• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Thực hiện công tác quản lý Nhà nước để hỗ trợ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố Bến Tre
Đại biểu tham dự Hội nghị có ý kiến thảo luận xung quanh vấn đề thực hiện công tác quản lý nhà nước để hỗ trợ cuộc vận động (Nguồn: QLTM)

Thực hiện công tác quản lý Nhà nước để hỗ trợ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố Bến Tre

(Cập nhật: 21/05/2019)

Sau khi có Thông báo số 264- TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cuộc vận động (BCĐ CVĐ) tỉnh, Ban Thường vụ Thành ủy Bến Tre ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố do đồng chí Chủ tịch Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) thành phố làm trưởng ban, đồng chí Trưởng phòng Kinh tế thành phố làm Phó Trưởng ban trực và Phòng Kinh tế là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. 

Đến năm 2017, căn cứ hướng dẫn của BCĐ CVĐ tỉnh Bến Tre, Thành ủy đã ban hành Quyết định củng cố, kiện toàn BCĐ CVĐ cấp thành phố, trong đó Phó trưởng Ban Chỉ đạo là đồng chí Phó Chủ tịch UBMTTQVN thành phố và Ban Thường trực MTTQVN thành phố trở thành cơ quan thường trực của BCĐ.

Với vai trò là cơ quan thường trực của BCĐ, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Bến Tre hướng dẫn xã, phường làm tham mưu cho Đảng ủy ra quyết định thành lập tổ vận động và đi vào hoạt động. Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên là thành viên Ban chỉ đạo cuộc vận động đã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công đều có xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động  đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động.

Ban chỉ đạo cuộc vận động Thành phố đã tham mưu tổ chức Hội nghị triển khai trong cán bộ, đảng viên. Sau đó, Ban Thường trực UBMTTQVN và các đoàn thể thành phố xây dựng kế hoạch tuyên truyền trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam thành phố: phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân và các Phòng, ban có liên quan tổ chức triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức mít tinh phát động và kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng Cuộc vận động; tổ chức hội nghị triển khai quán triệt chủ trương, mục đích và ý nghĩa của Cuộc vận động trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, qua đó, đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống Mặt trận như: thông qua các buổi họp chi, tổ hội các đoàn thể, hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, họp tổ nhân dân tự quản, tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, hái hoa dân chủ…đã tuyên truyền 98.546 cuộc với 2.876.465 lượt người tham dự. Ngoài ra, còn thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin báo, đài, tờ tin nội bộ thành phố và xã, phường hoặc treo băng rol, biểu ngữ, khẩu hiệu về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tiến hành khảo sát, lấy phiếu thăm dò và đánh giá mức độ hài lòng của nhân dân tại cộng đồng dân cư về việc thực hiện Cuộc vận động với những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Phòng Kinh tế thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tham gia Hội chợ Công nghiệp thương mại và khuyến mại hàng năm. Thông qua các hội chợ triển lãm đã giới thiệu, quãng bá các sản phẩm đặc trưng của thành phố, giúp sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận được với người tiêu dùng, nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng để phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hằng năm tham gia tổ chức Hội chợ triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của thành phố Bến Tre kết hợp với sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp sản xuất trong nước trưng bày và bán sản phẩm, đã thu hút hơn chục ngàn lượt người tham quan mua sắm; tổ chức vận động các doanh nghiệp ở địa phương vươn xa ra ngoài địa bàn để tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm ở các nơi. Thông tin tuyên truyền, rà soát, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất, định hướng tiêu dùng; kiểm soát chặt chẽ mua sắm công từ Ngân sách Nhà nước; hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường…. Các cơ quan chức năng đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền vận động phòng chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng không  nguồn gốc lưu hành trên thị trường. Các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn thành phố đã không ngừng mở rộng các kênh phân phối sản phẩm nhằm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng. 

 Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố hàng năm tổ chức tuyên truyền về dinh dưỡng an toàn lành mạnh. Hội tiến hành hoà giải thành 07 vụ khiếu nại, tư vấn và tham gia giải quyết thành 13 trường hợp người tiêu dùng mua sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ngộ độc thức ăn (bánh mì), buộc chủ cơ sở phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và xã, phường đã phối hợp với BCĐ thành phố, Tổ vận động xã, phường đã căn cứ vào đặc điểm của từng đoàn viên, hội viên của tổ chức minh đã đề ra hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp. Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và cơ sở tích cực lồng ghép tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và phụ nữ thực hiện các tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, đồng thời tăng cường phối hợp với các công ty tổ chức sự kiện, hội thảo giới thiệu sản phẩm Việt. Phối hợp siêu thị Coopmart tuyên truyền chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng Việt; phối hợp đưa hàng Việt về các xã; vận động các chi, tổ hội làm đầu mối cung cấp một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu từ hành Việt với gia ưu đãi,... nhằm khuyến khích chị em trong mua sắm, tiêu dùng hàng Việt. Đoàn Thanh niên tăng cường thực hiện phong trào “Thanh niên đồng hành dùng hàng Việt Nam”, “Tuổi trẻ Việt Nam thực hành tiết kiệm”. Kịp thời tuyên truyền, biểu dương những doanh nghiệp trẻ có sáng kiến kỹ thuật tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ nhằm khuyến khích thanh niên và nhân dân tiêu dùng hàng Việt. Hội Nông dân thành phố tích cực vận động hội viên nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp tham gia các hội chợ triễn lãm tại địa phương,...

Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Bến Tre, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố ngoài việc cụ thể hóa thành nhiều chương trình, kế hoạch để tổ chức và hướng dẫn cơ sở thực hiện, còn chỉ đạo lồng ghép thực hiện Cuộc vận động này với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”); lồng ghép trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua của các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng, tạo thành phòng trào rộng khắp, lan tỏa và bền vững.

                Đề cuộc vận động tiếp tục hoạt động có hiệu quả, BCĐ CVĐ thành phố đề ra một số phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới: Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn BCĐ cuộc vận động, xem đây là nhân tố quan trọng trong việc chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện cuộc vận động; phát huy vai trò của các thành viên Ban chỉ đạo bằng việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; hàng năm tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm trong hoạt động; Ban Chỉ đạo Thành phố, thông qua hệ thống của mình tiếp tục phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành, đoàn thể thành phố, xã, phường tập trung và đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và người tiêu dùng về mục đích, ý nghĩa cuộc vận động để họ tích cực hưởng ứng; Quan tâm phối hợp với các ngành trong việc xây dựng văn hóa gắn với kinh tế. Trong đó, quan tâm xây dựng đạo đức và văn hóa của người sản xuất là: phải có trách nhiệm với người tiêu dùng; không sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Xây dựng văn hóa, thói quen sử dụng hàng thật, hàng chất lượng cao, ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Vận động các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, giá thành hợp lý, xây dựng và nâng cao uy tín thương hiệu hàng Việt Nam đáp ứng lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước; Chú trọng công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, đề xuất và phối hợp với ngành chức năng xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và những hành vi gian lận thương mại. Thực hiện nghiêm việc niêm yết và bán đúng theo giá đã niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và tiêu dùng.

Nguồn:QLTM-SCT