• EMAIL:
    sct@bentre.gov.vn
  • ĐIỆN THOẠI:
    0275.3822 365- 3822 251
  • ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC:
    Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại
    0275.6281888 - 0275.3822403
Thực trạng, giải pháp về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Thực trạng, giải pháp về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bến Tre

(Cập nhật: 09/04/2019)

Năm 2019, Bộ công Thương có chương trình hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững”. Đây là sự kiện ý nghĩa rất thiết thực đối với người tiêu dùng và cho sự tồn tại, phát triển bền vững của doanh nghiệp, cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và xã hội, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy chương trình “Quốc gia khởi nghiệp” và chương trình Tỉnh ủy về chương trình “Đồng Khởi, khởi nghiệp làm giàu, thoát nghèo”.  

Trong những năm qua lực lượng doanh  nghiệp, hợp tác xã (HTX) và cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung không ngừng phát triển lớn mạnh về mọi mặt. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có: 4.205 doanh nghiệp, 129 HTX, 4.452 cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau nhưng tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa, thủy sản, hàng gia dụng, lương thực, thức ăn gia súc…và một số doanh nghiệp có quy mô khá tham gia xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ hàng nội địa. Nhìn chung, các sản phẩm hàng hóa dịch vụ không ngừng được nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt cho nhu cầu sinh hoạt đời sống của người tiêu dùng.

Trong môi trường cạnh tranh hiện nay, tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội cũng như những thách thức to lớn, đòi hỏi phải nâng cao năng lực canh tranh không chỉ bằng nguồn vốn, công nghệ, chất lượng mà còn bằng uy tín, thương hiệu, đạo đức trong kinh doanh, coi trọng yếu tố người tiêu dùng, đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định.

Thực tế cho thấy đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp tỉnh ta đã nhận thức được những thách thức và cơ hội trong nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế, lấy mục tiêu là thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, xây dựng uy tín thương hiệu, định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh vì sự phát triển bền vững, thực hiện kinh doanh lành mạnh, trách nhiệm xã hội mà trọng tâm là bảo đảm an toàn vì sự lợi ích của người tiêu dùng.

Với sự nỗ lực không ngừng, doanh nghiệp đã tập trung đầu tư công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng nhiều hệ thống quản lý tiên tiến để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, thực hiện sản xuất sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch,... Trong những năm qua, rất nhiều doanh nghiệp trong tỉnh được tổ chức nhà nước vinh danh trong khu vực và cả nước: doanh nghiệp tiêu biểu vì doanh nhân cộng đồng, đơn vị sản xuất uy tín, doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao được người tiêu dùng bình chọn, trong đó có các doanh nghiệp điển hình như: công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, công ty CP XNK Bến Tre, công ty TNHH Chế biến dừa Cửu Long, công ty TNHH Vĩnh Tiến, công ty TNHH SXTM Thanh Long, công ty TNHH Đông Á, ...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đóng góp tích cực của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) vào sự phát triển kinh tế và công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được người tiêu dùng tín nhiệm, cũng còn một số doanh nghiệp SXKD chạy theo lợi nhuận, đôi lúc đã đánh lừa người tiêu dùng, thiếu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình, vi phạm quyền lợi đối với người tiêu dùng, cụ thể theo báo cáo của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm qua đã có tiếp nhận 17 vụ khiếu nại của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, với tổng giá trị hàng hóa khiếu nại là 193.68 triệu đồng, bao gồm các lĩnh vực: hàng tiêu dùng, hàng điện tử gia dụng, phương tiện vận chuyển, vật liệu xây dựng,... do đó trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được thực hiện liên tục thường xuyên và đồng bộ. Doanh nghiệp phải nhận thức được trong hoạt động SXKD của mình, mục đích chính là người tiêu dùng, không phải là khách hàng trung gian.

Thực hiện tốt trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, không những giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt mà còn hỗ trợ giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược liên quan đến SXKD và các vấn đề xã hội. Để làm được điều này, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần quan tâm đến các giải pháp sau:

Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững, trong đó xác định trách nhiệm xã hội, trách nhiệm đối với người tiêu dùng phải là một trong những chiến lược kinh doanh hàng đầu của doanh nghiệp. Đây cũng là chiến lược tìm kiếm lợi nhuận bền vững, dài hạn của doanh nghiệp.        

Tiếp tục thực hiện tốt việc kết hợp giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, đây chính là một mối quan hệ không thể tách rời, khi doanh nghiệp kết hợp tốt ba bên (tam giác vàng) sẽ tạo ra nhiều thuận lợi trong việc nắm bắt nhu cầu để đầu tư phát triển sản phẩm và doanh nghiệp của mình.

Doanh nghiệp cần nắm rõ trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng, đồng thời phải biết những hành vi bị cấm để từ đó quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ, nói không với hàng giả, hàng gian, hàng nhái, không kinh doanh trái phép các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm lưu thông. Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan như hiện nay, việc tạo dựng uy tín và niềm tin của người tiêu dùng vào doanh nghiệp là không dễ dàng. Bên cạnh việc “chăm sóc sức khoẻ thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp”, các doanh nghiệp cần bảo đảm nguồn gốc xuất xứ (hàng xuất khẩu, nhập khẩu) và an toàn…; đồng thời, có sự minh bạch trong việc cung cấp thông tin sản phẩm, thông tin doanh nghiệp cho người tiêu dùng bảo đảm chính xác, đầy đủ; sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ và xử lý các vấn đề liên quan đến sản phẩm của mình cho người tiêu dùng khi xảy ra sự cố, thể hiện tốt trách nhiệm xã hội đối với người tiêu dùng.

Trên thực tế, người tiêu dùng chính là khách hàng, là “thượng đế” và là nguồn sống của các doanh nghiệp. Vì vậy, chỉ khi bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, doanh nghiệp mới có thể có lượng khách hàng trung thành và phát triển bền vững. Doanh nghiệp hãy gắn chặt, đặt lợi ích của mình song hành với quyền lợi của người tiêu dùng. Trong đó, các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng thực hiện các chương trình kích cầu của Chính phủ, của tỉnh (tham gia Hội chợ hàng hóa Vì người tiêu dùng, Tuần lễ tri ân người tiêu dùng, Chương trình triển khai Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) hàng năm, đưa hàng Việt về nông thôn…) để tăng doanh thu, tăng thị phần của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp thành công luôn là những doanh nghiệp có triết lý kinh doanh ưu tiên hướng về người tiêu dùng, coi người tiêu dùng không chỉ là khách hàng mà còn là tài sản của doanh nghiệp.

Người tiêu dùng phải có ý thức tự giác, chủ động bảo vệ quyền lợi cho chính mình; biết từ chối hàng gian, hàng giả, các nhà cung cấp có hành vi gian dối trong kinh doanh. Thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật hiện hành, tránh tình trạng lợi dụng các “quyền” được pháp luật quy định, nhất là quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại,… thiếu cơ sở pháp lý, gây ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp.

Nguồn: QLTM-SCT