 153,74% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, cùng kỳ năm trước tỉnh Bến Tre thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên nhiều hoạt động tạm dừng để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Chia ra: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 341,128 tỷ đồng, tăng 153,98%; Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước thực hiện đạt 26,186 tỷ đồng, tăng 151,55%; Vốn ngân sách Nhà nước cấp xã là 0,708 tỷ đồng, tăng 126,20% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 8 tháng dầu năm là 2.441,47 tỷ đồng đạt 60,66% kế hoạch năm, tăng 19,58% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 2.249,93 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 462,58 tỷ đồng, vốn ODA là 66,39 tỷ đồng, vốn xổ số kiến thiết là 1.367,74 tỷ, nguồn vốn khác đầu tư là 3,10 tỷ đồng. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện dự tính thực hiện là 185,76 tỷ đồng đạt 56,19% kế hoạch năm, tăng 12,60% so với cùng kỳ năm trước. Vốn ngân sách Nhà nước cấp xã dự tính thực hiện là 5,77 tỷ đồng đạt 58,85% kế hoạch năm, tăng 18,31% so với cùng kỳ năm trước.

2. Tình hình xúc tiến và hỗ trợ đầu tư

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Trong tháng 8/2022, không có dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng có 03 dự án xin cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Lũy kế từ đầu năm đến nay, chưa có dự án FDI được cấp phép mới, chỉ 18 dự án được cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Lũy kế đến tháng báo cáo, toàn tỉnh có 62 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1.623,854 triệu USD.

Đầu tư trong nước: Trong tháng, có 03 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư là 2.307,654 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 7 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với vốn đăng ký 2.625,854 tỷ đồng. Lũy kế đến thời điểm báo cáo, toàn tỉnh có 269 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 63.507,45 tỷ đồng.
 
IV. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ VÀ GIÁ CẢ

Trong tháng 8/2022, tình hình kinh doanh thương mại, dịch vụ, vận tải của tỉnh Bến Tre không có nhiều biến động, nguồn cung hàng hóa đáp ứng tốt mọi nhu cầu cho đời sống, sản xuất của người dân. Sức mua trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm nhẹ so thực hiện tháng trước do ảnh hưởng tình hình tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm từ dừa trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn… Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, ngành thương mại, dịch vụ đã có nhiều khởi sắc do tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, các hoạt động kinh doanh đã trở lại bình thường so với trước đây.

 
1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa

Ước tính tháng 8/2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3.630,39 tỷ đồng, tăng 41,96% so cùng kỳ, cụ thể từng nhóm hàng như sau: Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 1.501,56 tỷ đồng, tăng 15,35%; nhóm hàng may mặc đạt 125,54 tỷ đồng, tăng 78,52%; nhóm đồ dùng trang thiết bị gia đình đạt 236,96 tỷ đồng, tăng 19,93%; nhóm gỗ vật liệu xây dựng đạt 540,55 tỷ đồng, tăng 25,68%; nhóm phương tiện đi lại đạt 123,55 tỷ đồng, tăng 2,93%; nhóm xăng dầu các loại đạt 485,54 tỷ đồng, tăng 84,35%; nhóm đá quý kim loại quý đạt 270,74 tỷ đồng, tăng 283,30%; nhóm hàng hóa khác đạt 132,52 tỷ đồng, tăng 237,28% so cùng kỳ năm trước… Lũy kế 8 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 31.971,33 tỷ đồng, tăng 10,92% so cùng kỳ.

2. Dịch vụ lưu trú, ăn uống

Do trong tháng 7/2022 còn thời gian nghỉ hè và trên địa bàn tỉnh tổ chức kỉ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu nên đã thu hút rất lớn lượng khách đến Bến Tre tham quan du lịch, lưu trú, ăn uống nên doanh thu các hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng khá mạnh so với những ngày thường nên trong tháng 8/2022 dự tính doanh thu các hoạt động lưu trú, ăn uống, giảm so thực hiện tháng trước nhưng tăng mạnh so cùng năm trước, ước đạt khoảng 442,43 tỷ đồng, giảm 4,51% so thực hiện tháng 7/2022, gấp 13,2 lần so cùng kỳ năm trước, trong tổng doanh thu lưu trú ước đạt 13,26 tỷ đồng, giảm 3,66% so tháng trước; doanh thu ăn uống đạt 429,17 tỷ đồng, giảm 4,54% so tháng trước nhưng gấp 12,8 lần so cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng năm 2022 doanh thu của hoạt động lưu trú, ăn uống, đạt 3.408,29 tỷ đồng, tăng mạnh 10,25% cùng kỳ năm trước.

3. Du lịch lữ hành

Trong tháng 8, học sinh chuẩn bị tựu trường chuẩn bị cho năm học mới, các hoạt động du lịch giảm so với tháng trước. Tổng lượt khách du lịch theo tour trong tháng 8 hiện tháng 8/2022 lượt khách tham quan du lịch đạt 48.876 lượt khách, giảm 3,15% so tháng 7/2022. Doanh thu du lịch lữ hành trong tháng 8 ước đạt 4,91 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng đầu năm ước đạt 24,71 tỷ đồng, tăng 15,59% so cùng kỳ năm trước.

4. Giá cả

Trong các tháng gần đây, việc điều chỉnh giá xăng dầu đã có những tác động lớn các mặt hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 08 năm 2022 giảm 0,07% so với tháng trước, nguyên nhân chính do giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm mạnh trong tháng báo cáo (chỉ số giá nhóm nhiên liệu xăng dầu trong tháng giảm 13,85%, kéo theo chỉ số giá nhóm giao thông trong tháng giảm 6,18%), trong đó: khu vực thành thị tăng 0,45%, khu vực nông thôn tăng 0,01%.

Trong tổng số 11 nhóm hàng hóa có 7 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng nhẹ, có 4 nhóm hàng hóa giảm giá: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,09%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,28%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,11%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,12%; nhóm giáo dục tăng 0,99%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,20%; nhóm nhà ở điện nước, chất đốt vật liệu xây dựng giảm 0,49%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%; giao thông giảm 6,18%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%.

So tháng trước tình hình tăng, giảm cụ thể cho từng nhóm như sau:

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2022 tăng 1,09% so với tháng trước. Trong đó: nhóm lương thực tăng 0,05%; nhóm thực phẩm tăng 1,24%; tăng chủ yếu ở các nhóm hàng: nhóm thịt gia súc tươi sống tăng 3,99%; nhóm thịt gia cầm tươi sống tăng 1,33%; nhóm trứng các loại tăng 3,51%, do các cơ sở sản xuất con giống tăng giá trứng thu mua để chuẩn bị con giống cho người dân tái tạo đàn gia cầm mới, mặt khác do ảnh hưởng giá thức ăn chăn nuôi tăng, nguồn cung khan hiếm, nhu cầu dùng trứng chế biến nhân bánh trung thu sắp đến nên lượng tiêu thụ tăng kéo theo giá trứng tăng; nhóm thủy sản tươi sống tăng 0,22%; nhóm hàng rau tươi, rau khô các loại tăng 1,77% so với tháng trước, do tình hình mùa vụ. Nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 8/2022 tăng 1,37% so với tháng trước, trong đó ăn ngoài gia đình tăng 0,67%, uống ngoài gia đình tăng 0,76%, đồ ăn nhanh mang về cũng tăng 4,14% do hình thức phục vụ thức ăn nhanh giao tận nhà ngày càng phát triển.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,28%, cụ thể: nhóm vải các loại tăng 0,12%, nhóm quần áo may sẵn tăng 0,41%, may mặc khác và mũ nón tăng 0,37%... do nhu cầu mua sắm tăng cao để chuẩn bị trang phục cho học sinh bước vào năm học mới nên giá bán nhóm này có phát sinh tăng.

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,49% so tháng trước, trong đó: Nhóm nhà ở giảm 0,26%, cụ thể: giá nhà ở thuê ổn định, nhóm vật liệu bão dưỡng nhà ở giảm 1,02%; nhóm dịch vụ sửa nhà ở giảm 0,02%, nguyên nhân giảm do giá xăng dầu trong tháng giảm liên tục dẫn đến giá cước vận chuyển, giá vật liệu xây dựng cũng giảm theo; giá nước sinh hoạt và dịch vụ khác trong tháng ổn định; nhóm gas và các loại chất đốt khác giảm 3,66%, riêng giá gas giảm 4,22% so tháng trước do được điều chỉnh vào ngày 01/8/2022, giảm 18.000 đồng/bình 12 kg, giá gas hiện nay đến tay người tiêu dùng là 409.000 đồng/1 bình/12kg tương đương 34.083 đồng/kg gas petrolimex; giá dầu hỏa giảm 9,99%, trong tháng giá dầu hỏa điều chỉnh 3 đợt vào các ngày 01/8, 08/8 và ngày 22/8/2022, sau điều chỉnh giá dầu hỏa giảm 680 đồng/lít.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03% so với tháng trước, giảm chủ yếu ở các nhóm đồ điện máy như: máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện dùng cho gia đình …

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,11% so với thực hiện tháng trước

Nhóm giao thông giảm 6,18% so tháng trước, nguyên nhân chính do giá xăng, dầu trong tháng được điều chỉnh giảm mạnh do đó giá nhiên liệu giảm 13,85% so tháng trước, trong đó: giá xăng giảm 14,34%, trong tháng giá xăng được điều chỉnh giảm 2 đợt vào các ngày 01/8/2022 và ngày 11/8/2022 và giữ nguyên giá vào ngày 22/8/2022, sau điều chỉnh giá xăng 95 giảm 1.410 đồng/lít, xăng 92 giảm 1.350 đồng/lít, giá dầu DO cũng giảm 2 đợt tổng cộng giảm 1.950 đồng/lít và tăng 1 đợt ngày 22/8/2022 tăng 850 đồng/lít, sau điều chỉnh mỗi lít dầu DO giảm 1.100 đồng so thán trước.

Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,12% chủ yếu tăng giá ở mặt hàng thiết bị điện thoại di động chính hãng, giá tăng do nhà sản xuất tăng giá bán.
Nhóm giáo dục tăng 0,99%, trong đó tăng ở các nhóm văn phòng phẩm, tập, vở, sách các loại tăng do chuẩn bị vào năm học mới.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng 8/2022 giảm 0,03% so với tháng trước, chủ yếu giảm ở nhóm giá hoa tươi, cây cảnh các loại.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,71% so với cùng thời kỳ năm trước. Hầu hết các mặt hàng đều có chỉ số giá tăng so cùng kỳ, trong đó nhóm giao thông mạnh nhất với mức tăng 18,36%; kế đến là nhóm nhà ở, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,35%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,71%; nhóm may mặc, giày dép và mũ nón tăng 1,83%; nhóm hàng hóa dịch vụ khác tăng 1,61%; so với cùng kỳ. Có 02 nhóm hàng có chỉ số giá bình quân giảm so cùng kỳ đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,08%; bưu chính viễn thông giảm 0,10% so cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá vàng trong tháng giảm 1,17% so tháng trước do ảnh hưởng giá vàng trong nước và thế giới, so cùng kỳ tăng 2,45%. Chỉ số giá vàng bình quân 8 tháng đầu năm tăng 1,94% so cùng kỳ.

Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng tăng 0,20% so với tháng trước, so cùng kỳ năm trước tăng 2,22%. Bình quân 8 tháng năm 2022, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,22% so cùng kỳ năm trước.

V. GIAO THÔNG VẬN TẢI

Thời gian qua với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ngành và địa phương tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) cơ bản được đảm bảo, đặc biệt trong đợt phục vụ các ngày lễ, Tết. Trong tháng báo cáo, hoạt động vận tải đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, đội CSGT tỉnh tiếp tục công tác tuần tra trên địa bàn, kiểm soát giao thông tại một điểm và lưu động trên tất cả các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi toàn tỉnh. Trọng tâm trong tháng 8/2022 lực lượng giao thông thường xuyên kiểm tra tuyến đường liên tỉnh, lượng xe, và người dân vào dịp lễ kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe, bên cạnh công tác trọng tâm hiện nay tổ công tác còn tiếp tục thực hiện quan sát về hiện trạng người điều khiển xe có sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn và chất kích thích khác để đưa ra các biện pháp phòng ngừa phù hợp, mang tính bền vững, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh từ nay đến cuối năm 2022.

Vận chuyển hành khách ước thực hiện tháng 08/2022 đạt 842 nghìn hành khách giảm 4,67% so với tháng trước; chia ra: đường bộ đạt 444 nghìn hành khách; đường thủy nội địa đạt 398 nghìn  hành khách. Luân chuyển hành khách ước thực hiện tháng 08/2022 đạt 65.578 nghìn hành khách.km, giảm 4,53% so với tháng trước, chia ra: đường bộ đạt 64.520 nghìn  hành khách.km; đường thủy nội địa đạt 1.058 nghìn  hành khách.km. Lũy kế 8 tháng năm 2022, khối lượng hành khách vận chuyển đạt 7.519 nghìn hành khách, tăng 15,16% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển hành khách đạt 609.702 nghìn hành khách.km, tăng 36,24% so cùng kỳ.

Khối lượng vận tải hàng hóa ước thực hiện tháng 08/2022 đạt 634 nghìn  tấn, tăng 2,29% so với thực hiện tháng 07/2022. Trong đó: Khối lượng vận tải hàng hóa đường bộ đạt 253 nghìn  tấn; đường thủy nội địa 355 nghìn  tấn. Luân chuyển hàng hóa ước thực hiện tháng 08/2022 đạt 99.877 nghìn  tấn.km tăng 0,78% so tháng thực hiện tháng trước, chia ra: đường bộ đạt 39.087 nghìn  tấn.km; đường thủy nội địa đạt 59.524 nghìn  tấn.km. Lũy kế 8 tháng năm 2022, khối lượng hàng hoá vận chuyển ước đạt 4.768 nghìn tấn, tăng 47,62% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển hàng hoá ước đạt 811.164 nghìn tấn.km, tăng 32,57% so với cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động vận tải ước tháng 08/2022 đạt 244,40 tỷ đồng, giảm 1,71 % so với thực hiện tháng trước, trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 116,13 tỷ đồng; doanh thu vận tải hàng hoá đạt 98,14 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ đạt 30,02 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng năm 2022, doanh thu hoạt động vận tải, bốc xếp, dịch vụ thực hiện đạt 1.955,53 tỷ đồng, tăng 64,27% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 1.007,13 tỷ đồng; doanh thu vận tải hàng hoá đạt 726,95 tỷ đồng; doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 220,64 tỷ đồng.
         
VI. BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

Toàn tỉnh có 14 đơn vị cung ưng dịch vụ bưu chính chuyển phát. Tổng số điểm phục vụ bưu chính hiện có là 199 điểm, trong đó bưu cục là: 65, điểm bưu điện văn hóa là: 108. Đến nay 100% các xã, phường, thị trấn đều có Bưu điện khu vực hoặc Bưu điện Văn hoá xã; 100% xã có thư báo đến trong ngày, phát báo chí cho độc giả trước 7 giờ sáng tại trung tâm Thành phố và 8 giờ 30 phút tại các huyện. Sản lượng dịch vụ thư trong tháng là 29.138 thư, sản lượng dịch vụ gói, kiện hàng hóa 75.644 kiện. Tổng doanh thu dịch vụ bưu chính là 4,6 tỷ đồng.

Hiện toàn toàn tỉnh có 07 doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông. Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng là 1.542.366 thuê bao, đạt mật độ 118,64 thuê bao/100 dân, trong đó thuê bao di động 1.518.334 thuê bao và 24.032 thuê bao cố định. Internet hiện có là 1.095.817 thuê bao, tăng 83.187 thuê bao so với cùng kỳ, trong đó, thuê bao băng rộng di động: 842.140 thuê bao; thuê bao băng rộng cố định: 253.677 thuê bao. Tổng thuê bao truyền hình trả tiền là: 122.300 thuê bao, đạt tỷ lệ 30,24% số hộ dân. Doanh thu dịch vụ viễn thông: 150,95 tỷ đồng.

VII. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyên truyền đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức. Qua đó, đã có 3.713 người lao động có việc làm mới, trong đó có 261 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đã có 131 người xuất cảnh. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm 18.067 lao động, đạt 90,34% KH năm. Trong đó, có 1.298 lao động trúng tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đã có 1.005 người đã xuất cảnh, đạt 50,25% kế hoạch năm.

Trong tháng có 1.034 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (trong tỉnh 692 người, ngoài tỉnh 342 người); số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng là 1.067 người (trong tỉnh 692 người, ngoài tỉnh 375người). Nâng tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp 8 tháng đầu năm là 8.175 người (trong tỉnh 4.818 người, ngoài tỉnh 3.357 người); số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 8 tháng đầu năm là 8.300 người (trong tỉnh 4.728 người, ngoài tỉnh 3.572 người).

Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh đã Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến ngày 15/8/2022, đã tiếp nhận hồ sơ của 43/46 doanh nghiệp, với số lao động đề nghị hỗ trợ là 13.903 người, với số tiền 17,02 tỷ đồng. Đã thẩm định và phê duyệt danh sách đề nghị hỗ trợ của 34/43 doanh nghiệp, với 9.812 lao động, số tiền là 12,92 tỷ đồng. Đã chi hỗ trợ 4.821 lao động của 14/34 doanh nghiệp, số tiền là 7,77 tỷ đồng.

Xây dựng dự thảo Kế hoạch Phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kế hoạch năm 2022 về thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030; tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm năm 2022 tại Thành phố Bến Tre, huyện Ba Tri, Mỏ Cày Bắc và Thạnh Phú (đợt II).

Tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh 4.445 người, gồm: trình độ cao đẳng 626 người, trung cấp 804 người, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 03 tháng là 3.015 người (trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 1.173 người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,32% (KH là 64%), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ 33,67%.

2. Công tác chăm lo các đối tượng chính sách và trợ giúp xã hội

Chăm lo các đối tượng chính sách: Tiếp nhận mới và giải quyết kịp thời 215 hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nâng tổng số tiếp nhận và giải quyết 8 tháng đầu năm 2022 là 2.055 hồ sơ; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022); phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các ngành có liên quan đi khảo sát hộ người có công khó khăn về nhà ở của các huyện, thành phố để vận động kinh phí hỗ trợ xây dựng; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xin chủ trương vận động 01 ngày lương “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” để hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho người có công và thân nhân người có công đang khó khăn về nhà ở nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; tổ chức trao, tặng quà do Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup hỗ trợ cho tất cả các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; nhân kỷ niệm 75 ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 toàn tỉnh đã chi 63.169 suất quà lễ cho gia đình người có công với cách mạng, với kinh phí 21,38 tỷ đồng; đưa 30 người có công tiêu biểu, đủ sức khỏe để về thăm Thủ đô Hà Nội…

Bảo trợ xã hội và phòng, chống tệ nạn xã hội:

Phối hợp với Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh thăm tặng quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Ba Tri và Thạnh Phú; xây dựng Kế hoạch tổ chức Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2022 tại huyện Chợ Lách; tiếp và làm việc với Viện Dân số, Sức khỏe và phát triển cộng đồng giới thiệu dự án mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng. Tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 125 thành viên mới Đội công tác xã hội tình nguyện năm 2022 và 01 lớp tập huấn hướng dẫn tổ chức các hình thức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy theo Nghị định 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ tại thành phố Bến Tre; phối hợp Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng tổ chức 01 lớp tập huấn kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần đối với người nghiện ma túy cho 28 cán bộ tư vấn, y tế tham gia trực cắt cơn của Trung tâm Y tế, Trạm Y tế các xã trên địa bàn huyện có Điểm cai nghiện ma túy cộng đồng và tham dự buổi tư vấn cá nhân, sinh hoạt nhóm tại Điểm cai nghiện ma túy cộng đồng huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc.

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới: Hướng dẫn các huyện, thành phố chuẩn hóa và làm sạch cơ sở dự liệu trẻ em; rà soát lại để cập nhật thông tin của trẻ em mồ côi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và đề nghị hỗ trợ mới 10 trẻ em, kinh phí từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tài trợ; tiếp và làm việc với Tổ chức Đông Nam Á khảo sát gia đình trẻ em mồ côi giới thiệu vào chương trình tại huyện Thạnh Phú và Bình Đại; Quyết định trợ giúp 01 cas học nghề, số tiền 8,8 triệu đồng, do tổ chức Holt tài trợ; Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội khảo sát chọn 06 gia đình trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà đề nghị tổ chức Holt xem xét hỗ trợ kinh phí xây nhà; xây dựng kế hoạch bàn giao nhà tình thương, tặng bò chăn nuôi và giải ngân vốn phát triển sinh kế cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại 03 huyện Châu Thành, Bình Đại và Ba Tri.

3. Hoạt động giáo dục

Hoàn thành tổ chức coi thi, chấm thi, công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp

THPT năm 2022 an toàn, nghiêm túc, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,3% (so năm 2021 tăng 0,09%). Trong đó, hệ giáo dục phổ thông đạt tỷ lệ 99,74%, hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) 95,86 %.

Tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ năm học 2021-2022; triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp gắn với tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, trọng tâm là Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” và thực hiện kế hoạch năm học; toàn ngành GD&ĐT đã hoàn thành kế hoạch năm học, hoàn thành mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa đảm bảo kế hoạch năm học”, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và đảm bảo chất lượng GD&ĐT.

Triển khai các nội dung chuyển đổi số năm 2022; họp Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa mới năm học 2022-2023; dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 311/QĐTTg ngày 05/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030”. Trình UBND tỉnh: phê duyệt kế hoạch thực hiện 5 nhiệm vụ phòng, chống ma túy trong trường học 2022; kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm trong ngành Giáo dục đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; tổ chức họp Hội đồng thẩm định Khung chương trình Giáo dục địa phương tỉnh Bến Tre theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Trung học phổ thông. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận thêm 21 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục (gồm 02 trường THPT, 07 trường THCS, 08 trường tiểu học, 04 trường mầm non.

Triển khai thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: đã kịp thời hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thiết bị học trực tuyến, với tinh thần “Đồng hành cùng các em vượt qua đại dịch Covid-19”, UBND tỉnh đã có Thư ngỏ kêu gọi ủng hộ kinh phí, thiết bị nhằm vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, mạnh thường quân và cán bộ công chức, viên chức ngành GD&ĐT chung tay ủng hộ kinh phí mua sắm thiết bị và ủng hộ thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn chưa có thiết bị học tập. Tính đến ngày 15/8/2022, đã nhận bàn giao 8.439 máy tính bảng, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ước khoảng 33,756 tỷ đồng.
4. Hoạt động y tế

Hiện nay tình hình Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát trên địa bàn cả nước nói chung cũng như tại tỉnh Bến Tre nói riêng, tuy nhiên thời gian gần đây nước ta đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm biến chủng mới BA.4, BA.5 tại Hà Nội, Tp HCM, Tp Cần Thơ và hiện Bến Tre phát hiện 1 ca chủng BA.5 tại Châu Thành. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng mũi 4 người từ 18 tuổi trở lên tại tỉnh còn thấp, tính đến ngày 14/8/2022 chỉ mới đạt 63,1%, do vậy vẫn có nguy cơ dịch bùng phát trở lại, đặc biệt tại các cơ sở lao động, trường học, bệnh viện. Bệnh sốt xuất huyết (SXH) có khả năng sẽ tiếp tục duy trì số ca mắc cao vì đang vào mùa mưa và mật độ lăng quăng ở một số nơi vẫn còn cao, các bệnh khác vẫn còn xuất hiện rải rác, cụ thể:

- Sốt xuất huyết (SXH): Trong tháng ghi nhận 318 ca mắc tại 9 huyện/thành phố, trong đó có 16 ca SXH nặng, không có ca tử vong. So với tháng trước: số mắc tăng 18 ca, số ca nặng giảm 03 ca; so với cùng kỳ năm trước, số ca mắc tăng 165 ca, SXH nặng tăng 15 ca. Lũy kế 8 tháng đầu năm, ghi nhận 790 ca, trong đó số ca SXH nặng là 47 ca, không có ca tử vong (số liệu cùng kỳ năm 2021: 407 ca mắc, 18 ca SXH nặng, và 0 tử vong).

- Hội chứng chân tay miệng: Ghi nhận 136 ca mắc tại 9 huyện/thành phố, không có ca tử vong. So với tháng trước: số ca mắc giảm 128 ca; so cùng kỳ năm 2021: số mắc tăng 122 ca. Lũy kế 8 tháng đầu năm ghi nhân 521 ca mắc, không có ca tử vong (số liệu cùng kỳ năm 2021: 710 ca mắc, không có ca tử vong).
- Thủy đậu: Ghi nhận 10 ca mắc tại 06 huyện/thành phố. So tháng trước, số mắc giảm 14 ca; so cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 05 ca. Lũy kế 8 tháng đầu năm toàn tỉnh ghi nhận 68 ca mắc, không có ca tử vong (số liệu cùng kỳ năm 2020: 177 ca mắc).
- Quai bị: Ghi nhận 07 ca mắc tại 04 huyện/thành phố. So tháng trước, số mắc tương ứng. Lũy kế 8 tháng đầu năm toàn tỉnh ghi nhận 30 ca mắc, không có ca tử vong (số liệu cùng kỳ năm 2021: 33 ca mắc).
- Dại: Ghi nhận 01 ca mắc và tử vong ở huyện Bình Đại, bệnh nhân không tiêm vaccine phòng bệnh dại. So tháng qua: số mắc và tử vong giảm 01 ca; tháng 8 năm 2021 không xảy ra. Lũy kết 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 10 mắc và đã tử vong, tăng 04 ca so cùng kỳ năm trước.
- Tình hình dịch Covid-19
          Tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 14/8/2022:
          + Số trường hợp mắc Covid - 19: 68.309.
          + Số trường hợp khỏi bệnh: 79.893.
          + Số trường hợp tử vong: 292 ca.
          +  Số trường hợp hiện đang điều trị: 65 (trong đó tại nhà 60).

Hoạt động y tế dự phòng:
- Thực hiện các hoạt động phòng chống dịch Covid-19: Tiếp tục triển khai tiêm vaccin phòng Covid-19 cho người dân sống và làm việc trên địa bàn tỉnh theo Công văn số 3896 ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Bộ Y tế. Tính đến ngày 14/8/2022 thực hiện tiêm vaccin cho các đối tượng: Từ 18 tuổi trở lên: tỷ lệ đã tiêm mũi 1 là 99,9%; mũi 2 là 99,8%; mũi 3: 95,6%; mũi 4: 63,1%. Đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi: mũi 1: 100%, mũi 2: 99,8%, mũi 3: 55,3% . Đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi: mũi 1: 92,7%; mũi 2: 72,7%. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Gửi mẫu lên Viện Pasteur giải trình tự gen vi rút SARS-CoV-2.
- Công tác tiêm chủng mở rộng: giám sát công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 và phân bổ vắc xin cho các huyện/thành phố. Số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin tính từ đầu năm là 7.085 trẻ, đạt tỷ lệ 42,18% so kế hoạch năm.
- Phòng chống SXH: tiếp tục điều tra, giám sát côn trùng và giám sát công tác chống dịch SXH tại các huyện; thực hiện dập dịch sốt xuất huyết diện rộng tại huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc và Ba Tri.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong kỳ tỉ lệ phụ nữ sinh con được khám thai 4 lần trở lên/tổng phụ nữ sinh đạt 97,09%. Tỉ lệ phụ nữ sinh được cán bộ y tế hỗ trợ đạt 99,87%. Tổng số lượt phụ nữ khám phụ khoa là 7.351 lượt, trong đó tỉ lệ điều trị phụ khoa là 23,79%. Trong kỳ, tai biến sản khoa xảy ra 05 trường hợp băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.
Tình hình KHHGĐ: đối với các biện pháp KHHGĐ vẫn thực hiện thường xuyên, số người mới thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại trong tháng là 859 người, trong đó triệt sản 15 trường hợp. 
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em: Tỉ lệ trẻ sơ sinh đủ cân từ 2.500g trở lên/tổng trẻ sơ sinh được cân đạt 96,5%.
Tình hình ngộ độc thực phẩm: không xảy ra, lũy kế 08 tháng đầu năm không xảy ra.
Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS:  Trong tháng phát hiện 19 ca nhiễm HIV, 05 ca chuyển AIDS, 03 ca tử vong. Lũy kế 8 tháng đầu năm: số nhiễm HIV là 258 ca, chuyển AIDS 34 ca, tử vong 25 ca (cùng kỳ năm 2021: số nhiễm HIV 186 ca, chuyển AIDS 34 ca, tử vong 28 ca). Cộng dồn từ năm 1993 đến nay: số nhiễm HIV 5.225 ca, chuyển AIDS 2.056 ca, tử vong 1.327 ca.

Công tác thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP): Thanh kiểm tra ATVSTP tại 559 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, kinh doanh tiêu dùng, dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể, trong đó có 33 cơ sở nhắc nhở và 01 cơ sở phạt tiền 2.000.000đ (nơi chế biến có động vật gây hại xâm nhập). Kiểm tra 308 hộ kinh doanh thức ăn đường phố (đạt 276 hộ. Thực hiện test nhanh mẫu thực phẩm: độ sạch bát đĩa đạt 17/17 mẫu, dầu mỡ ôi khét đạt 11/11 mẫu, hàn the đạt 27/30 mẫu, phẩm màu đạt 08/08 mẫu. Ngoài ra, thường xuyên tuyên truyền về an toàn về sinh thực phẩm qua các hình thức: nói chuyện chuyên đề cho tuyến xã, phát thanh trên Đài truyền thanh 9 huyện/thành phố (160 lượt) và 157 xã/phường/thị trấn (537 lượt).

Công tác khám chữa bệnh: Các bệnh viện vẫn tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác chuyên môn. Trong tháng: Tỉ lệ tử vong chung là 0,08% giảm 0,04% so tháng qua trong đó tỉ lệ tử vong tại: Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu là 0,14% (giảm 0,08%), bệnh viện tuyến huyện 0% (giảm 0,07%). Công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 59% so với tháng qua tăng 2,6% trong đó: Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu là 70,4% (tăng 9,4%); Bệnh viện đa khoa Cù Lao Minh 64% (tăng 6%); tại các bệnh viên tuyến huyện là 39% (giảm 2%).  

5. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao

Hoạt động tuyên truyền,cổ động trực quan: Tập trung tuyên truyền kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022; Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Bến Tre. Tổ chức Họp mặt kỷ niệm 60 năm thành lập Đoàn Văn công giải phóng.

Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Bảo tàng và các di tích, trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu mở cửa phục vụ 10,616 lượt khách tham quan. Sưu tầm 10 hiện vật. Phối hợp Ban Quản lý Di tích Dinh Độc Lập phỏng vấn ba nhân chứng từng tham gia phong trào Đồng Khởi. Chuẩn bị dựng phim “Người anh hùng tình báo bí ẩn, thầm lặng” về Đại tá Phạm Ngọc Thảo. Khảo sát 3 di tích: Căn cứ điều trị, chăm sóc thương binh của tỉnh Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (xã Thừa Đức, huyện Bình Đại); Đình An Bình Đông; Mộ và Miếu thờ ông Trần Văn Yến (huyện Ba Tri) để chuẩn bị viết hồ sơ di tích theo kế hoạch.

Đoàn Nghệ thuật Cải lương: Truyền thông các sản phẩm video clip, audio (02 sản phẩm): Sinh hoạt chuyên đề Người tốt việc tốt quý II năm 2022; Biên tập các sản phẩm về Nguyễn Đình Chiểu để truyền thông trên mạng xã hội. Ban hành kế hoạch phối hợp tổ chức Liên hoan Thanh niên tuyên truyền ca khúc cách mạng thành phố Bến Tre năm 2022. Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre Tổ biểu diễn phục vụ 06 xuất kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022).

Thư viện Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre: Luân chuyển 210 tài liệu cho cà phê Nhà Xưa; cà phê BAM 53 tài liệu; cà phê An Hội quán 200 tài liệu. Tổ chức các hoạt động vui chơi và phát triển văn hóa đọc cho trẻ em tại Làng Trẻ em SOS năm 2022.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: Mua sắm thiết bị Hỗ trợ phát triển hệ thống cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em vùng nông thôn. Khảo sát thống nhất đầu tư xã nông thôn mới tại 04 xã thuộc huyện Giồng Trôm (Long Mỹ, Tân Thanh, Tân Lợi Thạnh, Hưng Nhượng). Kiểm tra nâng chất Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2022 tại xã An Ngãi Tây (huyện Ba Tri).

Hoạt động thể dục thể thao (TDTT): Tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn tổ chức Đại hội TDTT các cấp và dự Đại hội các huyện, thành. Khảo sát phong trào thể thao quần chúng của 06 huyện Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành, thành phố Bến Tre kết hợp kiểm tra công tác tổ chức Phổ cập bơi các huyện, thành phố. Đại hội TDTT tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022 (tổ chức môn Vovinam, Quần vợt và Billard trong). Phối hợp với Học viện Bóng đá Phù Đổng tổ chức giải Bóng đá U15 Quốc gia năm 2022 và Công an tỉnh tổ chức Đại hội khỏe “Vì an ninh Tổ quốc” Công an tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022. Tham dự các giải thi đấu đạt 11 huy chương (3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 6 huy chương đồng).

6. Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội

Theo nguồn số liệu từ Công an tỉnh, trong tháng báo cáo, trên địa bàn tỉnh xảy ra 47 vụ phạm pháp hình sự làm bị thương 06 người, thiệt hại tài sản 1.037 triệu đồng, so tháng trước giảm 22 vụ, giảm 05 người bị thương, tài sản thiệt hạo tăng 372,9 triệu đồng. Tệ nạn xã hội và vi phạm hành chính xảy ra 24 vụ với 147 đối tượng, so với tháng trước tăng 06 vụ và tăng 29 đối tượng.

Tai nạn xã hội xảy ra 18 vụ, làm chết 14 người và bị thương 04 người, so tháng trước tăng 06 vụ, tăng 03 người chết và tăng 01 người bị thương, trong đó:
- Tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 15 vụ (bao gồm cả các vụ va chạm giao thông), làm chết 11 người và làm bị thương 4 người, so tháng trước số vụ tăng 05 vụ, tăng 02 người chết và tăng 01 người bị thương. Lũy kế từ đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 106 vụ tai nạn giao thông bộ, làm chết 96 người và bị thương 25 người. So với lũy kế cùng kỳ năm 2021, số vụ tai nạn giao thông bộ tăng 05 vụ, số người chết do tai nạn giao thông bộ tăng 10 người và số người bị thương do tai nạn giao thông bộ giảm 07 người so cùng kỳ.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông do các phương tiện đi không đúng phần đường quy định, thiếu chú ý quan sát, chạy quá tốc độ quy định, vượt sai quy định và đa phần đều đã uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
- Tai nạn giao thông thủy: Từ đầu năm đến thời điểm báo cáo tai nạn giao thông đường thủy không xảy ra.
- Tai nạn cháy: Trong tháng không xảy ra. Lũy kế 08 tháng đầu năm toàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy làm thiệt hại 130 triệu đồng. So với lũy kế cùng kỳ năm 2021, tai nạn cháy giảm 04 vụ, nhưng tài sản thiệt hại giảm 5.030 triệu đồng.
Tai nạn khác: Trong tháng xảy ra 03 vụ, làm chết 03 người, bao gồm 02 vụ do đuối nước làm chết 02 người và 01 vụ do điện giật làm chết 01 người.

7. Thiệt hại thiên tai

Trong tháng báo cáo, xảy ra 01 vụ lốc xoáy trên địa bàn xã Giao Thạnh huyện Thạnh Phú làm sập hoàn toàn 02 căn nhà (đa số là nhà tạm) và làm tốc mái 13 căn, ước tổng thiệt hại khoảng 254 triệu đồng. Trước mắt chính quyền địa phương đã hỗ trợ tạm thời cho các nhà bị sập và tiếp tục rà soát để có biện pháp hỗ trợ bà con khắc phục khó khăn. Lũy kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 07 vụ thiên tai không thiệt hại về người nhưng làm tài sản thiệt hại ước khoảng 6.057 triệu đồng./.
Nguồn: Cục thống kê tỉnh Bến Tre